ISSN-2815-5823
VIỆT ANH
Thứ tư, 15h00 25/10/2023

Doanh nghiệp đẩy mạnh năng lực cạnh tranh trong nền kinh tế số

(KDPT) - Sáng 25/10, VCCI đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Diễn đàn “Nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nền kinh tế số”.

Ngày 25/10 tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức diễn đàn "Nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nền kinh tế số". Sự kiện thu hút đông đảo đại diện các bộ, ngành và địa phương, các chuyên gia nghiên cứu, các hiệp hội ngành hàng và cộng đồng doanh nghiệp.

Quang cảnh diễn đàn

Doanh nghiệp chủ động, linh hoạt với những biến động khó lường của kinh tế

Phát biểu khai mạc sự kiện, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Thường trực VCCI cho hay, cả nước đang bước vào quý IV/2023 - quý cuối cùng của năm với nhiều tín hiệu tích cực cho sự phục hồi và phát triển của nền kinh tế. Theo Tổng cục Thống kê, đến hết quý III năm nay, cả nước đã có hơn 165 nghìn doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 1,2% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước cũng đang tăng trưởng rất ấn tượng, đạt hơn 497 tỷ USD với cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 21,68 tỷ USD… Những con số thống kê trên cho thấy, nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ứng biến nhanh chóng, có chiến lược quản lý và điều hành linh hoạt trong giai đoạn nhiều thách thức, biến động khó lường.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Thường trực VCCI chia sẻ tại diễn đàn

Một trong những giải pháp ứng phó linh hoạt và hiệu quả nhất trong giai đoạn khó khăn kéo dài gần 3 năm qua chính là các doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị đã chủ động ứng dụng tiến bộ của khoa học công nghệ tiên tiến, đổi mới sáng tạo để số hoá quy trình sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất và hiệu quả hoạt động. Chuyển đổi số đang diễn ra rất nhanh trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề của nền kinh tế như thương mại, ngân hàng tài chính, du lịch, y tế giáo dục đến giải trí… góp phần thúc đẩy kinh tế số phát triển mạnh mẽ.

Ông Hoàng Quang Phòng cũng cho hay: Theo Báo cáo nền kinh tế số 2022 do Google và Temasek thực hiện, với tốc độ tăng trưởng đạt hai con số trong giai đoạn 2019 - 2022, kinh tế số tại Việt Nam đã có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á, là một trong ba quốc gia phát triển kinh tế số hàng đầu khu vực. Dự báo trong những năm tới, kinh tế số tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tốt khi Việt Nam được đánh giá hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi.

Báo cáo từ Bộ Thông tin và Truyền thông ước tính tỷ lệ đóng góp của kinh tế số trong GDP tăng từ 11,9% (năm 2021) lên 14,3% (năm 2022) và 6 tháng của năm 2023 đạt gần 15%.

Ông Trịnh Minh Anh, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Liên ngành Hội nhập Quốc tế về Kinh tế, cho biết ngày càng có nhiều công ty khởi nghiệp được thành lập và đạt kết quả kinh doanh ấn tượng trên các lĩnh vực thương mại điện tử, thanh toán trung gian trên nền tảng công nghệ QR Code, ví điện tử, các giải pháp ngân hàng điện tử… Bên cạnh những cơ hội, doanh nghiệp Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn và thách thức, do thiếu nguồn lực (từ vốn, kinh nghiệm quản lý, công nghệ và nhân lực công nghệ thông tin có trình độ cao). Thêm vào đó, năng lực tổ chức, triển khai công nghệ số đang là những nút thắt cản trở doanh nghiệp chuyển đổi phương thức sản xuất mới.

Theo ông Trịnh Minh Anh, vấn đề cấp bách đặt ra là phải nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nên kinh tế số để bắt kịp với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và sự phát triển của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư cũng như tránh tụt hậu về công nghệ.

Theo Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ, doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng cho phát triển kinh tế số. Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số đã giúp doanh nghiệp tối ưu hoá quy trình, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; vượt qua những giới hạn cả về khoảng cách thời gian và khoảng cách địa lý để tìm kiếm, mở rộng thị trường; đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng.

Tuy nhiên, phát triển kinh tế số là chặng đường dài, hiệu quả của hội nhập kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào năng lực cạnh tranh của nền kinh tế cũng như của các doanh nghiệp. Trong khi đó, 97% doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ, trình độ công nghệ chưa cao, quy mô vốn và lao động nhỏ bé…

Ngoài những yếu tố nội tại, theo khảo sát của VCCI, doanh nghiệp còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ cơ chế, chính sách, thể chế chưa đồng bộ. Đó là khó khăn trong tiếp cận tín dụng, khó khăn từ thị trường, những phiền hà trong thủ tục hành chính chưa được giải quyết dứt điểm, môi trường pháp lý thiếu tính ổn định và khả năng tiên liệu tạo ra những rủi ro và bất ổn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Thực trạng này đang kéo giảm năng lực cạnh tranh, tạo áp lực và khó khăn cản trở doanh nghiệp vận dụng mô hình hoạt động mới từ kinh tế số mang lại.

Cần có sự nhìn nhận chính xác về chuyển đổi số

Tại diễn đàn, bà Bùi Thị Hải Yến - Ủy viên Ban chấp hành VCCI, Phó Chủ tịch HBA, Tổng Giám đốc Công ty CP Hanel cho biết, chúng ta cần hiểu rõ hơn về nền kinh tế số, là nền kinh tế hoạt động trên ứng dụng công nghệ số để tạo ra các cơ chế tự động, thông minh thay thế con người trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Bà Bùi Thị Hải Yến - Ủy viên Ban chấp hành VCCI, Phó Chủ tịch HBA, Tổng Giám đốc Công ty CP Hanel

Theo đó, muốn nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam trong nền kinh tế số, Phó Chủ tịch HBA cho rằng, trước tiên và quan trọng nhất là nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp về bản chất thực sự của chuyển đổi số. Chỉ khi hiểu đúng thì mới làm đúng.

Đặc biệt, giúp doanh nghiệp hiểu rõ chuyển đổi số là quá trình tự thân, doanh nghiệp phải tự làm. Các chuyên gia công nghệ số chỉ cung cấp phương pháp và công cụ thực hiện, còn lại là doanh nghiệp tự lựa chọn con đường chuyển đổi hướng tới thông minh hóa sản xuất kinh doanh và quản lý doanh nghiệp của mình. Đây là quá trình dài và không có điểm dừng, doanh nghiệp chuyển dần từ thấp lên cao tùy thuộc vào mức độ trưởng thành số của mình.

Bên cạnh đó là tham vấn cho các doanh nghiệp lựa chọn một số công cụ và dịch vụ số (như nền tảng số, thương mại số D2C, giải pháp kho thông minh, trợ lý số,…) có thể giúp họ làm quen với phương thức sản xuất kinh doanh mới và kiểm chứng được ngay hiệu quả thông qua việc so sánh với cách làm hiện thời.

Ngoài ra, cần sát cánh cùng doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số, khuyến khích và hỗ trợ xây dựng một số mô hình mẫu về doanh nghiệp chuyển đổi số, ưu tiên một số lĩnh vực mà nhà nước đã chọn trong chiến lược phát triển kinh tế số quốc gia, như nông nghiệp, công nghiệp chế biến, thương mại, du lịch và logistics.

Cuối cùng là luôn song hành cùng doanh nghiệp để từ thực tiễn triển khai xây dựng doanh nghiệp số, kinh tế số, khi gặp phải những vướng mắc về chính sách quy chế thì kịp thời kiến nghị với chính phủ để tháo gỡ, bà Yến kết luận.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 23/11/2024