ISSN-2815-5823

Doanh nghiệp Việt thúc đẩy sản xuất xanh để tăng xuất khẩu sang Hoa Kỳ

(KDPT) - Cơ hội để vào thị trường Hoa Kỳ là rất lớn tuy nhiên thị trường này đang đòi hỏi những sản phẩm xanh, bền vững, bắt buộc doanh nghiệp Việt phải nhanh chóng thích ứng, hoán đổi.
Phấn đấu năm 2030 kim ngạch xuất khẩu dệt may - da giày đạt 106 - 108 tỷ USD Dệt may Việt Nam chuyển đổi xanh theo tiêu chí LEED để thu hút đơn hàng xuất khẩu

Việt Nam và Hoa kỳ đã nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng xuất - nhập khẩu hàng hóa vào thị trường này. Đi kèm với cơ hội này là thách thức bởi thị trường này đang đòi hỏi những sản phẩm xanh, bền vững.

Theo đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cơ hội vào thị trường Hoa Kỳ cho các doanh nghiệp dệt may là rất lớn. Tuy nhiên, để vào được thị trường này, các doanh nghiệp phải đáp ứng rất nhiều yêu cầu, trong đó phải đáp ứng được xanh hóa, tiết kiệm năng lượng.

Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho hay: "Họ đòi hỏi chúng ta phải phát triển bền vững và xanh hóa, hầu hết các doanh nghiệp làm hàng đi thị trường Mỹ bây giờ đã phải đầu tư các chuẩn mực của hệ thống đánh giá của khách hàng. Có như vậy chúng ta mới có đơn hàng ổn định".

Ông Greg Testerman - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham Việt Nam) cho biết: "Việt Nam là một nền kinh tế xuất khẩu và Hoa Kỳ là đối tác xuất khẩu quan trọng nhất của Việt Nam. Chúng tôi mua rất nhiều hàng xuất khẩu từ Việt Nam, đặc biệt là trong ngành công nghiệp may mặc. Nhưng chúng tôi đặc biệt rất quan tâm đến sản phẩm xanh, sạch".

Tại Diễn đàn thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ năm 2023, các chuyên gia nhận định, thị trường Hoa Kỳ với trên 330 triệu dân, nhu cầu tiêu dùng rất lớn. Song, đã xuất hiện nhiều xu hướng mới, đòi hỏi mới, nhất là các yêu cầu liên quan tới bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, tiêu chuẩn "sản xuất xanh", chuỗi cung ứng "sạch và bền vững". Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam phải nhanh chóng thích ứng được với những thay đổi đó.

Doanh nghiệp dệt may chuyển đổi xanh để tăng đơn hàng xuất khẩu. (Ảnh: Báo điện tử Đảng Cộng Sản)
Doanh nghiệp dệt may chuyển đổi xanh để tăng đơn hàng xuất khẩu. (Ảnh: Báo điện tử Đảng Cộng Sản)

Theo ông Nguyễn Hồng Dương, Phó Vụ trưởng vụ Thị trường Châu Âu - Châu Mỹ, Bộ Công Thương: "Tất nhiên là Việt Nam phải có lộ trình là từ năm 2050 phải hoán đổi dần dần bỏ bớt than đá, bỏ bớt dầu khí đi. Chính vì vậy, cơ quan quản lý Nhà nước phải có những chương trình, phải có những định hướng để hỗ trợ doanh nghiệp nhưng mà cũng là hòa nhập với quy định chung của thế giới".

Với tốc độ tăng trưởng thương mại trung bình trên 20%/năm, Hoa Kỳ vẫn tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam trong những năm tới.

Bộ Công Thương cùng các doanh nghiệp dệt may đang chuyển hướng nhận những đơn hàng yêu cầu tiêu chí xanh, chuyển đổi nhà máy theo tiêu chuẩn LEED để có đơn hàng.

Trong Thông báo số 332 về nhiệm vụ, giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng từ nay đến cuối năm, Thường trực Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công thương tập trung chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, thương mại từ nay đến cuối năm. Ngay trong ngành dệt may, nhiều giải pháp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu từ nay đến cuối năm đã, đang thực hiện.

Trong bối cảnh đơn hàng dệt may nói chung có xu hướng giảm, doanh nghiệp cho biết số lượng đơn hàng yêu cầu tiêu chuẩn xanh vẫn giữ ổn định, tăng 15-20% qua từng năm. Đối tác không chỉ yêu cầu sản phẩm xanh, mà còn yêu cầu các nhà máy sản xuất cũng cần đáp ứng các chứng chỉ xanh nhất định./.

BẢO TRUNG

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 09/05/2024