ISSN-2815-5823
Thứ sáu, 04h24 27/07/2018

Doanh nghiệp “không muốn lớn” vì còn quá nhiều rào cản

(KDPT) – Theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), số lượng doanh nghiệp ở khu vực kinh tế tư nhân đang chiếm ưu thế so với các khu vực khác. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của khu vực này hiện chưa được cải thiện đáng kể.

Tín hiệu lạc quan chưa lan rộng ra khắp nền kinh tế, khi mà sự năng động không đến đồng đều từ tất cả các thành phần kinh doanh. Trong đó, khu vực kinh tế tư nhân dường như có phần bối rối và “chậm chân” hơn.

Vẫn còn nhiều rào cản từ chính sách khiến doanh nghiệp tư nhân gặp nhiều khó khăn. Ảnh minh họa, nguồn internet.

Trái ngược với GDP tăng trưởng “thần tốc” đạt 7,38% trong quý 1/2018, mức cao nhất trong 10 năm trở lại đây, thì số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong quý I/2018 lại lên đến 20.337 doanh nghiệp, giảm 1,4% so với cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong quý I/2018 là 3.321 doanh nghiệp, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong số đó doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng chiếm trên 90%.

Nguyên nhân của tình trạng này là bởi quy mô nhỏ, tính chất phi chính thức lớn, quản trị yếu kém, công nghệ thấp, khó tiếp cận nguồn vốn, tiếp cận thị trường, sức cạnh tranh không cao… đang là thực trạng phổ biến của các doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam.

Thêm vào đó, các thủ tục hành chính nhiều nơi còn rườm rà, phức tạp, tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà, thiếu trách nhiệm, lạm dụng chức quyền, gây khó khăn cho doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp tư nhân nói riêng vẫn còn khá phổ biến…

Theo nghiên cứu của chuyên gia kinh tế Bùi Trinh, cấu trúc nền kinh tế Việt Nam đang rất manh mún và hầu như không có sự thay nào đáng kể. Các DNNVV vẫn không thể phát triển, không hề thay đổi về giá trị gia tăng và tăng trưởng trong suốt từ 10 năm (2005 – 2015).

Điều này lý giải khi số lượng DN trong nước tăng lên hay mất đi chỉ là về số lượng còn giá trị dường như không thay đổi và tăng trưởng GDP chỉ là tăng trưởng về bề nổi.

Nói về khối kinh tế tư nhân, PGS.TS Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, số lượng doanh nghiệp của Việt Nam không phải là nhỏ, nhưng để biến số lượng thành lực lượng với sức mạnh lớn hay không là cả một câu chuyện phải bàn.

Doanh nghiệp của chúng ta dàn hàng ngang bao nhiêu năm không chịu lớn, hô hào tiến lên cũng không tiến được bao nhiêu. Ông Thiên đánh giá có thực trạng này là vì vẫn còn quá nhiều rào cản.

Rào cản lớn nhất mà ông Thiên đặc biệt quan tâm là liên quan đến nguồn thu của nhà nước. Cụ thể, thu của nhà nước càng nhiều thì chi phí doanh nghiệp càng tăng cao.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, bản thân doanh nghiệp phải tự lớn lên, các tổ chức tín dụng tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, sản phẩm dịch vụ phù hợp hơn để tư vấn cho doanh nghiệp tốt hơn nữa để tiếp cận được tín dụng.

“Không ai phủ nhận được vai trò của kinh tế tư nhân nhưng rõ ràng còn nhiều việc phải làm, bên cạnh đó cần có sự phối hợp giữa cả 3 bên Chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng cần tập trung cải thiện 3 yếu tố giúp phát triển khu vực kinh tế tư nhân: tính bài bản, tính chuyên nghiệp và sự minh bạch”, ông Lực nhấn mạnh.

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng nhìn nhận, những rào cản, khó khăn của doanh nghiệp cần được giải quyết để thời gian tới đất nước có thêm nhiều doanh nghiệp cỡ vừa và lớn, cũng như trở thành lực lượng đầu tàu của nền kinh tế. Do đó, yêu cầu đặt ra là phải tiếp tục đơn giản hóa tối đa các điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính cho việc thành lập và vận hành doanh nghiệp.

Hằng Nguyễn

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 10/05/2024