Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ giảm tuần thứ bảy liên tiếp
Lượng dầu dự trữ của Mỹ suy giảm và Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) có thể cắt giảm sản lượng đã giúp giá dầu có đà tăng ngay trong phiên giao dịch đầu tuần. Tuy nhiên, quan ngại về triển vọng kinh tế toàn cầu tăng trưởng thấp đã khiến dầu giảm hơn 6% trong phiên giao dịch liền sau đó, đẩy giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) chạm mức thấp nhất trong hơn một năm qua.
Giá dầu liên tục trượt dốc kể từ đầu tháng 10, khi giá dầu WTI đạt mức “đỉnh” của bốn năm. Kể từ đó, giá mặt hàng này đã mất hơn 30%, giữa lúc thị trường chứng khoán mất 8-9% do triển vọng ảm đạm của kinh tế thế giới “phủ bóng đen” lên nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ. Ngoài ra, sự lo ngại về kết quả báo cáo lợi nhuận doanh nghiệp, khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất và căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn cũng tác động tới thị trường “vàng đen”.
Trong tháng 11/2018, xuất khẩu dầu của Iran đã sụt giảm hàng trăm nghìn thùng, do tác động bởi lệnh trừng phạt của Mỹ. Tình hình này cũng góp phần làm giảm nguồn cung dầu trên toàn cầu, nhờ đó “cứu” giá dầu thoát khỏi nguy cơ giảm sâu sau khi Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) vừa công bố báo cáo cho hay dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần trước (kết thúc ngày 16/11) tăng 4,9 triệu thùng lên 446,91 triệu thùng, mức cao nhất kể từ tháng 12/2017. Sản lượng dầu của Mỹ hiện cũng ở mức cao kỷ lục 11,7 triệu thùng/ngày.
Tới phiên giao dịch cuối cùng của tuần này, giá hai loại dầu chủ chốt là dầu WTI và dầu Brent Biển Bắc giảm khá mạnh, do giới đầu tư vẫn quan ngại nhiều về tình hình nguồn cung khi các nhà sản xuất dầu lớn đang cân nhắc khả năng sẽ cắt giảm sản lượng.
Kết thúc phiên 23/11, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 1/2019 giảm 4,21 USD (7,7%) xuống 50,42 USD/thùng, phiên mất giá mạnh nhất kể từ ngày 6/7/2015 và là mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 9/10/2017. Trong khi đó, tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 1/2019 cũng lùi 3,8 USD (6,1%) xuống 58,80 USD/thùng. Tính chung cả tuần qua, giá dầu WTI và dầu Brent lần lượt mất 10,6% và 12%.
Hầu hết các nhà đầu tư năng lượng đều có vẻ “phớt lờ” báo cáo từ The Wall Street Journal (WSJ) rằng OPEC đang xem xét cắt giảm sản lượng một cách “bí mật”, trong đó Saudi Arabia có thể cắt giảm 1 triệu thùng/ngày. Các chuyên gia trong ngành năng lượng tỏ ý hoài nghi về hiệu quả của chiến thuật như vậy. Hiện giới đầu tư đang hướng sự chú ý vào cuộc họp của OPEC, dự kiến diễn ra vào ngày 6/12/2018.
Cũng trong phiên giao dịch ngày 23/22, giá xăng giao tháng 12/2018 mất 7,9% còn 1,3913 USD/gallon, ghi dấu phiên giảm mạnh nhất kể từ ngày 2/2/2009. Tuần qua, hợp đồng mua bán mặt hàng này đã giảm 11,8%, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 2/2016. Giá dầu sưởi ấm giao tháng 12/2018 cũng lùi 4,8% xuống 1,8762 USD/gallon, mức đóng cửa thấp nhất kể từ tháng 3/2018.
Theo: baotintuc.vn