ISSN-2815-5823
Thứ sáu, 02h18 27/07/2018

Doanh nhân cựu chiến binh: Cần cơ chế để phát huy năng lực

(KDPT) – Những doanh nhân là cựu chiến binh Việt Nam đã và đang góp phần chứng minh một chân lý: Bộ đội Cụ Hồ không chỉ chiến đấu giỏi mà còn làm kinh tế giỏi. Nhưng để những doanh nhân là cựu chiến binh vững vàng cùng doanh nhân cả nước tiến vào hội nhập kinh tế quốc tế còn rất cần những cơ chế đặc thù về chính sách.

Cựu chiến binh Hồ Thanh Phức thu hoạch tiêu. (Ảnh nguồn internet)

Tiếp tục làm người lính thời bình
Thiếu tướng Lê Mã Lương, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam (VAIDE) cho biết trong thời kỳ đổi mới, các doanh nghiệp thương binh đã thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ “Thương binh tàn nhưng không phế”, vượt qua khó khăn thách thức, kiên cường phấn đấu, tận dụng tối đa sở trường để mở rộng sản xuất, tìm thị trường tiêu thụ trong nước, phát triển ngành nghề mới, duy trì việc làm và đời sống cho người lao động.
Trong tình hình kinh tế khó khăn, hàng trăm doanh nghiệp thương binh vẫn đứng vững và duy trì việc làm cho hàng trăm ngàn người lao động và thương binh, bệnh binh, người nhiễm chất độc da cam, con em các đối tượng chính sách. Thu nhập cao nhất của người lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong Hiệp hội từ 4 – 6 triệu/tháng”.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thương binh còn làm tốt công tác xã hội, chia sẻ cuộc sống với những hoàn cảnh khó khăn như tặng nhà tình nghĩa, xây dựng quỹ đền ơn đáp nghĩa…

Cần thêm cơ chế đặc thù
Bên cạnh những doanh nghiệp phát triển thì cũng có không ít doanh nghiệp khác còn gặp rất nhiều khó khăn do vướng mắc nhiều về chính sách, cơ chế.
Hiện các ưu đãi dành cho Thương binh hiện nay được quy định cụ thể tại: Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng năm 2005 (sửa đổi bổ sung năm 2007 và năm 2011); Nghị định 31/2013/NĐ-CP hướng dẫn Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng.
Bên cạnh đó, hiện nay, Nhà nước có một số chính sách ưu đãi nổi bật dành cho Thương binh như sau: 1. Được miễn học phí cho con của thương binh. Căn cứ Thông tư liên tịch 20/2014/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH; 2. Được miễn, giảm tiền sử dụng đất cho người có công

Cần thêm cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể cho doanh nghiệp thương binh.
(Ảnh minh họa, nguồn internet)

Miễn tiền sử dụng đất trong hạn mức giao đất ở trong trường hợp được Nhà nước giao đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất cho người có công với Cách mạng được thực hiện theo quy định của pháp luật về người có công. Việc miễn tiền sử dụng đất đối với người có công với Cách mạng chỉ được thực hiện khi có quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về việc cho phép miễn tiền sử dụng đất theo pháp luật về người có công. Căn cứ Thông tư 76/2014/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 45/2014/NĐ-CP về thu tiền sử dụng đất do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành; 3. Doanh nghiệp được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp nếu sử dụng lao động là thương binh, bệnh binh.
Doanh nghiệp có sử dụng lao động là người khuyết tật (bao gồm cả thương binh, bệnh binh) phải có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền về số lao động là người khuyết tật được miễn thuế TNDN. (Căn cứ Thông tư 78/2014/TT-BTC)
Tuy nhiên, hiện lại chưa có quy định về miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, lệ phí môn bài cho doanh nghiệp do thương binh thành lập mà chỉ có cơ chế miễn thuế TNDN đối với doanh nghiệp có sử dụng lao động là người khuyết tật (bao gồm cả thương binh, bệnh binh).
Về vấn đề doanh nghiệp sử dụng lao động là người khuyết tật, lượng thương binh, người khuyết tật được đào tạo chuyên môn rất ít nhưng lại chiếm số lượng lớn trong doanh nghiệp nên khó phân công công việc, chỉ làm được một số việc nhất định nên tính cạnh tranh không cao.
Bên cạnh đó, theo chính sách hỗ trợ về vay vốn của Nhà nước thì số doanh nghiệp được vay vốn lãi suất ưu đãi hầu như chưa có.
Hơn nữa, chính quyền các cấp thường có câu trả lời khi doanh nghiệp thắc mắc về trường hợp cụ thể của doanh nghiệp: Chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể; Cơ quan quản lý nhiều nơi vẫn chưa có cái nhìn cảm thông và chưa thấy được trách nhiệm phải hỗ trợ cho doanh nghiệp chính sách, có nơi né tránh không gặp gỡ…
Những bất cập trên khiến nhiều doanh nghiệp do thương binh, người có công làm chủ chỉ hoạt động duy trì tồn tại như một “cơ thể ốm nặng” chưa tìm được phương thuốc phù hợp để “cứu chữa”… Rất mong và rất cần những chỉ đạo kịp thời, sự vào cuộc sát sao của các Bộ, Ngành, Địa phương để doanh nghiệp của thương binh, người có công phát huy được năng lực của mình.

Minh Hải



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 22/12/2024