ISSN-2815-5823
Việt Anh
Thứ ba, 07h22 29/10/2024

Doanh nghiệp trong thị trường tín chỉ carbon: Cần có thời gian, lộ trình cụ thể

(KDPT) - Thị trường tín chỉ carbon ở Việt Nam ở thế "trong nguy có cơ". "Nguy" là bởi chúng ta đi sau các nước, nhưng đồng thời cũng chính là cơ hội cho doanh nghiệp.

Doanh nghiệp cần sớm chiếm lĩnh thị trường tín chỉ carbon

Tại phiên thảo luận trong Hội thảo “Thị trường tín chỉ carbon: Những biện pháp căn cơ cho phát triển bền vững” tổ chức mới đây, nhiều chuyên gia, nhà quản lý và các doanh nghiệp đã bàn kỹ về vấn đề làm sao để thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam sớm đi vào hoạt động cũng như phát triển bền vững.

Theo T.S Phạm Hồng Điệp - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Shinec (chủ đầu tư KCN sinh thái Nam Cầu Kiền), thị trường tín chỉ carbon rất quan trọng và rộng lớn. Theo ông, đây là nguồn vốn quan trọng, đóng góp tính minh bạch, cam kết hành động vì khí hậu và chiến lược phát triển bền vững của mỗi quốc gia, tổ chức, doanh nghiệp, cách tham gia chiến lược vào thị trường carbon trong bối cảnh thực hiện NDC của Việt Nam.

"Cơ quan quản lý cần sớm xây dựng hành lang pháp lý, xây dựng các tiêu chuẩn phù hợp với quốc tế để doanh nghiệp trong nước sớm chiếm lĩnh thị trường này" - T.S Phạm Hồng Điệp nhấn mạnh.

Chia sẻ thêm về lộ trình đẩy nhanh tiến độ triển khai giảm phát thải khí nhà kính, ông Phạm Hồng Điệp cho biết cần hướng dẫn, thúc đẩy việc kiểm kê doanh nghiệp. Lộ trình chia theo 02 giai đoạn, từ nay đến 2025 và từ năm 2026 đến hết năm 2030. Danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê KNK cập nhật 2 năm/lần.

Vị doanh nhân này cũng cho hay: "Tham gia vào thị trường carbon là bước đi chiến lược giúp doanh nghiệp không chỉ giảm thiểu rủi ro môi trường mà còn tăng cường khả năng thích ứng với các quy định ngày càng nghiêm ngặt của thị trường toàn cầu”. 

T.S Phạm Hồng Điệp - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Shinec (chủ đầu tư KCN sinh thái Nam Cầu Kiền). (Ảnh: Việt Anh)
T.S Phạm Hồng Điệp - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Shinec (chủ đầu tư KCN sinh thái Nam Cầu Kiền). (Ảnh: Việt Anh)

Theo ông Phạm Hồng Điệp có sáu lĩnh vực phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính bảo gồm: Năng lượng; Giao thông vận tải; Xây dựng; Các quá trình công nghiệp; Nông nghiệp; Lâm nghiệp và sử dụng đất; Chất thải.

Lấy dẫn chứng từ KCN Nam Cầu Kiền (huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng), với đặc thù tập hợp đa dạng ngành nghề, phát thải liên tục trong suốt quá trình hoạt động của mình nhiều năm. Đặc điểm quy mô lớn nhỏ, mức phát thải khác nhau doanh nghiệp, để quản lý hiệu quả KCN nhiều yếu tố cần quản trị bằng ESG. Sử dụng nguyên vật liệu giảm phát thải, tiết kiệm điện, tối ưu giảm và tuần hoàn nước. Trong đó, có cơ sở hạ tầng sử dụng nguyên vật liệu giảm phát thải, tiết kiệm điện, tối ưu giảm và tuần hoàn nước, hạ tầng sinh thái.

1 góc của Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền (Hải Phòng)
1 góc của Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền (Hải Phòng)

Công trình xanh với các nhà xưởng công trình, chứng nhận tiêu chuẩn, tiêu chí các thị trường và các Giải pháp tài nguyên xanh, bao gồm năng lượng xanh, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, phục hồi đa dạng sinh học quy mô cộng đồng. Đặc biệt, ưu tiên giảm phát thải trước khi phát triển tín chỉ carbon.

Kinh doanh tín chỉ carbon như “bán đàn vịt giời”

Ví von kinh doanh tín chỉ carbon như “bán đàn vịt giời”, ông Điệp cho rằng cái khó là làm sao để “đàn vịt giời” đó ở lại với chúng ta và bán được lãi, khung pháp lý chính là giải pháp mấu chốt.

Từ kinh nghiệm thực tế, ông Điệp chỉ ra các khoảng trống trong thị trường carbon ở Việt Nam, gồm: Quy trình thẩm định tính hợp lệ của tín chỉ, căn cứ xác định loại tín chỉ, cân đối cung cầu hàng hóa tín chỉ, sự sẵn sàng của cơ chế, doanh nghiệp.

TS. Phạm Hồng Điệp: Kinh doanh tín chỉ carbon như “bán đàn vịt giời”
TS. Phạm Hồng Điệp: Kinh doanh tín chỉ carbon như “bán đàn vịt giời”

Doanh nghiệp cũng còn nhiều khó khăn khi tiếp cận tài chính xanh, báo cáo tóm tắt hoạt động liên quan đến các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị (ESG), nhiễu loạn thông tin về thị trường, tín chỉ carbon. Do đó, Chủ tịch HĐQT Shinec kiến nghị sớm hoàn thiện khung pháp lý chính sách để doanh nghiệp áp dụng lấp đầy các khoảng trống này.

“Doanh nghiệp mong muốn cơ quan quản lý nhà nước đưa ra các văn bản quy định mà doanh nghiệp có thể áp dụng, thực tế nhiều văn bản ban hành nhưng doanh nghiệp rất khó áp dụng bởi chồng chéo, vướng mắc với các quy định khác. Hy vọng cơ quan quản lý nhà nước sớm hoàn thiện khung pháp lý để giúp doanh nghiệp chiếm lĩnh thị trường carbon”, Luật sư Phạm Hồng Điệp bộc bạch.

Theo ông Điệp, carbon là thị trường lớn, doanh nghiệp nhìn thấy đây là cơ hội vàng, ai đi sớm làm sớm sẽ có lợi, ai đi muộn sẽ phải trả giá nhiều hơn. Hiện Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền coi mô hình sinh thái đang theo đuổi là bài tập rèn luyện để đến năm 2028-2029 khi khung pháp lý hoàn thiện doanh nghiệp có thể kịp thời nắm bắt cơ hội.

Thiết lập sàn giao dịch tín chỉ carbon cũng giống như xây dựng sàn chứng khoán

Theo PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, việc thiết lập sàn giao dịch tín chỉ carbon cũng giống như xây dựng sàn chứng khoán. Chúng ta cần có thời gian, lộ trình cụ thể.

PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Vện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường). (Ảnh: Việt Anh)
PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Vện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường). (Ảnh: Việt Anh)

Theo ông Thọ, cần xây dựng tiêu chuẩn, kết nối với thị trường tín chỉ carbon toàn cầu. Theo Nghị định 06/2022/NĐ-CP ngày 7/1/2022 về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon, Việt Nam đã quy định lộ trình phát triển thị trường carbon trong nước gồm 2 giai đoạn.

Giai đoạn từ năm 2022 đến hết năm 2027, tập trung xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon; xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon; triển khai thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong các lĩnh vực tiềm năng; đồng thời thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon từ năm 2025.

Đề cập về hiện trạng xanh hóa tại Việt Nam, ông Thọ cho biết hiện Việt Nam đang xếp 53/76 theo Chỉ số Tương lai Xanh 2023 The Green Future Index 2023. Cam kết của Việt Nam về tăng trưởng xanh giúp nâng cao vị thế quốc tế, thu hút đầu tư và quan hệ đối tác nước ngoài. Giai đoạn 2017-2021, khoảng 9 tỷ USD vốn FDI được huy động vào các lĩnh vực xanh tại Việt Nam, tập trung vào năng lượng tái tạo và sản xuất thiết bị, máy móc cho các dự án thuộc lĩnh vực tăng trưởng xanh.

Trong bối cảnh này, PGS. TS Nguyễn Đình Thọ cho biết Việt Nam đang gặp thách thức lớn vừa phải “nâu hơn” vừa phải “xanh hơn”, tức vừa phải phát triển công nghiệp, hiện đại hóa nhưng vừa phải giảm phát thải, xanh hóa nền kinh tế.

Trong xu thế chung của thế giới là xanh và bao trùm, phát triển thị trường tín chỉ carbon là một trong những giải pháp. Việt Nam hiện có nhiều cơ hội đan xen thách thức khi phát triển thị trường carbon.

Thông tin về hiện trạng kinh tế xanh ở Việt Nam, ông Thọ cho biết cam kết của quốc gia về tăng trưởng xanh đã giúp nâng cao vị thế quốc tế, thu hút đầu tư và quan hệ đối tác nước ngoài.

PGS. TS Nguyễn Đình Thọ cho rằng thị trường tín chỉ carbon là một dạng thị trường đặc biệt mua bán quyền phát thải và năng lực hấp thụ khí nhà kính, do đó, cần có một hành lang pháp lý đồng bộ, đầy đủ xác định rõ quyền và nghĩa vụ các bên tham gia, nguyên tắc xác định sản phẩm, xác định quyền sở hữu, quyền định đoạt, xác định giá cả giao dịch và các chuẩn mực phải tuân thủ.

"Việt Nam đã thực hiện tốt các khía cạnh bảo vệ vốn tự nhiên và hòa nhập xã hội những phải đối mặt với những thách thức về khía cạnh hiệu quả tài nguyên và các cơ hội kinh tế xanh", PGS.TS Nguyễn Đình Thọ nhấn mạnh./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 22/11/2024