ISSN-2815-5823

Gắn mác “du lịch” thì “tâm linh” cũng phải… đóng thuế!

(KDPT) – Những năm gần đây, “du lịch tâm linh” đã không còn xa lạ trong đời sống xã hội và kinh tế Việt Nam. Đây là loại hình vừa đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh lại vừa giúp mọi người có cơ hội thưởng ngoạn, ngắm cảnh. Nhưng vấn đề đặt ra là trách nhiệm với các loại thuế của những doanh nghiệp đầu tư. Họ sẽ đóng thuế như thế nào khi mà “thu không kiểm soát”?

>>> Bài toán thủ tục hành chính – cái nhìn từ hoạt đồng đầu tư

>>> “Siêu đại gia” và muôn nẻo đường học vấn

Tai tiếng những dự án nghìn tỷ

Hiện nay, có không ít khu du lịch tâm linh được các doanh nghiệp đổ hàng nghìn tỷ đồng vào đầu tư. Có thể kể đến Đại Nam Quốc Tự – khu du lịch Đại Nam (Bình Dương), chùa Bái Đính – quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình) hay quần thể chùa Tam Chúc – Ba Sao (Hà Nam)…

Tại những khu du lịch tâm linh này, nguồn thu đến từ tiền vé tham quan, tiền công đức, phí từ các dịch vụ đi kèm từ gửi xe, ăn uống, nghỉ ngơi đến phí cho thuê ki ốt hàng hóa, dịch vụ thư giãn, giải trí… Với lượng khách lên đến hàng triệu người mỗi năm, doanh thu có thể đạt từ vài trăm tỷ đồng đến hàng nghìn tỷ đồng.

Mặc dù đem lại khoản thu lớn cho doanh nghiệp, tạo thêm thêm nguồn thu ngân sách cũng như việc làm cho nhiều địa phương nhưng đang có nhiều ý kiến trái chiều về sự phát triển ồ ạt và thương mại hóa tại các khu du lịch tâm linh như hiện nay.

Thứ nhất, như GS.TS Bùi Quang Thanh (Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam) nói: “Các quần thể đền chùa bản thân đã là một tổng thể hài hòa của các yếu tố văn hóa-lịch sử-tâm linh, không nên vì mục tiêu thương mại. Sự linh thiêng của di tích không nằm ở việc đầu tư vào đó bao nhiêu tiền, mà nó nằm ở niềm tin được kế thừa từ thế hệ này sang thế hệ khác”.

Thứ hai, sự phá vỡ cảnh quan thiên nhiên, cân bằng sinh thái là điều phải cân nhắc. Hiện nay, dư luận đang chỉ trích dự án khu du lịch tâm linh chùa Hương vì đề xuất biến Chùa Hương thành quần thể chùa “công nghiệp” với tứ bề trạm thu phí; nạo vét tới 30km sông suối; xẻ toang dòng Suối Yến ngàn năm cho chảy về Hà Nam, xuyên qua rừng đặc dụng…

Hơn nữa, những dự án như vậy thường bao gồm sự góp vốn nhà nước – doanh nghiệp. Nhưng những hạng mục nhà nước phụ trách đã xong mà vẫn chưa thấy doanh nghiệp khởi động. Hay như trước đây, doanh nghiệp từng đề xuất nạo vét 14km kênh Sào Khê (Ninh Bình) ban đầu chỉ là 72 tỷ đồng, sau nhiều năm lên tới 2.600 tỷ đồng từ tiền ngân sách!

Phải công khai, minh bạch sự quản lý

Luật sư Hà Hải (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) cho rằng nhìn nhận đúng bản chất các khu du lịch tâm linh nói trên thì đó là những dự án kinh tế. Việc đứng tên chủ đầu tư xin phép xây dựng các công trình ấy đều không phải là giáo hội hay tổ chức tôn giáo mà là các doanh nhân, doanh nghiệp đã cho thấy rõ mục đích xây dựng và khai thác của các dự án.

Chiếu theo đó, yêu cầu tiên quyết là các dự án đó phải tuân thủ đầy đủ mọi quy định của luật theo các nhóm ngành nghề đầu tư, kinh doanh và không có ngoại lệ.

Trong thực tế, phần lớn đất đai của dự án được xây dựng thành khu trung tâm đón tiếp, khu ẩm thực, khu nghỉ dưỡng, khách sạn 5 sao, bến xe điện, bến du thuyền, khu vui chơi tổng hợp, casino, biệt thự cao cấp… Đây đều là công trình kinh doanh không liên quan gì đến tôn giáo và tín ngưỡng. Nếu đứng riêng, chúng sẽ phải chịu mức thuế, giá thuê đất… cao hơn nhiều so với việc xây chùa.

Đó là chưa kể, những khoản tiền “công đức” hoàn toàn nằm ngoài các quy định thanh tra, kiểm toán, dù đây là một khoản thu cực lớn. Cho đến nay, chưa có quy định rõ ràng, công bằng nào cho vấn đề này.

Các công trình tôn giáo tâm linh siêu khủng đều ăn theo một cổ tự, danh thắng nổi tiếng đã có sẵn, cũng là một lý do rất quan trọng giúp nhà đầu tư nâng cao hiệu quả kinh doanh. Vậy nhưng, phần đóng góp có tính chất nghĩa vụ, lẽ ra phải theo quy định bắt buộc thì lại hầu như không có, hoặc có rất ít.

Sau mỗi đợt lễ hội, các quần thể danh thắng, chùa, đền nổi tiếng đều thu được số tiền lớn hàng chục tỉ đồng. Hiện nay chỉ khoảng 4% trong số đó được trích ra để nuôi bộ máy vận hành dịch vụ của chính nó, cũng như bảo đảm an ninh trật tự, bảo vệ môi trường, tu sửa hạ tầng, đường hành hương và chăm sóc, bảo vệ rừng. Trong khi đó, hầu hết các địa điểm khai thác đều được xếp vào nhóm di tích văn hóa – lịch sử quốc gia, cho nên những đợt sửa chữa, tu bổ lớn trị giá hàng chục, hàng trăm tỉ đồng đều dùng tiền ngân sách chi trả.

Cơ quan chức năng nên có sự thống nhất trong áp dụng luật theo hướng xem kinh doanh văn hóa tâm linh cũng là hoạt động đầu tư kinh doanh nên khi giao đất và cấp phép, khi khai thác thì yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế theo đúng quy định pháp luật.

Các dự án, dù là dự án tâm linh cũng phải đảm bảo tính khách quan trong quá trình quản lý. Không thống nhất, minh bạch được hoạt động quản lý các dự án này, công trình kinh doanh gắn mác tâm linh sẽ bị lợi dụng, biến thành phương tiện móc rỗng ngân sách nhà nước ở nhiều công đoạn, cả đầu tư lẫn khai thác.

Thu Anh



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 15/01/2025