ISSN-2815-5823
Đặng Nguyệt
Thứ năm, 06h13 16/05/2024

Doanh nghiệp càng nhỏ, mức độ khó khăn càng lớn

(KDPT) - Dự báo, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn trong năm nay khi tỷ lệ doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường ghi nhận ở mức cao.

Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết năm 2024 vẫn được cho là một năm đầy gian nan với doanh nghiệp Việt Nam.

Số lượng lớn doanh nghiệp rời khỏi thị trường

Theo ông Tuấn khẳng định, điều đó thể hiện qua tỷ lệ doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong những tháng đầu năm 2024 rất cao, chỉ ra rằng môi trường kinh doanh và nền kinh tế đang khó khăn.

Số liệu mới nhất từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy cả nước có 81.260 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong 4 tháng đầu năm 2024, tăng 3,4% so với cùng kỳ, mặt khác số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 4 tháng là 86.365 doanh nghiệp, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2023. Theo đó, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong 4 tháng đầu năm thấp hơn so với số đơn vị rời khỏi thị trường là 5.105 doanh nghiệp.

Cả nước có 81.260 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong 4 tháng đầu năm 2024.
Cả nước có 81.260 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong 4 tháng đầu năm 2024.

Trong Báo cáo Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), khảo sát được thực hiện với trên 9.000 doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân trong nước đang vận hành ở 63 tỉnh thành và hơn 1.500 doanh nghiệp có vốn FDI chỉ ra rằng diễn biến hoạt động kinh doanh khá khó khăn. Đáng chú ý, các nhà đầu tư nước ngoài cũng đều có nhận xét về sự khó khăn của tình hình kinh doanh. Trong đó, quy mô doanh nghiệp càng nhỏ thì mức độ khó khăn lại càng lớn.

Mặt khác, Báo cáo tình hình doanh nghiệp 4 tháng đầu năm 2024 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra con số rằng có tới 60.872 doanh nghiệp trên tổng số 86.365 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 4 tháng đầu năm là tạm ngừng kinh doanh, tăng 21,9% so với cùng kỳ. Đa số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong 4 tháng này đều có quy mô nhỏ dưới 10 tỷ đồng với 54.511 doanh nghiệp, chiếm 89,6%, tăng 21.9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Tuấn khuyến nghị, đối với chính quyền địa phương và các bộ ban ngành, thông điệp quan trọng là cần có những biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp một cách hiệu quả, mạnh mẽ và thực chất hơn nữa trong năm 2024, trong đó cần tập trung vào đối tượng doanh nghiệp vừa và nhỏ nhiều hơn.

Doanh nghiệp đang gặp phải nhiều khó khăn khi vận hành, đặc biệt là những thách thức về tiếp cận tín dụng, tìm kiếm khách hàng, biến động chính sách, biến động thị trường.
Doanh nghiệp đang gặp phải nhiều khó khăn khi vận hành, đặc biệt là những thách thức về tiếp cận tín dụng, tìm kiếm khách hàng, biến động chính sách, biến động thị trường.

Ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng có đồng quan điểm với những khó khăn mà cộng đồng doanh nghiệp đang gặp phải khi nhận định rằng việc tiếp cận đất đai có nhiều cản trở gia tăng, môi trường kinh doanh chưa bình đẳng với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hay tính tiên phong và năng động của cán bộ chính quyền địa phương có dấu hiệu chững lại. Ngoài ra, các đơn vị cũng đang gặp phải nhiều khó khăn khi vận hành, đặc biệt là những thách thức về tiếp cận tín dụng, tìm kiếm khách hàng, biến động chính sách, biến động thị trường, pháp luật, ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu và thiên tai.

Tạo điều kiện để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thị trường và vốn

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế, Chính phủ nên có thêm những giải pháp để vực dậy tinh thần của doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp tiếp cận tốt hơn trong năm nay. Để làm được điều đó, chính quyền các địa phương cần phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, và phát huy tính tiên phong trong hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp bên cạnh việc có những chính sách cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ tiếp cận vốn, đất đai, thị trường… Qua đó, xây dựng và tạo lập được một môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch. Đó là vấn đề cộng đồng doanh nghiệp đang chú ý đến trong thời gian tới.

Theo bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nói về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp, cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ một cách linh hoạt, kịp thời, chủ động, hiệu quả, chính sách tài khóa mở rộng có trọng tâm, trọng điểm, hợp lý cũng như các chính sách khác góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng cường kinh tế, ổn định thị trường ngoại hối, tiền tệ và hệ thống ngân hàng nhằm giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, có thể tận dụng tốt thời cơ, hồi phục và phát triển bền vững, nhanh, qua đó góp phần tạo động lực quan trọng phát triển kinh tế xã hội đất nước trong năm nay.

Doanh nghiệp có quy mô càng nhỏ thì mức độ gặp khó khăn càng lớn. 
Doanh nghiệp có quy mô càng nhỏ thì mức độ gặp khó khăn càng lớn. 

Cùng với đó, triển khai các giải pháp tín dụng phù hợp nhằm đáp ứng nhu cầu về vốn cho nền kinh tế, thực hiện chỉ đạo các tổ chức tín dụng hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực thúc đẩy kinh tế. Đồng thời kiểm soát tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, khuyến khích các tổ chức tín dụng thực hiện tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cho vay, nỗ lực phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế, tiếp tục thực hiện các giải pháp gia tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thực hiện khơi thông, huy động và dùng các nguồn lực hiệu quả. Trong đó, tiếp tục rà soát, hoàn thiện pháp luật, thể chế, chính sách, cơ chế đi liền với việc nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong việc tổ chức triển khai pháp luật; thúc đẩy cắt giảm, đơn giản hóa các quy định kinh doanh, thủ tục hành chính đi liền với thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ./.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 27/07/2024