ISSN-2815-5823
Huyền Nguyễn
Thứ tư, 06h00 15/05/2024

Chứng khoán đang chịu ảnh hưởng xấu từ việc giá vàng tăng “nóng”

(KDPT) - Chuyên gia cho rằng, giá vàng tăng chóng mặt đã khiến tỷ giá USD/VND tiếp tục đi lên, gián tiếp gây ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường chứng khoán trong nước.

Nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) chỉ ra, sau phiên tăng bứt tốc vào đầu tuần, thị trường chứng khoán đi ngang với biên độ khá lớn khoảng 20 điểm. Tuần qua ghi nhận diễn biến chủ đạo là trạng thái giằng co khi áp lực bán và lực cầu gia tăng khiến cho VN-Index biến động liên tục.

Nhóm bluechip chưa thực hiện tốt nhiệm vụ nâng đỡ thị trường khi hầu hết đều giảm. Ngược lại, nhiều cổ phiếu mid-cap lại thể hiện việc thu hút dòng tiền tốt hơn. Trong tuần, một số nhóm ngành tăng điểm ổn định như điện, dầu khí, may mặc. Kết thúc tuần qua, VN-Index đóng cửa ở mức 1.244,7 điểm, tăng 23,6 điểm (+1,9%).

Một số nhóm ngành tăng điểm ổn định như điện, dầu khí, may mặc. (Ảnh minh họa)
Một số nhóm ngành tăng điểm ổn định như điện, dầu khí, may mặc. (Ảnh minh họa)

Tiếp tục tích lũy

Theo VCBS, chỉ số chính tuần qua giao dịch giằng co đi ngang ở ngưỡng kháng cự là 1.250 điểm. Với khung đồ thị ngày, các chỉ báo thể hiện thị trường vẫn trong trạng thái tích lũy tốt, chưa ghi nhận biến động mạnh ở thời điểm hiện tại.

Với khung đồ thị giờ, các chỉ báo cho thấy chỉ số đang trong xu hướng zig zag đi lên và hiệu chỉnh tích lũy. Thị trường vừa trải qua một tuần giao dịch đi ngang và rung lắc với biên độ 10-20 điểm, thể hiện động lực tích lũy tương đối ổn định. Qua đó, VCBS khuyến nghị nhà đầu tư cân nhắc giải ngân từng phần với các cổ phiếu có tín hiệu kiểm định thành công vùng hỗ trợ hoặc vượt mức kháng cự thuyết phục và có dấu hiệu thu hút dòng tiền mới.

Nhiều khả năng vẫn xảy ra diễn biến giằng co trồi sụt trong phiên. Vì vậy, nhà đầu tư có thể tận dụng các nhịp điều chỉnh để giải ngân với giá tốt hơn. Thời điểm này cần lưu ý một số ngành như điện, thực phẩm, may mặc.

Công ty Chứng khoán Yuanta cũng lạc quan khi cho rằng, thị trường sẽ lấy lại đà tăng trong phiên tiếp theo, chỉ số VN30 có thể tiến tới mức 1.285 điểm. Các chuyên gia của Yuanta kỳ vọng VN30 sớm vượt hoàn toàn mức kháng cự 1.285 điểm ở phiên giao dịch tới.

Rủi ro ngắn hạn hiện đang còn thấp, việc dòng tiền tập trung chính vào nhóm vốn hóa vừa và nhỏ cho thấy dòng tiền sẽ không rút khỏi thị trường và đang tìm cơ hội với từng cổ phiếu. Các nhà đầu tư ngắn hạn vẫn có thể nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục và nắm bắt nhịp điều chỉnh giảm để mua vào.

Với đồ thị tuần, VN-Index đóng cửa phiên cuối tuần qua tăng 1,9% với khối lượng giao dịch tăng so với 2 tuần gần nhất. Thị trường đang trong giai đoạn tích lũy trung hạn, song có thể đang ở giai đoạn sóng tăng 5. Yuanta kỳ vọng các chỉ số có thể lấy lại mức đỉnh cũ. Các nhà đầu tư trung hạn có thể xem xét nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức cân bằng.

Công ty Chứng khoán Rồng Việt lại cho rằng, thị trường chưa thể vượt qua mức cản, việc giằng co quanh khu vực này kéo dài có thể khiến rủi ro gia tăng.

Việc thanh khoản tiếp tục giảm cũng phản ánh nỗi lo về rủi ro này, nhưng nhìn chung nguồn cung sẽ không gây áp lực lớn và còn trong trạng thái chờ đợi. Trong tuần giao dịch này, trạng thái lưỡng lự có thể tiếp diễn trước khi một trong hai phe giành ưu thế tại vùng giá quanh 1.250 điểm.

Các chuyên gia khuyến nghị quan sát diễn biến cung cầu để đánh giá trạng thái thị trường. Tạm thời nhà đầu tư nên cân nhắc diễn biến phục hồi đề chốt lời hoặc cơ cấu lại danh mục.

Tâm lý phòng thủ của nhà đầu tư

Theo ông Trần Lâm Bình - Chuyên gia phân tích từ Học viện New World Education, trạng thái đảo chiều của chỉ số VN-Index tuần qua đến từ 2 nguyên nhân chính là áp lực chốt lời ngắn hạn ở vùng kháng cự mạnh của các nhà đầu tư lướt sóng đã tham gia tại vùng 1.165 điểm; và áp lực bán của khối ngoại vì tỷ giá vẫn đang ở mức cao.

Tính từ ngày 19/4 (thời điểm VN-Index chạm đáy) đến nay, chỉ số này tăng một mạch 90 điểm, từ 1.165 lên 1.255 điểm. Trên đồ thị ngày, việc giao động trên mức giá trung bình 200 ngày thể hiện việc VN-Index vẫn duy trì được xu hướng tăng dài hạn.

Kết phiên cuối tuần qua, đồ thị VN-Index xuất hiện mô hình đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước. Theo lý thuyết Dow, chuyên gia lý giải việc đồ thị biến động như vậy có thể báo hiệu xu hướng tăng hiện tại đang yếu dần và cảnh báo khả năng đảo chiều giảm. 

Tuy nhiên, diễn biến hiện tại cho thấy, chỉ báo sức mạnh RSI chưa đạt vùng quá mua, không có phân kỳ với giá nên chưa cho thấy tín hiệu tạo đỉnh. Do đó, có thể thị trường không đang trong giai đoạn đi xuống mà chỉ xuất hiện sự rung lắc, điều chỉnh tích lũy trong xu hướng tăng dài hạn.

Diễn biến của thị trường vàng trong nước đang phản ánh tâm lý phòng thủ của nhà đầu tư. (Ảnh minh họa)
Diễn biến của thị trường vàng trong nước đang phản ánh tâm lý phòng thủ của nhà đầu tư. (Ảnh minh họa)

Theo ông Bình, diễn biến của thị trường vàng trong nước đang phản ánh tâm lý phòng thủ của nhà đầu tư. Giá vàng tăng mạnh thì tỷ giá USD/VND cũng đi lên và gián tiếp ảnh hưởng tiêu cực tới chỉ số chứng khoán.

Ngoài ra, áp lực từ khối ngoại do lo ngại lãi suất và tỷ giá tăng, thanh khoản giảm sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới định giá chứng khoán. Trong bối cảnh hiện tại, ông Bình nhận định thị trường chứng khoán tuần này sẽ có sự điều chỉnh tích lũy với mức giảm từ 20-30 điểm và cân bằng lại ở vùng 1.210-1.225 điểm. Diễn biến tiếp theo sẽ phụ thuộc vào những thông tin tới từ thị trường vàng, tỷ giá và lãi suất.

Trong quý II, thị trường được dự đoán diễn biến theo chiều hướng giằng co đi lên, có thể chạm vùng 1.400 điểm vào cuối tháng 8 nhờ khả năng Fed thể hiện ý định giảm lãi suất sớm. 

Tỷ lệ lạm phát sẽ là trợ lực quan trọng ảnh hưởng tới thị trường. Tốc độ gia tăng tỷ lệ này từ 3,97% tháng 3 lên 4,42% vào tháng 4 thể hiện việc lạm phát cần được chú ý và kiềm chế tốt hơn thì thị trường chứng khoán mới có thể tăng trưởng.

Nếu lạm phát dưới 4% thì dù lợi nhuận doanh nghiệp không tăng nhưng thị trường chứng khoán vẫn có thể đạt 1.256 điểm. Nếu lợi nhuận doanh nghiệp tăng 10% thì chỉ số có thể đạt 1.396 điểm./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine