ISSN-2815-5823

FLC chậm thanh toán hơn 1.000 tỷ đồng trái phiếu

Cover image
(KDPT) - FLC mới trả 100 triệu đồng dư nợ gốc của lô trái phiếu gần 1.000 tỷ đồng phải thanh toán năm 2023.

Thông tin này được đề cập tại báo cáo Công ty cổ phần Tập đoàn FLC vừa gửi Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) về tình hình trả nợ, lãi trái phiếu 2023.

Cụ thể, năm ngoái, FLC có hai khoản cần thanh toán cho trái chủ, gồm 120 tỷ đồng lãi trái phiếu (chia hai đợt) và hơn 996 tỷ đồng nợ gốc đáo hạn vào cuối năm. Tuy nhiên, tập đoàn này mới mới trả 10% lãi trái phiếu vào kỳ thanh toán tháng 6/2023, tương ứng gần 6 tỷ đồng.

FLC mới trả 100 triệu đồng dư nợ gốc của lô trái phiếu gần 1.000 tỷ phải thanh toán năm 2023.
FLC mới trả 100 triệu đồng dư nợ gốc của lô trái phiếu gần 1.000 tỷ phải thanh toán năm 2023.

Được biết, lô trái phiếu FLCH2123003 có tổng giá trị là 1.150 tỷ đồng, được phát hành ngày 28/12/2021 với kỳ hạn 24 tháng. Đến nay, lô trái phiếu này đã đáo hạn, tuy nhiên, FLC mới chỉ thanh toán được một phần rất nhỏ.

Theo kế hoạch, số tiền lãi gần 120 tỷ đồng được thanh toán theo 2 đợt: Đợt 1 thanh toán 59,67 tỷ đồng vào ngày 28/6/2023 nhưng công ty mới thanh toán được 5,97 tỷ đồng. Đợt 2 cần thanh toán 59,81 tỷ đồng vào ngày 28/12/2023, nhưng FLC chưa thanh toán được đồng nào trong số này.

Số tiền thanh toán gốc 996,41 tỷ đồng phải thanh toán hết tại ngày 28/12/2023, nhưng FLC chỉ thanh toán được 100 triệu đồng.

FLC cho biết, doanh nghiệp đang trong quá trình đàm phán với trái chủ để thông qua phương án gia hạn, dự kiến thanh toán trước 28/12/2025 trong trường hợp được trái chủ đồng ý.

Liên quan đến lô trái phiếu mã FLCH2123003, trước đó vào ngày 22/12/2023, FLC đã công bố kết quả lấy ý kiến người sở hữu trái phiếu về 4 phương án gia hạn với mã trái phiếu này.

Cụ thể, phương án 1 được phía FLC đưa ra là tiếp tục triển khai dự án khu biệt thự nghỉ dưỡng FLC Hải Ninh 2, sử dụng nguồn thu từ việc khai thác, kinh doanh để trả nợ trái phiếu. Toàn bộ số tiền thu được từ việc khai thác, kinh doanh bất động sản của dự án này sẽ được chuyển vào tài khoản phong tỏa của FLC để ưu tiên thanh toán cho người sở hữu trái phiếu.

FLC đề nghị gia hạn kỳ hạn trái phiếu thêm 2 năm. Lãi suất áp dụng 13%/năm (trước kia cao nhất là 11,5%) và miễn toàn bộ lãi phạt chậm trả với các phần nợ gốc, lãi đã đến hạn thanh toán. Định kỳ thanh toán lãi vào ngày 28/6 và 28/12 với mức 10% lãi của kỳ thanh toán, phần còn lại thanh toán vào cuối kỳ.

Phương án 2 là FLC tìm kiếm nhà đầu tư để chuyển nhượng dự án FLC Hải Ninh 2, sử dụng toàn bộ số tiền chuyển vào tài khoản phong tỏa, ưu tiên giải ngân để thanh toán trái phiếu. Thời gian thực hiện phương án chuyển nhượng dự án và thời gian thanh toán cho trái chủ phụ thuộc vào thời gian tìm kiếm nhà đầu tư nhận chuyển nhượng. Các điều kiện về kỳ hạn, lãi suất… tương tự phương án 1.

Phương án 3 là khi bất động sản của dự án FLC Hải Ninh 2 đủ điều kiện để ký hợp đồng mua bán, FLC sẽ sử dụng để đối trừ nghĩa vụ thanh toán trái phiếu, ưu tiên chiết khấu cho trái chủ so với khách hàng thông thường. Các điều khoản trái phiếu tương tự như trên.

Phương án 4 là trong trường hợp các phương án trên không được trái chủ thông qua, FLC sẽ đề xuất phương án khác trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày tổng hợp ý kiến bằng văn bản.

Tuy nhiên, cả 4 phương án nói trên, không phương án nào được thông qua.

Trong báo cáo mới đây, Công ty Chứng khoán KBSV cho biết, thị trường trái phiếu doanh nghiệp duy trì tình trạng ảm đạm trong tháng 2/2024 khi tổng giá trị phát hành chỉ đạt 1.165 tỷ đồng (giảm 45,8% so với tháng trước), với kỳ hạn bình quân là 2,87 năm. Trong đó, chỉ có 3 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ do 3 doanh nghiệp thuộc nhóm ngành xây dựng, vận tải cảng biển và thương mại dịch vụ.

Theo KBSV, nguyên nhân của tình trạng trên đến từ việc một số điều khoản trong Nghị định 65 có hiệu lực trở lại khiến cho quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp khắt khe hơn. 

Đáng chú ý, áp lực trên thị trường gia tăng khi lượng trái phiếu đến hạn tăng mạnh. Trong tháng 3, dự tính sẽ có khoảng 23,07 nghìn tỷ đồng trái phiếu đáo hạn, tăng 372% so với tháng trước. Trong đó, nhóm Bất động sản chiếm 63%, Thương mại dịch vụ chiếm 10% và nhóm Xây dựng chiếm 9%. 

Tính cả năm 2024, ước tính có khoảng 279.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn, với hơn 115.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp bất động sản (chiếm 41,4%), tiếp theo là nhóm tổ chức tài chính với hơn 81.000 tỷ đồng (chiếm 29%). 

"Đặc biệt, số liệu trên chưa tính những khoản đáo hạn “lần 2” sau khi được gia hạn. Bởi vậy, áp lực đáo hạn trong năm nay thực chất sẽ cao hơn so với con số trên phản ánh", KBSV dự báo./.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

Longform
kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/05/2024