Nền móng tiềm năng để phát huy giá trị doanh nhân – doanh nghiệp Hải Phòng trong kỷ nguyên mới
Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp, doanh nhân Hải Phòng đã đang và sẽ tiếp tục có những bước đi mang tính đột phá để góp phần cống hiến với đất nước trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên hưng thịnh và phồn vinh của Việt Nam.
Trong kỷ nguyên mới – kỷ nguyên của chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tri thức và hội nhập toàn cầu sâu rộng – vị thế và vai trò của doanh nhân, doanh nghiệp ngày càng trở nên then chốt, đóng vai trò quan trọng trong kiến tạo động lực phát triển bền vững cho quốc gia. Đặc biệt, trước mục tiêu lớn lao được Đảng ta xác lập là đưa Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045, kinh tế tư nhân không chỉ là một thành phần, mà còn được xác định là một trong những động lực quan trọng nhất để hiện thực hóa khát vọng đó.

Trong bài viết “Phát triển kinh tế tư nhân – Đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng”, Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định: Kinh tế tư nhân là động lực hàng đầu thúc đẩy tăng trưởng và đổi mới sáng tạo, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của việc hình thành những “người khổng lồ” kinh tế – tức những doanh nghiệp tư nhân tầm cỡ khu vực và toàn cầu, đủ năng lực dẫn dắt nền kinh tế dân tộc.
Trong bối cảnh mới này, Thành phố Hải Phòng – cửa ngõ chính ra biển của miền Bắc, một trong những trung tâm kinh tế lớn của đất nước, đang đứng trước cơ hội và thách thức chưa từng có. Với vị thế là đầu tàu công nghiệp, logistics, cảng biển, Hải Phòng không chỉ là địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng, mà còn đang đặt ra yêu cầu cấp thiết trong việc hình thành một đội ngũ doanh nhân bản lĩnh, sáng tạo, làm giàu cho quê hương và có khát vọng vươn ra quốc tế.
Tuy nhiên, theo đánh giá của lãnh đạo thành phố, chất lượng tăng trưởng kinh tế của Hải Phòng vẫn chưa thực sự bền vững. Tỷ lệ đóng góp của doanh nghiệp FDI trong các chỉ số kinh tế còn rất lớn, trong khi số lượng doanh nghiệp nội địa lớn mạnh còn hạn chế – chỉ có 10 doanh nghiệp nội địa Hải Phòng lọt vào Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2024, và chưa có doanh nghiệp nào nằm trong Top 100.
Điều đó cho thấy, một trong những điểm nghẽn lớn của Hải Phòng là thiếu vắng đội ngũ doanh nhân nội địa dẫn dắt, doanh nghiệp bản địa có quy mô lớn, có khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Do đó, bài tham luận này tập trung làm rõ nội dung: Đặc trưng giá trị doanh nhân – giá trị doanh nghiệp Hải Phòng trong kỷ nguyên mới, nhằm góp phần nhận diện đúng những phẩm chất cần bồi dưỡng, khơi dậy ở đội ngũ doanh nhân thành phố, từ đó xây dựng những mô hình doanh nghiệp mạnh, có chiều sâu văn hóa, đủ sức cạnh tranh và hội nhập.
Trên cơ sở phân tích bối cảnh chính trị - kinh tế mới của đất nước và thành phố, kế thừa các chỉ đạo trọng yếu của Trung ương (Nghị quyết số 68-NQ/TW, Nghị quyết số 57-NQ/TW...) và Thành ủy Hải Phòng (Chương trình hành động 75 thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, phát biểu của Bí thư Thành ủy nhân dịp thành lập Hiệp hội doanh nghiệp Hải Phòng...), bài viết sẽ tập trung làm rõ:
- Những yêu cầu đặt ra đối với doanh nhân, doanh nghiệp Hải Phòng trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, chuyển đổi số và phát triển bền vững;
- Các giá trị cốt lõi mà doanh nhân Hải Phòng cần xây dựng, gìn giữ và lan tỏa;
- Các yếu tố cấu thành giá trị doanh nghiệp Hải Phòng tiêu biểu trong kỷ nguyên mới;
- Vai trò của Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội trong hỗ trợ phát triển đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp;
- Một số giải pháp chiến lược nhằm nâng tầm giá trị doanh nhân, doanh nghiệp Hải Phòng trong thời gian tới.
Từ góc nhìn này, bài viết mong muốn đóng góp để cùng dựng một thế hệ doanh nhân Hải Phòng "vừa có tâm, vừa có tầm", đưa họ thành chính là nền tảng để thành phố Cảng vươn tầm trở thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ và đổi mới sáng tạo hàng đầu cả nước và khu vực.
Từ thực tiễn đó đã đặt ra những bài toán để doanh nghiệp doanh nhân thành phố Cảng phải giải được để xác lập đúng, trúng hướng đi và vị thế của mình trong dòng chảy phát triển không ngừng của đất nước. để làm được sứ mệnh này doanh nghiệp doanh nhân Hải Phòng cần nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình trên nền tảng phát triển mà Đảng, nhà nước đã có những hướng mở tốt lành .
Thực tiễn đã chứng minh, Trong gần 40 năm đổi mới, đặc biệt là từ sau Đại hội XIII của Đảng, kinh tế tư nhân đã được xác lập là một trong những trụ cột của nền kinh tế quốc dân. Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị (ban hành ngày 4/5/2025) một lần nữa khẳng định rõ: “Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia”. Nghị quyết đề ra các mục tiêu đầy tham vọng: đến năm 2030, khu vực tư nhân đóng góp 55–58% GDP, có ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; đến năm 2045, đạt tỷ lệ đóng góp trên 60% GDP và có ít nhất 3 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, bền vững.
Đây không chỉ là mục tiêu về số lượng, mà còn là yêu cầu về chất lượng của doanh nhân, doanh nghiệp – những chủ thể phải có năng lực đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển bền vững, hội nhập quốc tế và có bản lĩnh kinh doanh trong môi trường toàn cầu đầy biến động.
Trong bối cảnh đó, Bộ Chính trị đã xác định nhiệm vụ trọng tâm là: xoá bỏ định kiến, tư duy cũ về kinh tế tư nhân; tạo môi trường thông thoáng, minh bạch; tôn vinh và khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, làm giàu chính đáng; đồng thời phát triển đội ngũ doanh nhân có văn hóa, có đạo đức, có tinh thần yêu nước, dám dấn thân, đổi mới sáng tạo và cống hiến cho sự phát triển đất nước.
Thời cơ và thách thức đối với doanh nhân Hải Phòng
Trong dòng chảy chung của đất nước, Hải Phòng được Trung ương xác định là thành phố trọng điểm về công nghiệp, logistics, dịch vụ và đổi mới sáng tạo. Kế hoạch tăng trưởng năm 2025 của thành phố được giao ở mức rất cao: 12,5% – vượt xa bình quân cả nước. Đây là áp lực, nhưng cũng là cơ hội để Hải Phòng tạo bứt phá, vươn lên dẫn đầu trong phát triển kinh tế vùng duyên hải Bắc Bộ và khu vực ASEAN.
Tuy nhiên, một thực tế đáng quan ngại đã được lãnh đạo thành phố chỉ rõ tại Đại hội Hiệp hội Doanh nghiệp Hải Phòng ngày 13/4/2025: “nền kinh tế thành phố còn phụ thuộc nhiều vào khối FDI”, trong khi tỷ lệ doanh nghiệp nội địa có năng lực cạnh tranh cao vẫn rất thấp. Trong số hơn 20.000 doanh nghiệp đang hoạt động, chỉ có 13 doanh nghiệp Hải Phòng nằm trong Top 500 doanh nghiệp lớn nhất cả nước, và không có doanh nghiệp tư nhân nội địa nào lọt vào Top 100.

Cơ cấu doanh nghiệp chủ yếu là nhỏ và vừa, phần lớn có năng lực tài chính, công nghệ, quản trị còn hạn chế; tỷ lệ doanh nghiệp ứng dụng chuyển đổi số, công nghệ xanh còn thấp; khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu còn rất hạn chế.
Hơn thế nữa, trong bối cảnh thế giới ngày càng bất định: cạnh tranh thương mại, biến đổi khí hậu, chi phí sản xuất tăng cao, xung đột địa chính trị, lạm phát toàn cầu..., doanh nghiệp nội địa Hải Phòng đang đứng trước thách thức sống còn: Hoặc nâng cấp, đổi mới, vươn tầm – hoặc bị tụt lại phía sau trong chính sân nhà.
Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh – yêu cầu tất yếu trong phát triển doanh nghiệp hiện đại
Một trong những xu thế không thể đảo ngược của kỷ nguyên mới là chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Đây không chỉ là đòi hỏi về công nghệ, mà là sự thay đổi toàn diện mô hình sản xuất, quản trị và phát triển doanh nghiệp.
Từ năm 2024, thành phố Hải Phòng đã ban hành đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu đến năm 2030, tầm nhìn 2035. Song thực tế triển khai còn chậm, nhiều doanh nghiệp vẫn e ngại đầu tư công nghệ, thiếu đội ngũ nhân lực chất lượng cao, và đặc biệt là thiếu tầm nhìn chiến lược từ người đứng đầu.
Chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, tiêu chuẩn ESG (môi trường – xã hội – quản trị) cũng đang trở thành chuẩn mực mới trong tiếp cận vốn, thu hút đầu tư, và quan hệ đối tác toàn cầu. Tại Hải Phòng, mô hình KCN sinh thái Nam Cầu Kiền do doanh nhân Phạm Hồng Điệp sáng lập đang là một điển hình quốc gia về áp dụng công nghệ số, công nghệ xanh, tiêu chuẩn ESG từ lõi vận hành. Đây là minh chứng cho thấy: nếu có tư duy đột phá, doanh nghiệp Hải Phòng hoàn toàn có thể đi đầu.
Yêu cầu mới đối với doanh nhân Hải Phòng
Từ các phân tích trên, có thể thấy rõ: Muốn Hải Phòng trở thành trung tâm công nghiệp – dịch vụ – đổi mới sáng tạo hàng đầu, cần hình thành một đội ngũ doanh nhân bản lĩnh, có tinh thần dân tộc, tư duy hiện đại và khát vọng hội nhập. Cụ thể, đội ngũ doanh nhân Hải Phòng trong kỷ nguyên mới cần đáp ứng các yêu cầu sau:
- Tư duy chiến lược toàn cầu, hành động cụ thể địa phương: Doanh nhân Hải Phòng không chỉ kinh doanh trong địa bàn thành phố, mà phải định vị mình trong chuỗi cung ứng khu vực và quốc tế.
- Bản lĩnh vượt khó – tinh thần “dám nghĩ, dám làm”: Đặc trưng của người Hải Phòng là sự quyết đoán, kiên cường. Cần phát huy bản sắc này để vượt qua những rào cản trong hội nhập, chuyển đổi.
- Khả năng đổi mới sáng tạo và dẫn dắt công nghệ: Không thể chờ “bắt trend” – doanh nhân phải là người khởi tạo xu hướng, dấn thân vào công nghệ, dữ liệu và số hóa vận hành.
- Ý thức xã hội và văn hóa kinh doanh tử tế: Thời đại mới không chỉ đòi hỏi hiệu quả kinh doanh, mà còn cần đạo đức doanh nghiệp, văn hóa ứng xử chuẩn mực, trách nhiệm cộng đồng và gìn giữ môi trường.
- Khát vọng vươn tầm – xây dựng doanh nghiệp dân tộc: Không chỉ làm giàu cho cá nhân, mà cần có khát vọng xây dựng doanh nghiệp “của người Việt – do người Việt – vì người Việt”, góp phần khẳng định vị thế kinh tế Việt Nam trên trường quốc tế./.
Doanh nhân, Luật sư Phạm Hồng Điệp
Chủ tịch HĐQT Công ty CP Shinec
- Ra mắt MV "Biển gọi em về" mối lương duyên của TS. Doanh nhân Phạm Hồng Điệp và nhạc sĩ Xuân Bình
- Cựu chiến binh, Doanh nhân Phạm Hồng Điệp với lời căn dặn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp