Giá lợn hơi liên tục tăng

Giá lợn hơi được dự báo sẽ tiếp tục tăng.
Giá lợn hơi được dự báo sẽ tiếp tục tăng.

Theo thống kê của Cục Chăn nuôi, 6 tháng đầu năm 2022, đàn lợn cả nước tăng trưởng 3,8% và sản lượng thịt lợn hơi đạt khoảng 2,12 triệu tấn, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước.

Cơ quan này dự báo giá lợn hơi có thể chỉ tăng thêm 3.000-6.000 đồng/kg, tương đương từ 5-10% trong quý 3 năm nay. Thời gian tới, khả năng giá lợn hơi sẽ tiếp tục tăng khi giá thành chăn nuôi, giá xăng dầu ở mức cao… nhưng khó có thể tăng đột biến. Đây là điểm đáng mừng vì người tiêu dùng sẽ không phải gồng mình chi tiêu với giá thịt lợn tăng cao.

Ông Nguyễn Xuân Dương - Phó chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết, những ngày qua giá lợn hơi trên thị trường đã tăng khá mạnh, nhưng sẽ không dừng lại mà vẫn tiếp tục tăng thêm, rất có thể sẽ tăng đến mức 80.000 đồng/kg. Theo ông Dương giá thịt lợn tăng hơn do giá lợn hơi các nước xung quanh đều cao hơn Việt Nam.

“Giá lợn hơi ở Thái Lan đang dao động từ 90.000 đến 100.000 đồng/kg. Một số nước EU lại tăng nhập khẩu thịt đông lạnh để dự trữ,... cũng là những lý do đã và sẽ tiếp tục tác động đến giá lợn hơi” - ông Dương nói.

Ngoài yếu tố tác động từ thị trường bên ngoài, ông Dương cũng cho rằng nhu cầu thị trường trong nước tăng nên cũng góp phần đẩy giá thịt lợn hơi tăng. Cùng đó, mặt bằng đầu vào đang rất cao, đặc biệt là giá thức ăn chăn nuôi đã 6 lần tăng giá. Đối với các doanh nghiệp lớn vẫn đảm bảo vấn đề thu chi, nhưng với những hộ chăn nuôi nhỏ đã lỗ rất nhiều. Do vậy, giá lợn hơi tăng là để đảm bảo lợi nhuận cho doanh nghiệp và người chăn nuôi thì có lời.

Người chăn nuôi vẫn dè chừng

Người chăn nuôi vẫn dè chừng trong việc tái đàn, mở rộng sản xuất.
Người chăn nuôi vẫn dè chừng trong việc tái đàn, mở rộng sản xuất.

Giá lợn hơi cả nước tăng dần từng ngày và dần đuổi kịp giá thức ăn chăn nuôi cùng những chi phí chăn nuôi khác trong thời gian qua. Tuy nhiên, theo khảo sát tại các vùng chăn nuôi trọng điểm, người nuôi lợn vẫn còn tâm lý thận trọng trong việc tái đàn lợn hoặc đầu tư thêm, bởi hầu hết đều lo ngại trước biến động giá.

Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, hiện nay, giá thức ăn chăn nuôi, giá con giống và các chi phí khác đều tăng cao, nguy cơ ảnh hưởng bởi dịch bệnh vẫn rất lớn nên giá thành nuôi lợn hiện bị đẩy lên khá cao. Với những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không chủ động được nguồn giống, giá thức ăn chăn nuôi, đầu ra không ổn định, nguy cơ thua lỗ lớn, nên thời điểm này họ hầu như không mặn mà tái đàn dù đây là thời điểm tái đàn, tăng đàn cung cấp cho thị trường Tết Nguyên đán, mùa tiêu thụ lớn nhất trong năm.

Đại diện Hội Chăn nuôi Việt Nam cũng cho rằng, giá lợn hơi tăng cao như hiện nay người chăn nuôi đã có lãi, nhưng người chăn nuôi lo ngại giá tăng lên rồi sẽ giảm. Bên cạnh đó, dịch tả lợn châu Phi vẫn còn diễn biến phức tạp nên không tăng đàn ồ ạt như trước đây, chỉ tái đàn một cách thận trọng. Ngoài ra, tình hình tái đàn còn phụ thuộc vào con giống và nguyên liệu đầu vào.

Theo nhận định của giới chuyên gia, trong thời gian tới giá thịt lợn hơi vẫn tiếp tục tăng nhưng không xuất hiện tình hình sốt giá, đặc biệt là giai đoạn những tháng cuối năm sẽ không xảy ra tình trạng khan hiếm thịt lợn.

Trước diễn biến giá thịt lợn có xu hướng tăng cao thời gian gần đây, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu thực hiện ngay các biện pháp bình ổn giá. Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Tài chính và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương theo dõi sát diễn biến, tình hình giá cả, cung cầu thịt lợn trên thị trường để thực hiện ngay các biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, nguồn cung thịt lợn, thức ăn chăn nuôi và bình ổn giá theo quy định, bảo đảm quyền lợi của người chăn nuôi, không để thiếu hụt thịt lợn, giá thịt lợn tăng ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và gây áp lực lên lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô…

Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết sẽ chủ động cập nhật thông tin, diễn biến thị trường, nắm sát nguồn cung lương thực, thực phẩm trong nước để chỉ đạo sản xuất phù hợp với nhu cầu thị trường; theo dõi, nắm bắt và tổng hợp thông tin, số liệu về giá cả, tình hình sản xuất và nguồn cung các mặt hàng nông sản; trong đó có mặt hàng thịt lợn tại các địa phương trong nước trong điều kiện mới. Bộ cũng sẽ phối hợp, hướng dẫn các địa phương trên cả nước bảo đảm nguồn cung về giống, vật tư và sản phẩm… Đồng thời, chỉ đạo chuẩn bị các phương án sản xuất, bảo đảm nguồn cung con giống, vật tư, thúc đẩy sản xuất, tháo gỡ khó khăn trong lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản; cấp đủ nguồn cung lương thực, thực phẩm cho tiêu dùng và xuất khẩu.