ISSN-2815-5823
Tiến Minh
Thứ sáu, 06h00 05/04/2024

Giải bài toán tài chính toàn diện của Fintech như thế nào?

(KDPT) - Sự tham gia của các Fintech đã và đang mở ra nhiều cơ hội góp phần tạo ra một hệ thống tài chính toàn diện hơn với chi phí thấp, mức độ tiếp cận tốt hơn và nhiều tiện ích cho khách hàng.

Lợi ích thiết thực

Ông Trần Công Quỳnh Lân - Phó tổng giám đốc VietinBank. (Ảnh: CTG)
Ông Trần Công Quỳnh Lân - Phó tổng giám đốc VietinBank. (Ảnh: CTG)

Nhận định về sự phát triển của ngân hàng số trong thời gian gần đây, ông Trần Công Quỳnh Lân - Phó tổng giám đốc VietinBank cho biết, việc liên kết với các Fintech và doanh nghiệp kết nối của ngân hàng số đang được mở rộng nhằm phát triển các sản phẩm, dịch vụ thanh toán như: Vé máy bay, hóa đơn thương mại điện tử, đặt vé tàu hỏa, vé xe, viện phí, học phí, tiền điện, nước… các sản phẩm dịch vụ tài chính như thanh toán khoản vay, gửi tiết kiệm online, chứng chỉ quỹ…

Với việc cung cấp đa dạng sản phẩm dịch vụ cho người tiêu dùng, sự hợp tác giữa các ngân hàng với các công ty công nghệ tài chính đã tạo ra thế mạnh không chỉ mang đến lợi ích cho ngân hàng, Fintech mà nhiều nhất chính là khách hàng.

Sự kết hợp ngân hàng với Fintech đang là xu hướng của rất nhiều ngân hàng trên thế giới.
Sự kết hợp ngân hàng với Fintech đang là xu hướng của rất nhiều ngân hàng trên thế giới.

Theo Ngân hàng Nhà nước, sự kết hợp ngân hàng với Fintech đang là xu hướng của rất nhiều ngân hàng trên thế giới. Ngoài việc có những dịch vụ mới mà làn sóng Fintech mang lại thì sự hợp tác này cũng giúp cho hai bên ngân hàng - Fintech tận dụng được thế mạnh của nhau. Điểm nổi bật của Fintech là tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính cho người tiêu dùng nên có thể xem Fintech trở thành “cánh tay nối dài” của các ngân hàng tới những khách hàng chưa có tài khoản ở ngân hàng truyền thống hay những đối tượng chưa tiếp cận dịch vụ truyền thống (unbanked).

Trong chiến lược phát triển quốc gia thì nhiệm vụ phát triển kinh tế số được đặt ở mức ưu tiên cao. Là quốc gia với gần 100 triệu dân đang ở trong thời kỳ dân số vàng, Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế số và đây chính là cơ hội cho các Fintech tham gia nhiều lĩnh vực như: Ví điện tử, hỗ trợ thu chi hộ, cho vay ngang hàng, chuỗi khối (blockchain)… Các chuyên gia nhận định rằng, các công ty fintech hiện nay không chỉ đơn thuần là một trung gian thanh toán mà đã trở thành nhà cung cấp các giải pháp công nghệ quản lý kinh doanh cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa và siêu nhỏ nhằm tiết kiệm chi phí, hỗ trợ thanh toán không dùng tiền mặt.

Các công ty Fintech tạo ra những sản phẩm kết nối, tích hợp các giải pháp marketing và thanh toán điện tử. (Ảnh: Tạp chí tài chính)
Các công ty Fintech tạo ra những sản phẩm kết nối, tích hợp các giải pháp marketing và thanh toán điện tử. (Ảnh: Tạp chí tài chính)

Số liệu từ một báo cáo thị trường kinh doanh ẩm thực tại Việt Nam của CTCP iPOS.vn cho thấy, năm 2022 có đến 99% doanh nghiệp kinh doanh trong ngành thực phẩm và đồ uống (F&B) gặp khó khăn về vận hành, trong đó, gần 50% gặp khó trong quản lý thu, chi và thất thoát nguyên vật liệu, 37,3% gặp khó khi làm marketing. Thực tế này đã khiến các công ty Fintech tạo ra những sản phẩm kết nối, tích hợp các giải pháp marketing và thanh toán điện tử.

Ông Nguyễn Bá Diệp - đồng sáng lập ví MoMo cho biết, một trong những sản phẩm đã thể hiện được mục tiêu tài chính toàn diện là ví trả sau liên kết với ngân hàng để cho vay. Ông Diệp cho biết, sản phẩm tiêu dùng trước trả nợ sau đã đáp ứng vốn vay phục vụ đời sống cho hàng triệu người tiêu dùng trong các nhu cầu thanh toán chi phí thiết yếu như điện, nước, ăn uống hàng ngày…

Hiện nay thị trường có khoảng 38 sản phẩm ví điện tử, mỗi sản phẩm có nhóm phân khúc khách hàng riêng song giới chuyên gia tài chính đánh giá sản phẩm dịch vụ ví điện tử có số lượng và giá trị giao dịch lớn chỉ khoảng 4-5 sản phẩm. Đối tượng sử dụng ví điện tử phần lớn là người dùng trẻ và chủ yếu phát triển ở các đô thị lớn, trong đó MoMo và ZaloPay đang chiếm 70% thị phần thanh toán của các công ty Fintech.

Tạo hệ thống tài chính toàn diện hơn

Hiện nay thị trường có khoảng 38 sản phẩm ví điện tử, mỗi sản phẩm có nhóm phân khúc khách hàng riêng.
Hiện nay thị trường có khoảng 38 sản phẩm ví điện tử, mỗi sản phẩm có nhóm phân khúc khách hàng riêng.

Giới tài chính nhận định với các biện pháp khuyến khích và tìm kiếm lợi nhuận đang thúc đẩy các Fintech tạo ra một hệ thống tài chính toàn diện hơn. TS. Nguyễn Thị Thùy Hương - Học viện Tài chính trong phân tích, trong nhiều giải pháp thì quan trọng nhất là phải hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động Fintech. Vị này cho rằng, trong khi chờ đợi khung pháp lý hoàn chỉnh bao trùm đối với lĩnh vực Fintech cần đẩy nhanh việc ban hành, triển khai cơ chế thử nghiệm những mô hình Fintech.

Mới đây, tại dự thảo Nghị định quy định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đề xuất 3 lĩnh vực được thử nghiệm giải pháp Fintech. Các giải pháp Fintech gồm Chấm điểm tín dụng; Chia sẻ dữ liệu qua giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API); Cho vay ngang hàng (P2P Lending). Đây là những tiền đề để tạo cơ sở pháp lý cho sự phát triển về hoạt động Fintech.

Việc đa dạng hóa sản phẩm Fintech cần được chú trọng.
Việc đa dạng hóa sản phẩm Fintech cần được chú trọng.

Việc đa dạng hóa sản phẩm Fintech cần được chú trọng. Các sản phẩm của Fintech chủ yếu là thanh toán và chuyển tiền, trên cơ sở này cần mở rộng các sản phẩm tiềm năng khác như: Quản lý tài chính, cho vay, tiết kiệm... đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. Chuyên gia cũng cho rằng, các sản phẩm của Fintech nên tập trung hướng tới các phân khúc khách hàng là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, siêu nhỏ, khách hàng cá nhân. Đồng thời tăng cường cơ hội tiếp cận tài chính cho người dân tốt hơn bằng việc kết hợp hợp tác giữa Fintech và ngân hàng để tạo ra các giá trị gia tăng.

Đại diện một doanh nghiệp công nghệ cho hay, để Fintech thực sự trở thành động lực cho tài chính toàn diện phải có công tác tuyên truyền tới mọi người dân để hiểu mà nắm được những lợi ích mà các dịch vụ sản phẩm của Fintech mang lại, tránh những hiểu nhầm, hiểu sai của loại hình tài chính này. Bên cạnh đó, theo vị này, cần xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng tài chính bền vững tạo điều kiện phát triển đa dạng sản phẩm, dịch vụ và kênh phân phối hiện đại. Hạ tầng công nghệ cần phải được nâng cấp để tương thích với nền tảng hiện đại như: Ngân hàng điện tử, ngân hàng di động…/.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 17/05/2024