Doanh nghiệp gặt "trái ngọt" từ mô hình kinh tế tuần hoàn
Hợp tác kinh tế theo hướng đổi mới sáng tạo: “Đừng nhìn vào máy móc, mấu chốt là con người” |
Bên cạnh mục tiêu mở rộng quy mô tăng trưởng, nền kinh tế Việt Nam đang có xu hướng quan tâm đến chất lượng phát triển, sự thịnh vượng xã hội và bảo tồn môi trường cho tương lai. Tuy nhiên, việc hình thành một hệ sinh thái bền vững là hành trình dài hàng thập kỷ hướng đến sự đồng thuận tư duy của doanh nghiệp và cộng đồng theo xu hướng kinh tế tuần hoàn. Tạp chí điện tử Kinh doanh và Phát triển đã có cuộc trao đổi với GS.TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) để hiểu thêm về vai trò, lợi ích, một số mô hình tiếp cận của doanh nghiệp khi thực hiện kinh tế tuần hoàn.
GS.TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) |
PV: Những năm gần đây, mô hình kinh tế tuần hoàn được nhắc tới nhiều như là một xu hướng phát triển của tương lai. Xin giáo sư minh định khái niệm “kinh tế tuần hoàn”?
GS.TSKH Nguyễn Mại: Mô hình kinh tế truyền thống đã và đang gây áp lực về suy giảm tài nguyên. So với 50 năm trước, tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên của thế giới đã tăng 190%. Nhu cầu về tài nguyên thiên nhiên cho hoạt động kinh tế hiện nay ước tính gấp 1,7 lần khả năng đáp ứng của Trái đất. Theo ước tính của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), đến năm 2020, nếu tiếp tục phát triển theo mô hình kinh tế truyền thống thì nhu cầu sử dụng tài nguyên của thế giới sẽ tăng gấp ba lần so với hiện nay, vượt quá khả năng cung ứng của Trái đất, lượng chất thải sẽ vượt giới hạn sức chịu tải của môi trường.
Trước những thách thức đó, khái niệm về một nền kinh tế mới - nền kinh tế tuần hoàn - đang nhận được sự quan tâm và ủng hộ của nhiều tổ chức và chính phủ trên toàn thế giới. Đây là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường. Sự tuần hoàn thể hiện trong tái sử dụng thông qua chia sẻ, sửa chữa, tân trang, tái chế, tái sản xuất... tạo lập các vòng lặp khép kín, nhằm giảm thiểu nguyên liệu đầu vào, lượng phế thải, khí thải.
Việc chuyển đổi từ kinh tế truyền thống sang kinh tế tuần hoàn chính là chìa khóa của phát triển bền vững, không chỉ đạt mục tiêu kinh tế xã hội, môi trường mà còn giúp hạn chế biến đổi khí hậu.
PV: Giáo sư đánh giá thế nào về sự bắt nhịp của Việt Nam đối với mô hình kinh tế tuần hoàn trong những năm qua?
GS.TSKH Nguyễn Mại: Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách về chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững, tăng cường tái chế, tái sử dụng chất thải. Một số cơ chế, chính sách thúc đẩy kinh tế tuần hoàn đã được thể chế hoá như phân loại chất thải tại nguồn, thu phí chất thải dựa trên khối lượng tái chế, tái sử dụng chất thải, trách nhiệm của nhà sản xuất, các công cụ, chính sách như thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường...
Cộng đồng dân cư đã ngày càng quan tâm hơn đến kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh và phát triển bền vững. Chẳng hạn người dân tại một số địa phương đã có những sáng kiến về xử lý rác thải. TP. Hà Nội có nhiều nhóm thiện nguyện thu gom quần áo, đồ dùng đã qua sử dụng để trưng bày tại các “Cửa hàng 0 đồng” để người dân cần dùng đến đó lựa chọn. Một số phường đã có trạm thu mua hoặc đổi đồ điện tử cũ như máy tính, điện thoại di động để xử lý, thu hồi một số loại vật tư tái sử dụng, giảm thiểu rác thải công nghiệp.
Quan trọng nhất là cộng đồng doanh nghiệp - hạt nhân của nền kinh tế, đã nhận thức được tầm quan trọng của kinh tế tuần hoàn, đồng thời áp dụng nhiều mô hình mang lại kết quả to lớn tại các ngành sản xuất, dịch vụ. Bên cạnh mục tiêu lợi nhuận, ngày càng nhiều đơn vị chú trọng đến chất lượng phát triển, sự thịnh vượng của cộng đồng và bảo tồn môi trường. Ở đó, một số doanh nghiệp đã mạnh dạn triển khai sợi dây liên kết, trở thành đối tác và người bạn đồng hành với người tiêu dùng thông qua những dự án bền vững của mình.
“Hướng tới Net Zero” là định hướng toàn diện cho cả quy trình sản xuất khép kín từ đồng cỏ xanh tới ly sữa sạch của TH True Milk (Ảnh: Tập đoàn TH) |
PV: Như giáo sư chỉ ra, đã có nhiều doanh nghiệp gặt “trái ngọt” khi áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn. Giáo sư có thể phân tích rõ hơn mô hình này ở một số trường hợp tiêu biểu?
GS.TSKH Nguyễn Mại: Ở lĩnh vực nông nghiệp, TH là tập đoàn kinh tế tiên phong áp dụng các quy trình sản xuất tuần hoàn từ rất sớm. Từ năm 2009, Tập đoàn này đã xây dựng một chuỗi sản xuất khép kín “từ đồng xanh đến ly sữa sạch”, bao gồm vùng nguyên liệu, nhà máy sản xuất thức ăn, trang trại bò sữa, nhà máy chế biến sữa và hệ thống phân phối TH true mart.
Trong chuỗi sản xuất tuần hoàn tại Tập đoàn TH, sản phẩm phụ và rác thải của quy trình này lại trở thành nguyên liệu đầu vào của một quy trình khác. Nhờ vậy, vòng đời của vật liệu được duy trì lâu nhất có thể trước khi thải ra môi trường, từ đó phát thải được giảm thiểu.
Ở lĩnh vực bất động sản công nghiệp, nhiều doanh nghiệp đã xây dựng được những khu công nghiệp sinh thái, có thể kể đến như Khu công nghiệp sinh thái Nam Cầu Kiền tại Hải Phòng. Khu công nghiệp này đã kết nối các doanh nghiệp trong ngành - liên ngành trở thành những “khách hàng và nhà cung cấp tiềm năng” của nhau, hình thành các chuỗi tuần hoàn kép và lợi ích kép. Cụ thể, mỗi doanh nghiệp là nhà sản xuất sản phẩm này nhưng những phế thải của họ lại trở thành nguyên liệu đầu vào cung cấp cho doanh nghiệp khác, cứ như vậy hình thành vòng tuần hoàn tại chỗ với lợi ích đa chiều. Tại đây đã hình thành chuỗi cộng sinh tuần hoàn của các ngành sản xuất lớn như thép, nhựa, công nghiệp phụ trợ, điện tử...
Cơ sở hạ tầng xanh của Khu công nghiệp sinh thái Nam Cầu Kiền |
Hay VinFast, nhà sản xuất ô tô điện đầu tiên tại Việt Nam đang lên kế hoạch cho việc tái chế pin xe điện ở cuối vòng đời, góp phần giảm thiểu tác động xấu đến môi trường. Cùng với đó là quá trình từng bước đưa ngành công nghiệp xe hơi Việt Nam tiến vào tương lai xanh, xứng tầm với các quốc gia phát triển trên thế giới.
PV: Những trường hợp trên đều là các tập đoàn kinh tế lớn, nguồn lực dồi dào. Điều này khiến chúng ta có thể suy ra rằng những doanh nghiệp nhỏ và vừa rất khó áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn?
GS.TSKH Nguyễn Mại: Đúng thế, nhận thức của doanh nghiệp về sự cần thiết chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn chưa đồng đều, một bộ phận không quan tâm đến việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
Bên cạnh đó, nguồn lực để thực hiện chuyển đổi sang phát triển kinh tế tuần hoàn của doanh nghiệp còn hạn chế, còn ít doanh nghiệp đủ năng lực công nghệ về tài chế, tái sử dụng các sản phẩm đã qua sử dụng; khó thay đổi thói quen sản xuất và tiêu dùng của toàn xã hội. Do đó, mặc dù coi trọng đổi mới, sáng tạo, nâng cao năng lực khoa học và công nghệ, nguồn lao động chất lượng cao nhưng đại bộ phận doanh nghiệp nhỏ và vừa phải ứng phó với khó khăn hàng ngày nên dù muốn cũng không có đủ điều kiện để chuyển sang kinh tế tuần hoàn.
Doanh nghiệp phải giải bài toán lợi ích ngắn hạn hay chấp nhận đi chậm hơn để tăng tốc trong tương lai, vì đầu tư đổi mới công nghệ và đào tạo nhân lực trình độ cao sẽ làm tăng giá thành sản phẩm, có thể ảnh hưởng đến sức tiêu thụ và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ trong ngắn hạn. Tuy nhiên, nếu tiếp tục đi theo lối mòn của mô hình sản xuất hiện tại thì sẽ phải đối mặt với rủi ro trong tương lai, khi nguồn nguyên liệu thô, nguyên liệu hóa thạch ngày càng cạn kiệt. |
PV: Vậy cộng đồng doanh nghiệp cần làm gì để thúc đẩy chuyển đổi mô hình kinh tế tuần hoàn?
GS.TSKH Nguyễn Mại: Đối với doanh nghiệp, cần nâng cao hơn nữa nhận thức của các nhà sản xuất và công chúng về trách nhiệm của họ đối với các sản phẩm trong suốt vòng đời của chúng. Tập trung ưu tiên nguồn lực tài chính để chuyển đổi phương thức sản xuất, đồng thời phát triển kinh tế tuần hoàn phải gắn liền với nghiên cứu và phát triển, tiếp cận công nghệ tiên tiến.
Trong bối cảnh cuộc Cách mạng 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, tác động đến mọi lĩnh vực đời sống xã hội, việc nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ, chuyển từ thế giới thực sang thế giới số sẽ là cơ hội lớn để thực hiện phát triển kinh tế tuần hoàn, nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội, tăng trưởng xanh và bền vững hơn.
Doanh nghiệp phải giải bài toán lợi ích ngắn hạn hay chấp nhận đi chậm hơn để tăng tốc trong tương lai, vì đầu tư đổi mới công nghệ và đào tạo nhân lực trình độ cao sẽ làm tăng giá thành sản phẩm, có thể ảnh hưởng đến sức tiêu thụ và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ trong ngắn hạn. Tuy nhiên, nếu tiếp tục đi theo lối mòn của mô hình sản xuất hiện tại thì sẽ phải đối mặt với rủi ro trong tương lai, khi nguồn nguyên liệu thô, nguyên liệu hóa thạch ngày càng cạn kiệt.
Việc chuyển đổi từ mô hình kinh tế truyền thống sang kinh tế tuần hoàn không chỉ mang lại lợi ích thiết thực, rõ ràng cho doanh nghiệp mà còn cho cả cộng đồng và các đối tác kinh doanh. Đặc biệt, việc giảm phát thải khí CO2 trong sản xuất sẽ góp phần hiện thực cam kết của Việt Nam giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050.
PV: Trân trọng cảm ơn giáo sư về cuộc trao đổi này!
HẢI THU