ISSN-2815-5823

Du lịch Hưng Yên cần khác biệt, tránh sự na ná với các tỉnh bạn

(KDPT) – Hội nghị “Xúc tiến điểm đến và kích cầu du lịch tỉnh Hưng Yên năm 2020” do Tổng cục Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hưng Yên tổ chức vừa diễn ra với sự tham gia của hơn 200 đại biểu đến từ các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, trung tâm xúc tiến du lịch, hiệp hội du lịch 11 tỉnh/ thành phố, cùng các doanh nghiệp lữ hành và đơn vị báo chí.

Trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có hệ thống hơn 1.800 di tích

Chương trình được tổ chức với mong muốn giới thiệu các nét văn hóa đặc sắc của tỉnh Hưng Yên tới các đơn vị, từ đó tiếp nhận các đánh giá, nhận định để khai thác hợp lý tiềm năng du lịch của tỉnh. Lắng nghe những mong muốn của các doanh nghiệp lữ hành để xây dựng, phát triển các dịch vụ du lịch phù hợp với nhu cầu của khách du lịch. Từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến quảng bá; đẩy mạnh hơn nữa việc liên kết phát triển du lịch giữa các tỉnh, các trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch, các doanh nghiệp du lịch trong vùng; xác định, xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn, triển khai các nhiệm vụ kích cầu du lịch, góp phần đưa du lịch Hưng Yên sau đại dịch Covid-19 là điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn.

Theo ông Đoàn Văn Hòa, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hưng Yên, lượng du khách đến Hưng Yên các năm qua đã tăng, tốc độ tăng trưởng bình quân từ 10-15%/năm. Năm 2019, tổng lượt khách đến Hưng Yên ước khoảng 1 triệu lượt, tăng trên 11% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, khách quốc tế đạt hơn 20.000 lượt, khách nội địa xấp xỉ 980.000 lượt. Tổng doanh thu từ du lịch ước đạt trên 220 tỷ đồng. Năm nay, do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, du lịch Hưng Yên cũng giống như tình trạng du lịch trên cả nước, sụt giảm nghiêm trọng. Lượng khách và doanh thu du lịch 9 tháng đầu năm 2020 giảm trên 80% so với cùng kỳ năm 2019, nhiều doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, nhà hàng phải ngừng hoạt động.

Các doanh nghiệp du lịch đóng góp ý kiến việc xây dựng sản phẩm du lịch và khôi phục du lịch hậu Covid-19 ở Hưng Yên

Đánh giá về tiềm năng phát triển du lịch của tỉnh Hưng Yên, ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nhận định: Các nhà khoa học, các học giả nghiên cứu về văn hóa đánh giá Hưng Yên là kho tàng di sản văn hóa đặc sắc của vùng đồng bằng sông Hồng. Các di tích lịch sử, di sản văn hóa vật thể, phi vật thể đặc sắc và các sản vật nông nghiệp của địa phương là tiềm năng phát triển du lịch của vùng đất Hưng Yên.

“Tuy nhiên, cho tới nay tài nguyên du lịch của Hưng Yên cũng như các giá trị văn hóa đặc sắc đó vẫn chưa được đầu tư, phát triển để Hưng Yên trở thành trung tâm du lịch, điểm đến thu hút khách du lịch. Du lịch của Hưng Yên mới chỉ đơn thuần là các điểm tham quan di tích, điểm du lịch được hình thành ở giai đoạn sơ khai. Để có thể phát triển du lịch hiệu quả cần tạo ra các sản phẩm du lịch, các hoạt động trải nghiệm cho du khách, cần có ý tưởng và sự đầu tư bài bản để tạo nên sự khác biệt của một địa phương, một vùng đất. Có như vậy, sự đa dạng của vùng đồng bằng sông Hồng mới được thể hiện, nếu không sẽ chỉ là những sự na ná giống nhau giữa các tỉnh thành khi làm về du lịch”, ông Hà Văn Siêu nói.

Khách khảo sát đền Dạ Trạch và thưởng thức nghệ thuật hát Trống quân

Tại Hội thảo, nhiều ý kiến của các đại biểu về định hướng phát triển du lịch Hưng Yên theo hướng du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, cộng đồng, làng nghề; du lịch tâm linh, du lịch văn hóa- lịch sử và du lịch y tế đã được ghi nhận. Đồng thời, tỉnh cần chú trọng đầu tư hạ tầng du lịch, đặc biệt là nâng cấp đầu tư mới cơ sở lưu trú cao cấp; đào tạo nguồn nhân lực du lịch; tăng cường công tác quảng bá xúc tiến du lịch, ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển du lịch… Cũng trong hội thảo, những khúc mắc, điểm yếu trong công tác quản lý, xây dựng sản phẩm du lịch của tỉnh và mong muốn của các doanh nghiệp lữ hành liên quan đến nhu cầu thực tế của khách du lịch cũng được đưa ra phân tích, trao đổi thẳng thắn.

Trước khi diễn ra Hội nghị, các đại biểu đã thực hiện khảo sát sản phẩm, dịch vụ du lịch tại đền Hóa Dạ Trạch, đền Đa Hòa (nơi thờ Chử Đồng Tử cùng nhị vị phu nhân), đền thờ Triệu Việt Vương, đền Mây (thờ tướng quân Phạm Bạch Hổ), đền Mẫu Đào Nương (thờ Đào Nương – vị tổ của nghệ thuật ca trù Việt Nam), thưởng thức, tìm hiểu điệu hát trống quân- di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và nghệ thuật hát ca trù- di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại.

Đặc sản gà Đông Tảo ở huyện Khoái Châu, Hưng Yên

Bên cạnh đó, đoàn khảo sát cũng ghé thăm mô hình trang trại gà Đông Tảo (xã Đông Tảo, Khoái Châu, Hưng Yên), vườn cam (xã Quảng Châu, TP. Hưng Yên).

Trong khuôn khổ Hội nghị còn diễn ra lễ ký cam kết hỗ trợ cung cấp thông tin và phát triển dịch vụ du lịch giữa Trung tâm Thông tin và xúc tiến Du lịch Hưng Yên, đại diện các doanh nghiệp lữ hành tại Hà Nội, Hiệp hội Du lịch Hưng Yên, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Du lịch TP. Hưng Yên và Công ty du lịch Dương Thảo.

BẢO LINH, ảnh VŨ AN

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 17/05/2024