ISSN-2815-5823
Thu Phương
Thứ tư, 09h20 30/10/2024

MB đang ở đâu khi chuẩn bị bước qua ngưỡng cửa tuổi 30?

(KDPT) - Sau 3 thập kỷ phát triển, MB đã vươn lên trở thành ngân hàng sở hữu quy mô tài sản và tín dụng lớn nhất trong nhóm ngân hàng TMCP tư nhân.

Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) vừa công bố báo cáo tài chính quý 3/2024 với tổng tài sản hợp nhất đến cuối tháng 9 đạt gần 1,029 triệu tỷ đồng, tăng 8,9% so với hồi đầu năm. Đây là lần đầu tiên quy mô tổng tài sản MB vượt mốc 1 triệu tỷ đồng và trở thành ngân hàng thứ 5 tại Việt Nam (sau Agribank, BIDV, VietinBank và Vietcombank) đạt được cột mốc này.

Với quy mô tổng tài sản trên, MB hiện bỏ xa các ngân hàng cổ phần tư nhân lớn như Techcombank (927.053 tỷ đồng), VPBank (858.885 tỷ đồng),…

Trụ sở MB.
Trụ sở MB.

Từ ngân hàng đi chậm…

Thành lập ngày 4/11/1994, từ một ngân hàng chỉ với 25 nhân sự và 20 tỷ đồng vốn điều lệ ban đầu, sau 30 năm phát triển, MB hiện trở thành ngân hàng sở hữu quy mô tài sản và tín dụng lớn nhất trong nhóm ngân hàng TMCP tư nhân. 

Nói về hành trình đi lên của MB, có lẽ phải nhắc đến 2 giai đoạn rõ nét nhất, đó là trước và sau 2017.

Trước năm 2017, tình hình kinh doanh của MB ổn định nhưng có phần chậm chạp. Điều này thể hiện rõ ở các con số về lợi nhuận của MB trong 5 năm liên tục (từ 2011-2015) chỉ xoay quanh mức 3.000 tỷ đồng với mức tăng trưởng cả giai đoạn chỉ 22%.

Tổng tài sản tăng từ gần 140.000 tỷ đồng (2011) lên 221.000 tỷ đồng (2015), tương đương tăng trưởng 59% và vốn chủ sở hữu tăng hơn 90% từ chưa đến 9.700 tỷ lên gần 22.600 tỷ đồng. Trong khi đó các ngân hàng tương đương về quy mô là Techcombank và VPBank lại tăng trưởng các chỉ số trên tính bằng lần mỗi năm.

Nhìn lại thời điểm trước năm 2017 của MB, Chủ tịch HĐQT MB Lưu Trung Thái chia sẻ: “MB chạy chậm không phải do chúng tôi thực sự chậm hay cơ thể yếu mà là chủ động chạy chậm, chứ không phải không có khả năng chạy nhanh”.

Ông Thái cho biết, thời điểm đó, ngành ngân hàng lâm vào một cuộc khủng hoảng lớn, với rất nhiều vụ việc và bản thân MB tự đặt mục tiêu không áp lực nhằm đảm bảo an toàn cho hệ thống. Tuy nhiên, khi đã vượt qua những “cơn sóng lớn” ấy, MB đã thay đổi mục tiêu, xác định đã đến lúc ngân hàng cần khởi động lại và tăng tốc.

Chủ tịch MB so sánh việc tăng tốc của MB khi đó giống như một vận động viên marathon đạt thành tích cao nhưng trước đây chỉ chạy giữ sức ở mức 10 km thôi.

Biểu đồ lợi nhuận những năm gần đây của MB.
Biểu đồ lợi nhuận những năm gần đây của MB.

… bắt đầu tăng tốc

Bước ngoặt của MB bắt đầu từ năm 2016 khi ngân hàng có những sự thay đổi về nhân sự, chiến lược cũng như vận hành và tăng tốc kể từ năm 2017.

Có thể thấy, trong giai đoạn từ năm 2017 trở lại đây, ngân hàng đã ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng ấn tượng, đưa MB trở thành một trong những ngân hàng thương mại top đầu hệ thống bằng việc liên tục đẩy mạnh chuyển đổi số, thay đổi cơ chế quản trị hệ thống, mở rộng hoạt động kinh doanh ra nước ngoài…

Theo BCTC hợp nhất quý 3/2024 vừa công bố, MB ghi nhận thu nhập lãi thuần trong quý đạt 10.417 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước.

Trong quý, khoản lãi từ kinh doanh ngoại hối của ngân hàng đã tăng gần 3 lần, các khoản lãi từ hoạt động dịch vụ, mua bán chứng khoán kinh doanh, hoạt động kinh doanh khác cũng đều tăng trưởng dương so với cùng kỳ.

Kết quả, lợi nhuận trước thuế quý III của MB đạt 7.308 tỷ đồng, tăng nhẹ so với kết quả đạt được cùng kỳ năm 2023. Lợi nhuận sau thuế đạt 5.843 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng, MB ghi nhận tổng thu nhập hoạt động đạt 38.850 tỷ đồng, tăng 9%, trong đó khoản thu nhập lãi thuần đóng góp tới 70%. Lợi nhuận trước thuế đạt 20.736 tỷ đồng, tăng 4%.

Nhân viên MB tư vấn cho khách hàng.
Nhân viên MB tư vấn cho khách hàng.

Tính đến cuối tháng 9/2024, tổng tài sản của MB đạt gần 1.029 triệu tỷ đồng, tăng 8,88% so với đầu năm. Cho vay khách hàng tăng 14,9%, đạt 702.019 tỷ đồng; tiền gửi khách hàng tăng 10,6%, đạt 627.567 tỷ đồng, đẩy tỷ lệ cho vay/tiền gửi tăng lên mức 111,9%.

Không chỉ nằm trong top những ngân hàng tư nhân lớn tại Việt Nam, MB còn là một trong những ngân hàng hiếm hoi sở hữu hệ sinh thái tài chính đa dạng từ chứng khoán, bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ cho tới quản lý quỹ, tài chính tiêu dùng.

Chia sẻ tại Hội nghị nhà đầu tư vào đầu tháng 8/2024, Chủ tịch HĐQT MB Lưu Trung Thái cho biết, ban lãnh đạo ngân hàng kỳ vọng đạt vùng lợi nhuận 28.000 tỷ đồng. Cụ thể, MB dự kiến lợi nhuận trước thuế 2024 từ 27.884 tỷ đồng đến 28.411 tỷ đồng, tăng trưởng từ 6-8% so với 2023.

Về chỉ tiêu tổng tài sản, ngân hàng đặt mục tiêu tăng 13%, tức đạt gần 1,068 triệu tỷ đồng vào cuối năm 2024, trở thành ngân hàng tiếp theo vượt qua cột mốc 1 triệu tỷ sau nhóm Big4.

Tham vọng tuổi 30

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, Tổng giám đốc MB Phạm Như Ánh cho biết, mục tiêu của MB trong giai đoạn từ nay đến năm 2026 sẽ tập trung vào việc tăng tốc chuyển đổi số, không chỉ trở thành một ngân hàng số mà còn hướng tới trở thành một doanh nghiệp số. Đây cũng là điểm khác biệt lớn của ngân hàng trên thị trường. 

Tham vọng của MB là 50% doanh thu đến từ kênh số trong tương lai. Việc phát triển doanh nghiệp số sẽ tiếp tục dựa trên 2 nền tảng chính là App MBBank (dành cho khách hàng cá nhân) và BIZ MBBank (dành cho khách hàng doanh nghiệp).

Ông Phạm Như Ánh cũng cho biết, giai đoạn 2024-2029, MB đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 14%/năm, huy động vốn tăng 15%/năm, lợi nhuận tăng 12%/năm, nợ xấu dưới 2%, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) tối thiểu 9%, các chỉ tiêu hiệu quả (ROE, ROA, CIR) thuộc top đầu ngành ngân hàng, số lượng khách hàng đạt 40 triệu đến năm 2029 và tỷ lệ cổ tức từ 15-20%/năm.

Bên cạnh đó, MB phấn đấu đạt tối thiểu 30% doanh thu từ kênh số, hướng đến 50% doanh thu trên kênh số vào năm 2026. Đồng thời, ngân hàng sẽ tích hợp tiêu chí ESG trong triển khai các mục tiêu dài hạn, hướng tới phát triển bền vững theo chiến lược đã đề ra.

Việc tiếp nhận OceanBank trước thềm kỷ niệm 30 năm thành lập đánh dấu bước chuyển mình quan trọng của MB khi MB Group phát triển thành một tập đoàn với hệ sinh thái bao gồm 3 ngân hàng và 6 công ty thành viên.
Việc tiếp nhận OceanBank trước thềm kỷ niệm 30 năm thành lập đánh dấu bước chuyển mình quan trọng của MB khi MB Group phát triển thành một tập đoàn với hệ sinh thái bao gồm 3 ngân hàng và 6 công ty thành viên.

Mới đây, ngày 17/10/2024, MB chính thức nhận chuyển giao bắt buộc Ngân hàng TM TNHH MTV Đại Dương (OceanBank) trở thành một thành viên mới.

Ngay từ khi được giao nhiệm vụ, MB đã có những bước đi đầu tiên trong quá trình tiếp nhận OceanBank, bao gồm việc cử ông Lê Xuân Vũ, Thành viên Ban điều hành của MB, giữ vị trí Phó tổng Giám đốc Thường trực của OceanBank.

MB cam kết sẽ ưu tiên sử dụng nguồn lực từ các mảng kinh doanh chính, nhân sự, công nghệ và tài chính để hỗ trợ quá trình tái cơ cấu OceanBank. Sau khi chuyển giao, quyền lợi của người gửi tiền và khách hàng tại OceanBank sẽ tiếp tục được đảm bảo theo đúng quy định pháp luật và các dịch vụ ngân hàng sẽ được duy trì thông suốt.

Như vậy, với việc tiếp nhận thêm OceanBank, bước sang tuổi 30, MB đang sở hữu tổng cộng ba ngân hàng, bao gồm MB, MBCambodia và OceanBank, cùng sáu công ty thành viên hoạt động trong các lĩnh vực chứng khoán, quản lý quỹ, ngân hàng, bảo hiểm và tài chính tiêu dùng - tạo ra động lực nội sinh đầy đủ cho MB Group trong ngành tài chính ngân hàng.

Việc tiếp nhận Oceanbank làm thành viên mới, theo lãnh đạo MB là dấu mốc quan trọng, mang lại cơ hội mở rộng hoạt động, triển khai các mô hình kinh doanh mới cho MB và OceanBank, đồng thời đảm bảo an toàn hệ thống, đảm bảo quyền lợi khách hàng và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 30/10/2024