ISSN-2815-5823
Thu Phương (thực hiện)
Thứ năm, 15h16 19/09/2024

Fed cắt giảm sâu lãi suất, thị trường bất động sản Việt Nam sẽ hưởng lợi?

(KDPT) - Chia sẻ với chúng tôi, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng, việc lãi suất giảm kéo theo áp lực tài chính cũng giảm đi nên khả năng cơ hội đầu tư trên thị trường tăng lên, từ đó đầu tư bất động sản cũng sẽ tăng lên, tuy nhiên việc này còn phụ thuộc vào nhiều nhân tố.

Việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất tới 0,5% là cao hơn mọi dự báo, cũng là lần giảm đầu tiên kể từ năm 2020, đã gây bất ngờ cho thị trường tài chính.

Chia sẻ với chúng tôi, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng, việc Fed hạ lãi suất trong ngắn hạn sẽ có tác động 2 mặt đến nền kinh tế Việt Nam, tuy nhiên mặt tích cực sẽ nhiều hơn.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia kinh tế 
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia kinh tế 

Theo ông việc Fed giảm lãi suất 50 điểm cơ bản tác động đến nền kinh tế Việt Nam nói chung như thế nào?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Nhìn chung việc Fed cắt giảm lãi suất sẽ ảnh hưởng tích cực đến nền kinh tế Việt Nam nhiều hơn so với mặt tiêu cực, tất nhiên là việc gì cũng sẽ có 2 mặt. Nhưng chúng ta có thể khẳng định được mặt tích cực là nhiều hơn. 

Đơn cử là đồng USD sẽ yếu đi và áp lực về tỷ giá VND/USD sẽ giảm từ đó việc giữ ổn định tỷ giá đồng VND sẽ tốt hơn và trên cơ sở đó thì hoạt động xuất nhập khẩu cũng như tiêu dùng trong nước sẽ tốt hơn trong thời gian tới.

Thứ hai, nhập khẩu hàng hóa đầu vào cho sản xuất ổn định, thậm chí xuống giá thì rõ ràng là giá hàng hóa sản xuất ra có thể thấp hơn kéo theo giá bán trên thị trường sẽ giảm hoặc có những hoạt động khuyến mại, hậu mãi tốt hơn. 

Điều tiếp theo, ổn định tiền tệ nó sẽ làm cho đồng VND mạnh lên và chúng ta đang muốn giữ lãi suất ở mức thấp để hỗ trợ cho quá trình hồi phục kinh tế thì lúc này là rất phù hợp. 

Tiếp theo, việc lãi suất của đồng Đô la xuống thấp cũng làm giảm áp lực lãi suất vì chúng ta đang có chênh lệch lãi suất giữa VND với đồng Đô la khá lớn.

Còn về hoạt động đầu tư nước ngoài cũng sẽ tốt hơn vì rõ ràng đồng USD xuống giá, còn đồng VND thì giữ nguyên tức là đồng VND đang lên giá so với đồng USD và đương nhiên là cũng lên so với các đồng tiền khác. Vì thế nên các nhà đầu tư họ sẽ bỏ nhiều tiền đầu tư cả trực tiếp và gián tiếp vào Việt Nam (đấy là cái khả năng). 

Việc hạ lãi suất đồng USD cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong nước bởi vì lúc đó hiệu quả đầu tư sẽ cao hơn… Từ đó chúng ta thấy nó sẽ có tác động tốt hơn vào nền kinh tế Việt Nam.

Về thách thức thì vẫn có nhưng không nhiều, như là các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam sẽ phải đối mặt với sức ép cạnh tranh lớn từ các quốc gia khác, nhất là khi đồng USD giảm giá. Hay giảm lãi suất có thể dẫn đến giảm thu ngân sách nhà nước từ hoạt động thu thuế đối với lãi suất tiền gửi…

Có ý kiến cho rằng việc Fed giảm lãi suất đồng nghĩa với thời kỳ tiền rẻ đã đến, ông đánh giá thế nào về ý kiến này và theo ông lãi suất cho vay và huy động trong nước có giảm theo?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Nếu nói thời kỳ tiền rẻ đã đến là không chính xác, vì thực tế lãi suất của Fed đang ở mức 4,75-5%, nghĩa là vẫn ở mức rất cao và còn xa mức lãi suất trung tính. 

Về giảm lãi suất cho vay cũng có thể, nhưng thực tế trong thời gian hơn 1 năm vừa qua, lãi suất của chúng ta đã về mức thấp nhất rồi, tất nhiên việc giảm lãi suất thì áp lực về tỷ giá, về lãi suất cũng giảm, do đó trước hết là giữ ổn định lãi suất như hiện nay hoặc có thể giảm xuống 1 chút trong thời gian tới.

Đối với riêng thị trường bất động sản trong nước, theo ông sẽ được hưởng lợi gì từ việc Fed hạ lãi suất?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Việc lãi suất giảm kéo theo áp lực tài chính cũng giảm đi nên khả năng cơ hội đầu tư trên thị trường tăng lên, từ đó đầu tư bất động sản cũng sẽ tăng lên, tuy nhiên việc này còn phụ thuộc vào nhiều nhân tố.

Thời kỳ trước đây, khi Fed giảm lãi suất xuống mức thấp nhất lịch sử, cùng với việc Việt Nam đưa ra gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng đã giúp thị trường bất động sản đang "đóng băng" phục hồi mạnh mẽ.

Đáng chú ý, lãi suất giảm sẽ kéo theo tín dụng mua nhà, sửa nhà sẽ phục hồi trở lại. Điều quan trọng nhất là không chỉ vấn đề về giá vốn vay đã rẻ hơn mà kỳ vọng thu nhập khả dụng tăng lên đảm bảo khả năng trả nợ sẽ là yếu tố kích thích người dân “xuống tiền”.

Không những vậy, sau thời gian dài doanh nghiệp, khách hàng mua nhà gặp khó về nguồn vốn, khó tiếp cận tín dụng ngân hàng thì rõ ràng hạ lãi suất sẽ giúp người dân, doanh nghiệp dễ tiếp cận nguồn vốn giá rẻ hơn.

Ông có khuyến nghị hay đề xuất giải pháp nào cho kinh tế Việt Nam thích ứng với tình hình mới?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Nhìn chung, Fed giảm lãi suất ít hay nhiều đều có tác động lên nền kinh tế Việt Nam nhưng sẽ có độ trễ, tuy nhiên chúng ta cần theo dõi sát sao tình hình tài chính - tiền tệ thế giới để sẵn sàng có những kịch bản ứng phó phù hợp.

Các doanh nghiệp trong nước cần nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua việc cải thiện chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, tăng cường xây dựng thương hiệu...

NHNN cần luôn sẵn sàng các biện pháp điều hành chính sách tiền tệ trong mọi tình huống.

Chính phủ cần có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như giảm thuế, hỗ trợ tín dụng… giúp các doanh nghiệp tận dụng những cơ hội do việc Fed giảm lãi suất mang lại để duy trì đà tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.

Cảm ơn những chia sẻ của ông!



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 04/10/2024