ISSN-2815-5823
Luật sư Phạm Hồng Điệp
Thứ sáu, 11h27 16/05/2025

Giá trị doanh nghiệp Hải Phòng trong thời kỳ hội nhập, chuyển đổi số và phát triển bền vững

(KDPT) - Nếu giá trị doanh nhân là “người kiến tạo tư tưởng và dẫn dắt tinh thần thời đại”, thì giá trị doanh nghiệp chính là “kết tinh” của tư tưởng ấy dưới hình hài tổ chức, văn hóa và thực tiễn vận hành.

Trong bối cảnh toàn cầu đang chuyển dịch mạnh mẽ về mô hình phát triển – từ tăng trưởng thuần túy sang phát triển bền vững, từ sản xuất hàng hóa sang kinh tế số, từ cạnh tranh đơn lẻ sang liên kết chuỗi giá trị – doanh nghiệp không thể chỉ là “tổ chức kinh doanh” mà cần được xem là thiết chế xã hội – nền tảng phát triển cộng đồng.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Từ thực tiễn thành phố Hải Phòng và các định hướng chiến lược của Đảng, có thể khái quát 5 nhóm giá trị cốt lõi mà doanh nghiệp Hải Phòng cần xây dựng và phát huy trong kỷ nguyên mới:

 Văn hóa doanh nghiệp là nền tảng: Đạo đức – kỷ cương – đổi mới

Văn hóa doanh nghiệp chính là “linh hồn” của tổ chức. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” – trong doanh nghiệp, văn hóa chính là kim chỉ nam cho hành vi tập thể, là cốt lõi tạo nên sự khác biệt và sức mạnh trường tồn.

Tại Hải Phòng, nhiều doanh nghiệp đã chú trọng xây dựng văn hóa lấy con người làm trung tâm, trọng chữ tín, đề cao kỷ luật và thực hành tiết kiệm – đây là những giá trị truyền thống rất gần gũi với văn hóa vùng đất Cảng.

Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, văn hóa doanh nghiệp cần được nâng tầm với những nội dung cốt lõi sau:

  • Đạo đức kinh doanh: Không đánh đổi lợi ích kinh tế bằng tổn hại xã hội, môi trường, con người. Gắn hoạt động doanh nghiệp với trách nhiệm cộng đồng. 
  • Tính kỷ luật – kỷ cương: Xây dựng chuẩn mực hành vi, nguyên tắc công vụ, môi trường làm việc minh bạch, công bằng.
  • Tinh thần đổi mới – sáng tạo: Khuyến khích nhân viên đưa ra ý tưởng, cải tiến sản phẩm, tối ưu quy trình và dám thất bại trong đổi mới.

Việc đưa các giá trị văn hóa vào bộ quy tắc ứng xử, quy chế nội bộ, đánh giá nhân sự sẽ giúp doanh nghiệp phát triển bền vững và hấp dẫn nhân tài hơn.

Quản trị hiện đại, dữ liệu số và tự động hóa là trụ cột cạnh tranh

Một trong những điểm yếu phổ biến của các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Hải Phòng là quản trị theo kinh nghiệm, thiếu hệ thống, và chưa coi trọng đầu tư vào công nghệ số, phần mềm quản lý.

Trong khi đó, theo Nghị quyết 57-NQ/TW về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, Đảng ta đã xác định quản trị hiện đại – chuyển đổi số – ứng dụng công nghệ là điều kiện sống còn để doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng suất và gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu.

Một số mô hình đi trước đã cho thấy hiệu quả vượt trội. Như chính tại KCN Nam Cầu Kiền, Công ty CP Shinec, chúng tôi đã triển khai hệ thống kiểm soát người và phương tiện bằng công nghệ nhận diện khuôn mặt – biển số, đồng thời sử dụng phần mềm di động giám sát dữ liệu vận hành theo thời gian thực. Điều này không chỉ tăng năng suất mà còn giảm thất thoát và tăng minh bạch.

Doanh nghiệp Hải Phòng trong kỷ nguyên mới cần nhanh chóng ứng dụng các công nghệ cốt lõi:

  • Quản trị số (ERP, CRM, BI);
  • Trí tuệ nhân tạo (AI) trong phân tích thị trường, dự đoán rủi ro;
  • Tự động hóa quy trình (RPA);
  • Dữ liệu lớn (Big Data) trong ra quyết định;
  • Nền tảng thương mại điện tử và số hóa sản phẩm/dịch vụ.

Những công cụ này không còn là lựa chọn, mà là tiêu chuẩn cạnh tranh bắt buộc trong môi trường kinh doanh toàn cầu.

Phát triển xanh và tuần hoàn – hướng đi tất yếu cho tương lai

Biến đổi khí hậu, khủng hoảng năng lượng, sự cạn kiệt tài nguyên đang đặt ra yêu cầu cấp thiết: Phải chuyển từ kinh tế “khai thác và tiêu dùng” sang “tái tạo và tuần hoàn”.

mô hình KCN sinh thái Nam Cầu Kiền là ví dụ điển hình về tích hợp phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường.
mô hình KCN sinh thái Nam Cầu Kiền là ví dụ điển hình về tích hợp phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường.

Doanh nghiệp Hải Phòng, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp, logistics và cảng biển (đều là những mảng kinh tế cốt lõi của Hải Phòng), nếu không tiên phong chuyển đổi xanh sẽ sớm bị đào thải khỏi chuỗi cung ứng quốc tế.

Hiện nay, mô hình KCN sinh thái Nam Cầu Kiền là ví dụ điển hình về tích hợp phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường:

  • Áp dụng tiêu chuẩn ESG: từ quản lý năng lượng, khí thải, nước thải đến phúc lợi lao động và quản trị minh bạch.
  • Xây dựng hệ sinh thái doanh nghiệp liên kết sản xuất tuần hoàn.
  • Ưu tiên tuyển chọn doanh nghiệp xanh, công nghệ cao, ít phát thải.

Đây là con đường mà mọi doanh nghiệp cần đi nếu muốn tồn tại lâu dài và tiếp cận các thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản.

Liên kết chuỗi giá trị – nâng tầm nội địa hóa, hợp tác FDI

Một điểm yếu mang tính hệ thống của doanh nghiệp nội địa Hải Phòng là thiếu khả năng tham gia chuỗi cung ứng của doanh nghiệp FDI, dù đóng góp FDI chiếm tỷ trọng lớn trong tăng trưởng.

Theo chỉ đạo của Trung ương và Thành ủy Hải Phòng, cần khẩn trương nâng cấp năng lực doanh nghiệp trong các ngành then chốt như: công nghiệp hỗ trợ, điện tử, cơ khí chính xác, logistics, CNTT... để tăng tỷ lệ nội địa hóa và trở thành đối tác chiến lược của các doanh nghiệp toàn cầu.

Điều này đòi hỏi:

  • Liên kết các doanh nghiệp cùng ngành tạo thành chuỗi – cụm liên kết.
  • Thành lập hiệp hội ngành hàng theo chiều sâu.
  • Xây dựng các trung tâm hỗ trợ công nghệ, kiểm định, đào tạo nghề.
  • Tận dụng các khu công nghiệp để xây dựng các cụm công nghiệp phụ trợ chuyên biệt.

Đây là xu hướng tất yếu để doanh nghiệp địa phương thoát khỏi vị thế “làm thuê” và chuyển sang “làm chủ” trong chuỗi giá trị quốc tế.

Doanh nghiệp vì con người – lấy con người làm trung tâm phát triển

Cuối cùng, một giá trị cốt lõi không thể thiếu là: doanh nghiệp phải là nơi nuôi dưỡng và phát triển con người.

Tại nhiều doanh nghiệp tiêu biểu của Hải Phòng, như Shinec, Nhựa Tiền Phong, Sơn Hải Phòng,…, các chính sách về đào tạo nhân sự, nâng cao đời sống vật chất – tinh thần, phúc lợi xã hội đã trở thành chiến lược phát triển lâu dài.

Một doanh nghiệp hiện đại không thể chỉ coi con người là “lao động” – mà phải xem họ là “nguồn lực tri thức” quý giá nhất. Việc đầu tư vào:

  • Đào tạo kỹ năng số, kỹ năng mềm;
  • Xây dựng hệ thống đánh giá công bằng, minh bạch;
  • Tạo môi trường làm việc dân chủ, sáng tạo, nhiều cơ hội phát triển sẽ giúp doanh nghiệp giữ chân nhân tài, tăng năng suất và lan tỏa văn hóa tích cực.

Giá trị doanh nghiệp Hải Phòng trong kỷ nguyên mới không thể chỉ nằm ở lợi nhuận hay tài sản hữu hình, mà phải là tổng hòa giữa văn hóa – con người – công nghệ - phát triển bền vững – trách nhiệm xã hội. Doanh nghiệp nào xây dựng được hệ giá trị này, sẽ có lợi thế cạnh tranh bền vững và đóng góp thiết thực vào sự phát triển của thành phố và quốc gia./.

Doanh nhân, Luật sư Phạm Hồng Điệp
Chủ tịch 
HĐQT Công ty CP Shinec



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 23/06/2025