ISSN-2815-5823

Du lịch Bắc Giang: Cơ hội từ mùa quả chín

(KDPT) – Để khai thác thêm thế mạnh về các loại cây ăn trái, tỉnh Bắc Giang đang tìm hướng phát triển du lịch miệt vườn kết hợp với du lịch tâm linh, sinh thái; trong đó, lấy huyện Lục Ngạn “thủ phủ vải thiều” làm điểm nhấn.

“Thủ phủ vải thiều” Lục Ngạn gây ấn tượng với du khách

Nhiều lợi thế

Lục Ngạn là vùng cây ăn quả lớn nhất miền Bắc với hơn 27.000ha cây ăn quả, trong đó, 15.000ha là cây vải thiều. Vải thiều Lục Ngạn đang dần khẳng định thương hiệu không chỉ trong nước mà còn vươn ra nhiều thị trường trên thế giới; trở thành cây trồng chủ lực giúp người dân Lục Ngạn phát triển kinh tế hộ gia đình. Dự kiến, năm 2018, Lục Ngạn sẽ thu hoạch 100.000 tấn vải.

Ông Trần Văn Dũng – Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang – cho biết, nhằm khai thác được nhiều hơn thế mạnh từ cây vải, huyện Lục Ngạn nói riêng và tỉnh Bắc Giang nói chung đang tiến hành xây dựng các tour miệt vườn, du lịch trải nghiệm vào mùa quả chín. Để hiện thực hóa mục tiêu này, huyện Lục Ngạn đang bố trí các điểm đến đẹp, thuận lợi cho hành trình khám phá, tham quan của du khách tại các xã Quý Sơn, Hồng Giang, Thanh Hải. Đồng thời, địa phương đang nỗ lực “bắt tay” hợp tác, kết nối với doanh nghiệp lữ hành xây dựng tour, giới thiệu sâu rộng cho du khách đến vùng vải thiều.

Với lợi thế vượt trội, Bắc Giang có rất nhiều cơ hội để xây dựng sản phẩm du lịch miệt vườn hấp dẫn, riêng có. Nếu biết cách khai thác và mở thêm dịch vụ hỗ trợ, chắc chắn không chỉ khách du lịch nội địa, mà thị trường khách nước ngoài sẽ lựa chọn trải nghiệm sản phẩm của địa phương này.

Hoàn thiện cơ sở hạ tầng

Muốn sản phẩm du lịch miệt vườn hút khách, theo đánh giá của các doanh nghiệp, tỉnh Bắc Giang cần phải đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ; xây dựng hệ thống giao thông thuận lợi hơn, nhất là quy hoạch khu vực riêng dành cho du lịch; hỗ trợ, tập huấn làm du lịch cho các hộ dân. Bà Nguyễn Thị Thọ – Phó giám đốc Công ty du lịch Redtour – lấy ví dụ, Hà Giang là địa phương rất thành công khi phát triển từ một mùa hoa tam giác mạch thành quanh năm để thu hút khách du lịch. Do đó, với Bắc Giang, ngoài mùa vải, cần khai thác thêm các mùa quả khác như cam, nhãn, bưởi… để du lịch miệt vườn phát triển bền vững, ổn định hơn.

Theo ông Nguyễn Đạo Dũng – Phó Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) – các công ty du lịch có thể đưa khách về Lục Ngạn trong mùa vải chín, nhưng do chỉ diễn ra một tháng nên Bắc Giang phải có thêm phương án khác thay thế. “Muốn phát triển tour miệt vườn lâu dài, cần tính toán kỹ lưỡng; khắc phục điểm yếu giao thông vào cao điểm; xây dựng các điểm thu mua rộng hơn, tránh ảnh hưởng đến hành trình khám phá của du khách” – ông Dũng gợi ý.

Trước những ý kiến đóng góp tâm huyết và xác đáng của doanh nghiệp, ông Lê Ánh Dương – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang – phấn khởi cho biết, Bắc Giang nói chung và Lục Ngạn nói riêng đang hướng tới mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; trong đó, tập trung vào du lịch văn hóa tâm linh, sinh thái nghỉ dưỡng. Để thực hiện mục tiêu phát triển du lịch, dịch vụ là một trong 5 chương trình trọng tâm phát triển kinh tế – xã hội, tỉnh Bắc Giang đang tập trung nghiên cứu, đề xuất quy hoạch vùng cây ăn quả phục vụ du lịch; xây dựng cảnh quan môi trường, hệ thống giao thông, dịch vụ đồng bộ hơn.

Ông Lê Ánh Dương – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang: Cuối năm 2018, Bắc Giang sẽ tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư du lịch, nhằm kêu gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư vào các khu, điểm du lịch có tiềm năng của tỉnh; xây dựng thành công sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với vùng cây ăn quả.

Theo báo Công thương



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 20/09/2024