Giá vàng thường diễn biến ra sao sau khi lập đỉnh mới?
Thị trường vàng trong nước liên tục “nóng” trong những ngày qua. Giá vàng miếng SJC biến động mạnh, tăng tới 5-7 triệu đồng/lượng trong vài ngày sau đó giảm sốc, hoạt động mua bán trở nên lộn xộn.
Trên thị trường, đại biểu Quốc hội sốt ruột với sự nhảy múa của giá vàng, đồng thời lo ngại tình trạng giá vàng tăng đột biến có thể kéo theo tăng chi phí hàng hóa. Theo đó, nhiều giải pháp đã được đưa ra như tăng trường thanh, kiểm tra chuyên ngành đối với thị trường vàng, chấn chỉnh và xử lý các vi phạm trong sản xuất, kinh doanh vàng miếng... Tuy nhiên, hoạt động đấu thầu vàng của Ngân hàng Nhà nước dường như chưa có tác động tích cực lên thị trường vàng. Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới quy đổi theo tỷ giá ngân hàng vẫn ở mức cao.
Có thể thấy, đây không phải lần đầu tiên nhà đầu tư chịu lỗ khi “đu đỉnh” vàng miếng. Một thống kê cho thấy, mỗi khi vàng SJC lập đỉnh giá mới luôn đi kèm với những cơn rung lắc mạnh sau đó.
Nhìn lại quá khứ, hồi tháng 7/2011, giá vàng chạm 40 triệu đồng và tiếp tục tăng sau đó. “Cơn sốt” vàng lan tỏa khắp nơi khiến người dân đổ xô đi rút tiền từ ngân hàng để mua vàng đầu cơ. Đến thời điểm cuối năm 2012, thị giá có lúc vượt 48 triệu đồng mỗi lượng, nhiều ngày khi nhận biên độ tăng đến vài triệu đồng.
Trong bối cảnh thị trường quay cuồng, Ngân hàng Nhà nước công bố quản lý thương hiệu vàng SJC, giữ độc quyền trong sản xuất kinh doanh vàng miếng, đồng thời không cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu vàng nguyên liệu.
Sau khi quy về một mối, giá vàng miếng lao dốc không phanh, thậm chí nhiều phiên giảm tới 500-800 nghìn đồng/lượng - tương đương hơn một nửa mức lương cơ sở ở thời điểm đó.
Trong suốt giai đoạn từ 2013 đến nửa đầu năm 2019, giá vàng dao động ở mức dưới 40 triệu đồng, có thời điểm về sát 32 triệu đồng, tức giảm hơn 33% so với mức đỉnh.
Chu kỳ tiếp theo khởi động từ tháng 7/2020, qua đó kéo giá vàng vượt mốc 50 triệu đồng. Chỉ sau 1 tháng, vùng giá mới đã được thiết lập, đỉnh điểm lên đến hơn 62 triệu đồng. Tuy nhiên, mức giá này chỉ duy trì được trong khoảng 1 phiên. Chỉ qua một đêm, giá vàng rớt tới hơn 2 triệu đồng mỗi lượng. Liên tiếp các phiên sau đó, giá vàng rung lắc mạnh hàng trăm nghìn đến cả triệu đồng rồi đi ngang trong vùng 50 triệu đồng suốt thời gian dài sau đó.
Hơn 1 năm sau, giá vàng thành công vượt 60 triệu đồng và dần tiến lên mức đỉnh hơn 68 triệu đồng vào đầu năm 2023. Kịch bản mất giá hàng trăm nghìn đồng tiếp tục được ghi nhận. Sau đó, giá vàng cũng đi ngang suốt thời gian dài.
Đến cuối năm 2023, giá kim loại quý lại ghi nhận đợt biến động mạnh. Sau khi vượt 70 triệu đồng vào hồi giữa tháng 10/2023, giá vàng liên tục rung lắc trước khi kiểm tra thành công vùng đỉnh mới.
Thị trường vàng trong 2 tuần cuối của năm 2023 quay cuồng khi biểu đồ thị giá gần như lập kỷ lục mới mỗi ngày. Riêng trong phiên 26/12, vàng miếng SJC tăng từng giờ và vượt mốc 80 triệu đồng vào cuối phiên sáng.
Tương tự những lần chạm mốc 60 triệu và 70 triệu đồng, giá vàng “nhảy múa” liên tục sau khi leo lên mốc mới. Tuy nhiên, thay vì giữ được trong vài phiên, giá mới chỉ được giao dịch trong vỏn vẹn vài giờ. Sau hơn 3 tiếng, giá vàng thủng mốc 80 triệu đồng, thậm chí, giá liên tục đi xuống mạnh sau 1 đêm. Ba ngày sau, giá vàng rơi tự do về 74 triệu đồng/lượng. Vàng miếng SJC chủ yếu giao dịch dưới 80 triệu đồng trong suốt 2 tháng đầu năm, trước khi bước vào chu kỳ tăng giá mới hiện tại.
Giá vàng miếng SJC lâu nay thường biến động khó lường và lệch pha với thế giới. Nguyên nhân được cho là bởi nguồn cung hạn chế, do chỉ có một số lượng vàng miếng không đổi lưu thông trên thị trường trong hàng chục năm qua, nằm trong két người dân hoặc được mua đi bán lại. Chỉ đến gần đây, nguồn cung mới được tăng thêm thông qua việc đấu thầu, nhưng cũng chưa đáng kể (cung ra 6.800 lượng trên tổng mời thầu là 84.000 lượng).
Ông Huỳnh Trung Khánh - Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng cho biết, rất khó để dự báo chính xác diễn biến giá vàng SJC trong ngắn hạn. Theo vị chuyên gia, xu hướng điều chỉnh giá trong các phiên tới phụ thuộc lớn vào tính hiệu quả của các phiên đấu thầu. Trong trường hợp các phiên đấu thầu vẫn “ế ẩm” vì giá sàn cao, thì giá vàng miếng SJC vẫn cao. Còn trong kịch bản nhà điều hành giảm giá sàn xuống thấp hơn so với thị trường, giá kim loại quý có thể sẽ hạ nhiệt.
Lãnh đạo của một doanh nghiệp vàng có trụ sở tại TP.HCM cho biết, với mức độ biến động hiện nay, quyết định mua sẽ phụ thuộc vào tâm lý cũng như khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư. Vị lãnh đạo này cho rằng, mỗi người nên tự trả lời câu hỏi: Nếu không mua vàng bây giờ, vài ngày nữa giá tăng liệu có tiếc không? Ngược lại, nếu mua vào, vài ngày sau giá giảm liên tiếp có chịu nổi không?
Ông Nguyễn An Huy - chuyên gia tư vấn có kinh nghiệm về thị trường vàng thuộc công ty FIDT cũng cho rằng, việc đầu tư nên phụ thuộc vào tài chính cá nhân của mỗi người, không nên dựa vào dự đoán diễn biến giá vàng thời điểm này. Vị chuyên gia khuyến nghị, một người dân ở tầng lớp trung lưu chỉ nên nắm giữ kim loại quý với tỷ trọng 5-10% tổng tài sản.
Có thể thấy, điều mà nhiều người quan tâm hiện nay đó là xu hướng giá vàng thế giới trong thời gian tới sẽ diễn biến ra sao? Những biến động của giá vàng thế giới được xem là yếu tố chính tác động tới giá vàng miếng SJC trong nước khi mức chênh lệch giữa giá trong nước và thế giới chưa thể kéo xuống thấp./.
- Cơn sốt vàng bao phủ khắp thế giới bất chấp mức giá cao kỷ lục
- Vợ chồng trẻ tiết kiệm tiền để đầu tư vàng và đất như thế nào?
- Chuyên gia phân tích và đề xuất nhiều giải pháp để bình ổn thị trường vàng