ISSN-2815-5823

Du lịch Việt Nam chuyển đổi xanh để phát triển bền vững

(KDPT) - Trong khuôn khổ Hội chợ du lịch quốc tế Hà Nội 2024 (VITM Hà Nội 2024), Hiệp hội Du lịch (HHDL) Việt Nam phối hợp cùng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch tổ chức Diễn đàn “Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi xanh để phát triển bền vững” với sự tham dự của 300 đại biểu trong nước, quốc tế.

Phải đi từ quy hoạch xanh

Xu hướng du lịch xanh, chất lượng, bảo đảm sức khỏe đang được đề cao và trở thành lựa chọn ưu tiên của nhiều du khách. Xanh ở đây không phải là vấn đề về phủ sóng màu sắc mà là quá trình xanh hóa trong tư duy, hành động để các cá nhân và tập thể hình thành văn hóa xanh. Chỉ khi nhận thức rõ điều này, ngành du lịch mới có những điểm đến xanh, sản phẩm xanh và dịch vụ xanh.

Diễn đàn thu hút hơn 300 đại biểu trong và ngoài nước.
Diễn đàn thu hút hơn 300 đại biểu trong và ngoài nước.

Theo Phó Trưởng đại diện UNDP Việt Nam Patrick Haverman, đối mặt với những thách thức hiện nay như tình trạng mất đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu, việc chuyển đổi sang hướng phát triển bền vững là một điều tất yếu. Việc chuyển đổi xanh trong du lịch không chỉ mang lại lợi ích cho môi trường, giúp thúc đẩy bảo tồn đa dạng sinh học mà còn nâng cao cuộc sống cho các cộng đồng và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, quá trình chuyển đổi xanh trong du lịch ở Việt Nam cần phải tập trung vào các vấn đề như quy hoạch xanh; quản lý điểm đến hiệu quả; du lịch không rác thải nhựa và carbon thấp; du lịch bền vững dựa vào thiên nhiên.

Ông Patrick Haverman đặc biệt nhấn mạnh vấn đề quy hoạch xanh, cho rằng với quy hoạch xanh thì các quy hoạch quốc gia cần định hướng cho phát triển du lịch xanh, đặc biệt là việc phát triển cơ sở hạ tầng du lịch ít tác động tới môi trường và thiên nhiên; quản lý chất thải rắn và nước thải hiệu quả… Điều này đặc biệt quan trọng ở những địa điểm nhạy cảm về mặt sinh thái như các khu bảo tồn biển và vườn quốc gia.

Bên cạnh đó, ông Patrick Haverman cũng kiến nghị sự vào cuộc, dẫn dắt bởi các cấp chính quyền địa phương đối với vấn đề quản lý điểm đến hiệu quả; cùng với đó là sự phối hợp chặt chẽ của khu vực tư nhân và cộng đồng địa phương.

Từ đó, đưa ra các quy định về hạn chế rác thải nhựa cũng như giải quyết các vấn đề khác liên quan đến du lịch tại mỗi địa phương một cách toàn diện. “Cách tiếp cận này cho phép chúng ta xác định và tận dụng các tài sản thiên nhiên, văn hóa độc đáo của từng địa phương, thúc đẩy phát triển các dịch vụ du lịch mang tính bản sắc cho từng vùng”, ông Patrick Haverman nói.

Cùng quan điểm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, để phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh ở Việt Nam, cần hoàn thiện thể chế, chính sách, quy định quản lý phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững. Phát triển du lịch trên cơ sở tôn trọng, gìn giữ, bảo vệ tài nguyên, bảo đảm tính nguyên sơ, nguyên bản của giá trị cảnh quan tự nhiên và di sản văn hóa dân tộc. Cùng với đó là khuyến khích các nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư có trách nhiệm theo hướng đầu tư xanh, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ du lịch xanh để thúc đẩy xu hướng tiêu dùng du lịch xanh. Đẩy mạnh ứng dụng công xanh, sạch vào kinh doanh du lịch; phát triển đa dạng các loại hình du lịch sinh thái, du lịch sinh thái nông nghiệp, du lịch cộng đồng, khám phá - trải nghiệm các giá trị di sản tự nhiên và văn hóa, nghỉ dưỡng - chăm sóc sức khỏe. Tăng cường trách nhiệm xã hội của các bên liên quan để thúc đẩy chia sẻ lợi ích, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và mức sống cho người dân địa phương…

Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch nhấn mạnh: “Ý nghĩa của tăng trưởng xanh trong phát triển du lịch bền vững là nhằm góp phần khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo tồn, phát huy các giá trị tự nhiên và văn hóa. Giảm thiểu tiêu thụ năng lượng hóa thạch, phát thải khí nhà kính qua sử dụng các năng lượng sạch và tự nhiên; giảm thiểu tác động tiêu cực, giảm xả thải ra môi trường qua các hoạt động tái chế, tái sử dụng chất thải rắn, nước thải, hạn chế rác thải. Bên cạnh đó, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng, doanh nghiệp, khách du lịch đối với bảo vệ tài nguyên, môi trường; hình thành “lối sống xanh”, thúc đẩy tiêu dùng du lịch bền vững. Từ đó, góp phần tạo ra sản phẩm, dịch vụ du lịch xanh, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng xanh, hình thành điểm đến du lịch xanh”.

Nhiều ý kiến khác cũng được đưa ra tại Diễn đàn, minh chứng cho trào lưu, xu hướng phát triển du lịch xanh đang dần chiếm lĩnh và là lựa chọn đúng đắn hiện nay. Chủ tịch HHDL Quảng Nam Phan Xuân Thanh cho rằng, việc phát triển và thực hiện các công nghệ xanh trong ngành Du lịch đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện hiệu suất kinh doanh của các doanh nghiệp; giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và cộng đồng địa phương, từ đó tạo ra một môi trường du lịch hấp dẫn và bền vững.

Kêu gọi đầu tư xanh

Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu cho biết, UNDP nhiều năm qua đã cùng đồng hành, hỗ trợ phát triển bền vững du lịch Việt Nam thông qua việc hỗ trợ thực hiện Dự án “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam” và “Giảm thiểu rác thải nhựa”.

Cũng theo Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững; chỉ đạo ngành Du lịch xây dựng, triển khai chương trình hành động Du lịch xanh giai đoạn 2023-2025. Thủ tướng cũng đã ban hành Chỉ thị 08/CT-TTg về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững thời gian tới, cho thấy sự quan tâm lớn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với du lịch.

Các diễn giả, chuyên gia đề xuất nhiều giải pháp chuyển đổi xanh đối với du lịch Việt Nam.
Các diễn giả, chuyên gia đề xuất nhiều giải pháp chuyển đổi xanh đối với du lịch Việt Nam.

“Sau giai đoạn dịch bệnh, du lịch xanh, du lịch tái tạo, hướng tới phát triển bền vững đang nhận được sự quan tâm và rất nhiều du khách lựa chọn. Các chuyên gia, diễn giả, doanh nghiệp cần lan tỏa mạnh mẽ thông điệp để ngành du lịch tiếp tục hành động, xây dựng những tiêu chí để chứng nhận công nghệ xanh; vinh danh những điểm đến xanh, doanh nghiệp xanh, sản phẩm xanh…”, Phó Cục trưởng Hà Văn Siêu kiến nghị.

Để tạo đà cho du lịch chuyển đổi xanh, Phó Chủ tịch HHDL Quảng Ninh Nguyễn Hà Hải cho rằng, Nhà nước cần có cơ chế ưu đãi khuyến khích, hỗ trợ đầu tư cho những dự án phát triển du lịch xanh, bền vững. Cần sớm xây dựng và ban hành Chương trình hành động của ngành du lịch thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Tập trung các nhiệm vụ phát triển du lịch theo hướng xanh, bền vững; ban hành bộ tiêu chí du lịch xanh cấp quốc gia cho từng lĩnh vực du lịch theo tiêu chí chung của quốc tế, đồng thời phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam.

Nhiều ý kiến khác tại Diễn đàn cũng bày tỏ thống nhất đối với quan điểm xây dựng không gian du lịch xanh (tận dụng ánh sáng tự nhiên, giảm thiểu tiêu thụ nhiên liệu, điện năng…); kêu gọi đầu tư lâu dài, khoanh vùng thí điểm không gian du lịch xanh; cam kết từ điểm đến, xác định không rác thải nhựa, sử dụng sản phẩm xanh; đào tạo nhân lực xanh…

Chủ tịch HHDL Việt Nam Vũ Thế Bình cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ VHTTDL, HHDL Việt Nam đã chủ động vận động các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi xanh để chung tay bảo vệ môi trường, góp phần phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế xanh, trên cơ sở phát triển các sản phẩm du lịch xanh, dịch vụ xanh. Quan trọng nhất là nâng cao nhận thức, hành động của doanh nghiệp du lịch theo hướng chuyển đổi xanh để ngành du lịch phát triển bền vững, hiệu quả./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 23/11/2024