ISSN-2815-5823

Đồng hành cùng doanh nghiệp trong gia nhập và vận hành thị trường tín chỉ carbon

(KDPT) - Với mục đích cung cấp nhận thức của các doanh nghiệp khi tham gia thị trường tín chỉ carbon trong quá trình gia nhập và vận hành, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp, chỉ đạo Viện Đào tạo, Tư vấn và Phát triển kinh tế (IDE) tổ chức Hội thảo “Thị trường tín chỉ carbon: Những biện pháp căn cơ cho phát triển bền vững”.

Thí nghiệm từ thị trường carbon trong nước

Theo dự thảo Đề án Thành lập và phát triển thị trường carbon tại Việt Nam (Đề án), trong giai đoạn năm 2025-2028, thị trường carbon được triển khai thí điểm trên toàn quốc. Từ năm 2029, thị trường carbon được vận hành chính thức trên toàn quốc; bổ sung các loại tín chỉ carbon được xác nhận để giao dịch trên thị trường; mở rộng chủ thể được tham gia giao dịch tín chỉ carbon trên sàn…

Việc phát triển thị trường carbon tuân thủ tại Việt Nam góp phần thực hiện mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính theo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) với chi phí của doanh nghiệp và xã hội thấp, tạo dòng tài chính mới cho hoạt động cắt giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy chuyển đổi xanh, phát triển công nghệ phát thải thấp.

Đồng hành cùng doanh nghiệp trong gia nhập và vận hành thị trường tín chỉ carbon - ảnh 1

Điều này góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam ở trong nước và trên thị trường thế giới, phát triển nền kinh tế carbon thấp và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.

Dự thảo Đề án đặt ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp về hàng hóa trên thị trường carbon; chủ thể tham gia thị trường carbon; sàn giao dịch carbon; tổ chức vận hành thị trường carbon; nâng cao nhận thức, tăng cường năng lực.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh, thị trường carbon hết sức tiềm năng trong thu vốn đầu tư và phát triển công nghệ. Tuy nhiên, các quốc gia vẫn chưa thống nhất về cơ chế, chính sách, quy chuẩn kỹ thuật, xác định và phân bổ hạn ngạch carbon trên phạm vi toàn cầu một cách công bằng, rõ ràng, minh bạch. Vì vậy, Đề án xác định lộ trình thực hiện thí điểm thị trường carbon tại Việt Nam trên tinh thần “vừa làm, vừa hoàn thiện” để đón đầu, bắt kịp xu hướng thế giới.

Thực tế, tại Việt Nam, việc hình thành và vận hành thị trường tín chỉ carbon hiện đang đối diện với nhiều khó khăn và thách thức. Trước tiên là sự nhận thức về thị trường này của doanh nghiệp, tổ chức và xã hội vẫn còn hạn chế. Ngoài ra, việc tham gia thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam còn những vấn đề như: Quy định của pháp luật Việt Nam về tín chỉ carbon (cơ sở pháp lý để được công nhận tín chỉ carbon hiện nay tại Việt Nam…); Những mặt tích cực, những thiếu sót, bất cập, vướng mắc liên quan tới tín chỉ carbon hiện nay tại Việt Nam; Doanh nghiệp (cả doanh nghiệp phát thải lẫn doanh nghiệp cung cấp, kinh doanh tín chỉ carbon), người dân sẽ được lợi gì khi tham gia thị trường tín chỉ carbon…

Trước thực tế đó, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp, chỉ đạo Viện Đào tạo, Tư vấn và Phát triển kinh tế (IDE) tổ chức Hội thảo “Thị trường tín chỉ carbon: Những biện pháp căn cơ cho phát triển bền vững”.

Những tham luận chất lượng

Hội thảo có sự tham dự của đại diện các bộ, ngành như: Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; các chuyên gia kinh tế, tài chính và các doanh nghiệp quan tâm tới lĩnh vực tín chỉ carbon.

Chương trình dự kiến gồm các phát biểu và tham luận của các đại biểu, tác giả, với sự nghiên cứu tỉ mỉ, công phu về thị trường tín chỉ carbon.

TS.LS Phạm Hồng Điệp với tham luận: “Phát triển thị trường tín chỉ carbon: Hành trình Net Zero”, mang đến nội dung chính về: Khung phát triển Tín chỉ carbon tại Việt Nam; Các chuyển đổi để bắt đầu hành trình Net Zero; KCN tiên phong - KCN Nam Cầu Kiền đang làm gì cho mục tiêu này?

Theo TS.LS Phạm Hồng Điệp, thị trường tín chỉ carbon quan trọng, vì đây là nguồn vốn quan trọng, đóng góp tính minh bạch, cam kết hành động vì khí hậu và chiến lược phát triển bền vững của mỗi quốc gia, tổ chức, doanh nghiệp, cách tham gia chiến lược vào thị trường carbon trong bối cảnh thực hiện NDC của Việt Nam.

Tại KCN Nam Cầu Kiền (huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng), với đặc thù tập hợp đa dạng ngành nghề, phát thải liên tục trong suốt quá trình hoạt động của mình nhiều năm. Đặc điểm quy mô lớn nhỏ, mức phát thải khác nhau DN, để quản lý hiệu quả KCN nhiều yếu tố cần quản trị bằng ESG. Sử dụng nguyên vật liệu giảm phát thải, tiết kiệm điện, tối ưu giảm và tuần hoàn nước. Trong đó, có cơ sở hạ tầng sử dụng nguyên vật liệu giảm phát thải, tiết kiệm điện, tối ưu giảm và tuần hoàn nước, hạ tầng sinh thái.

Công trình xanh với các nhà xưởng công trình, chứng nhận tiêu chuẩn, tiêu chí các thị trường và các Giải pháp tài nguyên xanh, bao gồm năng lượng xanh, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, phục hồi đa dạng sinh học quy mô cộng đồng. Đặc biệt, ưu tiên giảm phát thải trước khi phát triển tín chỉ carbon.

Hội thảo cũng có phần tham luận của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), thuộc nhóm Ngân hàng Thế giới, về “Giảm phát thải carbon cho công trình xây dựng và chứng chỉ Zero Carbon cho Công trình”. IFC có các bộ Công cụ Môi trường Xây dựng chuyên nghiệp như: BRI (cung cấp cho ngành xây dựng bản đồ rủi ro khí hậu trực tuyến và khung đánh giá khả năng chống chịu và phục hồi của công trình); EDGE (là một chứng nhận công trình xanh, giúp đưa ra các giải pháp định lượng để tối ưu thiết kế và xây dựng công trình); Apex (Công cụ phân tích dựa trên bằng chứng giúp thiết kế lộ trình và dự báo các chi phí tương lai cho các hành động khí hậu của các thành phố).

Đầu tư vào các công trình xanh đã chiếm 15% tổng khối lượng khoản đầu tư về khí hậu của IFC trong 10 năm qua. Theo IFC, ngành Xây dựng vẫn chưa có lộ trình phù hợp để đạt được mục tiêu khử cacbon vào năm 2050. Còn nhiều cơ hội lớn trong xây dựng mới và cải tạo công trình để cải thiện hiệu quả sử dụng tài nguyên và năng lượng và tăng khả năng chống chịu với tác động của rủi ro khí hậu cho công trình. Do đó, cần có giải pháp và lộ trình cụ thể.

Ngoài ra, tại hội thảo, sẽ có sự tham gia của các diễn gia với nhiều tham luận chất lượng, tâm huyết và cung cấp nhiều thông tin hữu ích khác.

Hội thảo “Thị trường tín chỉ carbon: Những biện pháp căn cơ cho phát triển bền vững” sẽ diễn ra từ 08 giờ sáng ngày 26 tháng 10 năm 2024, tại Hội trường Diên Hồng, tầng 18 tòa nhà Eurowindow, Số 02 Tôn Thất Tùng, Kim Liên, Đống Đa, Hà Nội./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 22/11/2024