ISSN-2815-5823
Ngọc Thiện
Thứ tư, 09h41 16/10/2024

Giá vàng hôm nay 16/10: Cuộc đua tích trữ vàng toàn cầu, vàng SJC tăng "sốc" cả triệu đồng

(KDPT) - Giá vàng thế giới vẫn giữ ở mức cao trong bối cảnh xung đột ở Trung Đông chưa có dấu hiệu ngừng lại,giá vàng trong nước cũng tăng "sốc" 1 triệu đồng/lượng.

Tại thời điểm 8 giờ 50 phút, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) công bố giá vàng miếng SJC ở mức 84 - 86 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 1 triệu đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm qua.

Tương tự, Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI công bố giá bán vàng miếng SJC ở mức 84 - 86 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 1 triệu đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm qua. Chênh lệch giá mua - bán vàng SJC tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), Tập đoàn DOJI ở ngưỡng 2 triệu đồng/lượng. 

Về giá vàng nhẫn, DOJI Hà Nội và TP.HCM giữ nguyên mức giá mua và bán của ngày hôm qua là 82,95 triệu đồng/lượng và 83,85 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Giá vàng hôm nay trên thế giới hiện dao động trên Kitco quanh mức 2.663 USD/ounce.

Giá vàng thế giới hôm nay 16/10.
Giá vàng thế giới hôm nay 16/10.

Giá vàng thế giới khá ổn định trong phiên giao dịch tại Hoa Kỳ khi thị trường chờ đợi thêm thông tin để đánh giá đà tăng của kim loại quý này. Giá vàng tháng 12 đã tăng thêm 1 USD ở mức 2.666,6 USD/ounce.

Đợt tăng giá trên thị trường chứng khoán Hoa Kỳ là yếu tố đưa giá vàng điều chỉnh do là một loại tài sản mang tính cạnh tranh. Trong khi đó ở Trung Đông, xung đột tại khu vực này vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. 

Trong khi nhu cầu về vàng của ngân hàng trung ương trên thế giới chậm lại trong những tháng gần đây so với mức mua kỷ lục được báo cáo trong nửa đầu năm, theo một cuộc thảo luận nhóm tại Hiệp hội thị trường vàng thỏi London (LBMA), nhu cầu về kim loại quý sẽ tiếp tục tăng mạnh.

Tại cuộc thảo luận nhóm tại Hội nghị kim loại quý LBMA năm 2024, Enkhjin Atarbaatar, Tổng giám đốc Bộ phận thị trường tài chính tại Ngân hàng Trung ương Mông Cổ; Marek Sestak, Phó giám đốc điều hành Bộ phận quản lý rủi ro tại Ngân hàng quốc gia Séc; và Joaquín Tapia, Giám đốc về Dự trữ quốc tế tại Banco de México, đều đồng thuận: vai trò của vàng như một tài sản dự trữ trong dự trữ ngoại hối toàn cầu sẽ tiếp tục tăng, mặc dù mỗi ngân hàng trung ương có quan điểm khác nhau về kim loại quý trong danh mục đầu tư.

Ngân hàng quốc gia Séc, cơ quan tích cực nhất trong ba ngân hàng trên, đã thực hiện một đợt mua sắm kéo dài 18 tháng với tổng cộng 32,8 tấn vàng kể từ tháng 3. Qua đó, ngân hàng này hiện nắm giữ 44,8 tấn vàng, chiếm 2,4% tổng dự trữ của quốc gia Châu Âu.

Ông Sestak nhắc lại kế hoạch của Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ales Michl nhằm tăng lượng vàng nắm giữ chính thức của quốc gia lên 100 tấn. 

Ngân hàng Mông Cổ cũng khá tích cực trên thị trường vàng khi tăng lượng vàng nắm giữ chính thức. Tuy nhiên, là một quốc gia sản xuất vàng, quốc gia Châu Á cũng bán một phần sản lượng trong nước. Theo dữ liệu của Hội đồng Vàng Thế giới, BoM nắm giữ 4,9 tấn vàng, chiếm 8,7% dự trữ chính thức của đất nước. Tính đến thời điểm hiện tại trong năm nay, BoM đã tăng dự trữ chính thức thêm 2,4 tấn và bán ra 3,5 tấn.

Trong cuộc thảo luận, ông Atarbaatar nhấn mạnh, vàng là một công cụ đa dạng hóa danh mục đầu tư của ngân hàng trung ương Mông Cổ.

"Tôi nghĩ rằng trong tương lai, dự trữ của chúng tôi sẽ tăng lên", ông nói, đồng thời đánh giá thêm, Mông Cổ có tiềm năng sử dụng lợi nhuận từ Quỹ đầu tư quốc gia để mua thêm vàng.

Tại Bắc Mỹ, Banco de México đã mua 0,5 tấn vàng trong năm nay. Tuy nhiên, phần lớn vàng của ngân hàng trung ương Mexico đã được mua vào năm 2011. Hiện tại, ngân hàng này nắm giữ 120,4 tấn, chiếm 4,2% dự trữ ngoại hối chính thức của mình.

Theo ông Tapia, ngân hàng trung ương Mexico coi vàng là một công cụ để đa dạng hóa do tương quan thấp với các loại tài sản và tiền tệ khác. Ông nói thêm rằng, Mexico đã hoạt động trên thị trường vàng bằng cách sử dụng các công cụ phái sinh để phòng ngừa rủi ro cho các khoản nắm giữ của mình.

Ông nhận định, lãi suất giảm và bất ổn địa chính trị là hai yếu tố khiến giá vàng có tiềm năng tăng hơn nữa: "Trong tương lai, việc tăng cường tìm đến vàng do bất ổn địa chính trị có thể là điều hợp lý".

Hội thảo cũng thảo luận về sức hấp dẫn ngày càng tăng của vàng như một loại tiền tệ toàn cầu khi các quốc gia tìm kiếm các lựa chọn thay thế cho đồng đô la Mỹ. Ông Sestak thừa nhận, mặc dù đồng USD vẫn sẽ là một loại tiền tệ dự trữ quan trọng, nhưng nền kinh tế toàn cầu đang dần chuyển sang thế giới lưỡng cực, điều này sẽ hỗ trợ nhu cầu về vàng.

Ông Atarbaatar lưu ý, Mông Cổ hiện nắm giữ 80% dự trữ của mình bằng tài sản đô la Mỹ. Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt đối với Nga đã hạn chế khả năng sử dụng các khoản dự trữ đó. Nguyên nhân bởi Mông Cổ không giáp biển nên phải nhập toàn bộ dầu từ Nga, với giao dịch được thực hiện bằng đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc.

"Chúng tôi không thể sử dụng đồng đô la Mỹ", ông nói. "Nếu bạn không thể sử dụng nó, thì nó thực sự có giá trị gì?"

Ông Atarbaatar cũng cảnh báo về nguy cơ ngày càng tăng của các lệnh trừng phạt lần hai. Một số ngân hàng Trung Quốc đã phải ngừng giao dịch với Nga để tránh mất quyền tiếp cận các thị trường khác trên thế giới, khiến Mông Cổ khó giao dịch bằng đồng Nhân dân tệ.

Với những thách thức này, ông Atarbaatar cho rằng, trong một kịch bản giả định, các ngân hàng trung ương có thể sử dụng vàng để thanh toán thương mại quốc tế./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 18/10/2024