ISSN-2815-5823

Giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% chưa được như kỳ vọng

(KDPT) - Thuộc chương trình hồi phục kinh tế, gói hỗ trợ lãi suất 2% chỉ mới giải ngân được khoảng 1.218 tỷ đồng sau năm 2023, tức khoảng 3,05% tổng quy mô chính sách 40.000 tỷ đồng.

Nhiều ý kiến đề xuất cần cân nhắc thay đổi gói hỗ trợ nếu không dùng hết sang hình thức, chính sách hỗ trợ khác có thể triển khai và còn dư địa.

Mới giải ngân được 3%

Vừa qua, Chính phủ đã có báo cáo gửi Quốc hội tổng kết tình hình triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 về chính sách tiền tệ, tài khóa Chương trình hồi phục và phát triển kinh tế xã hội.

Theo báo cáo này, doanh số hỗ trợ lãi suất tính đến năm 2023 đạt khoảng 240.000 tỷ đồng, dư nợ hỗ trợ lãi suất đạt hơn 61.000 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu chương trình, số tiền hỗ trợ lãi suất đạt khoảng 1.218 tỷ đồng (ứng với khoảng 3,05% tổng quy mô chính sách), dành cho gần 2.300 khách hàng.

Theo đó, còn 38.782 tỷ đồng nằm trong gói hỗ trợ không dùng hết. Tính đến cuối năm 2023, con số giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% nhích thêm không đáng kể so với thời điểm mà Chính phủ báo cáo Quốc hội vào tháng 10/2023. Ở thời điểm cuối tháng 10/2023, gói này thực hiện giải ngân 873 tỷ đồng. Khi đó, Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép triển khai tiếp gói hỗ trợ lãi suất này đến hết năm.

Gói hỗ trợ lãi suất 2% chỉ mới giải ngân được khoảng 1.218 tỷ đồng sau năm 2023.
Gói hỗ trợ lãi suất 2% chỉ mới giải ngân được khoảng 1.218 tỷ đồng sau năm 2023.

Với nguồn lực là 40.000 tỷ đồng, Chính sách hỗ trợ lãi suất 2% qua hệ thống các ngân hàng thương mại. Theo đánh giá của Bộ KH&ĐT, các NHTM đã triển khai chính sách này theo quy định nhưng vẫn còn một số hạn chế.

Về nguyên nhân khiến gói hỗ trợ lãi suất 2% chưa được như kỳ vọng, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết doanh nghiệp đủ điều kiện thì không muốn vay do kinh tế khó khăn, trong khi đơn vị muốn vay lại không đáp ứng được tiêu chí điều kiện. Một nút thắt khác là quy định dự án có thể hồi phục mới được vay vốn, nên cả bên cho vay và người đi vay đều ngại, không rõ nên hiểu như thế nào cho đúng.

Quy định cho thấy doanh nghiệp muốn được giảm lãi 2% phải chứng minh được khả năng hồi phục, trả nợ trước tình hình khó khăn chung của nền kinh tế, nhiều doanh nghiệp nhỏ có thể đáp ứng được đề nghị này. Chẳng hạn như Công ty Xuất nhập khẩu thuỷ sản Thanh Hoá nằm trong nhóm được hỗ trợ lãi suất 2%, đã được ngân hàng giảm lãi một phần gói vay. Thế nhưng, doanh nghiệp đã bị dừng hỗ trợ do hoạt động xuất khẩu suy giảm.

Theo phản ánh của lãnh đạo một số ngân hàng, số lượng khách hàng thuộc đối tượng đủ điều kiện hỗ trợ tương đối lớn trong quá trình rà soát hồ sơ song kết quả hỗ trợ lãi suất lại vô cùng thấp. Có ngân hàng thậm chí ghi nhận số tiền hỗ trợ lãi suất bằng 0.

Theo đại diện một Công ty TNHH ở Hà Nội, việc tiếp cận với gói lãi suất ưu đãi cần thủ tục phức tạp chẳng hạn như hợp đồng kinh tế, báo cáo tài chính, phiếu nhập xuất kho, hóa đơn đặt hàng, hóa đơn chuyển tiền… không phù hợp với doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Chính sách hỗ trợ lãi suất này có kết quả triển khai thấp.
Chính sách hỗ trợ lãi suất này có kết quả triển khai thấp.

Vị đại diện này cho biết đa số doanh nghiệp nhỏ là doanh nghiệp gia đình, cơ cấu gọn nhẹ, không qua máy móc theo dõi hàng tháng, hay không có hóa đơn, người dân nông thôn vẫn có thói quen trả bằng tiền mặt. Muốn có hợp đồng, báo cáo, hóa đơn chuẩn chỉnh thì sẽ có chi phí thuê kế toán khiến thu nhập doanh nghiệp giảm đi.

Dịch chuyển nguồn sang gói hỗ trợ khác

Việc xác định đối tượng khó khăn nên ngân hàng cũng không thể giải ngân dù rất muốn. Do đó, gói hỗ trợ lẽ ra rất cấp bách đã lỡ tính thời điểm. Chính phủ cũng báo cáo các nguyên nhân rõ ràng khiến chính sách này có kết quả triển khai thấp.

Báo cáo nêu rõ rằng có khách được hỗ trợ lãi suất, song tình hình sản xuất kinh doanh sụt giảm, gây ảnh hưởng tới các tiêu chí đánh giá về hồi phục, khiến khách hàng và ngân hàng thương mại e ngại việc bị các cơ quan thanh tra, kiểm tra cho rằng trục lợi về chính sách. Mặt khác, một số doanh nghiệp có lợi nhuận, doanh thu ở giai đoạn dịch bệnh cao hơn hiện nay, do vậy khó đánh giá đáp ứng tiêu chí hồi phục.

Ngoài ra, nhiều hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vay vốn ở các NHTM, song không đăng ký hộ kinh doanh, do đó không thuộc nhóm hỗ trợ. Chẳng hạn như Ngân hàng Agribank có 50% dư nợ khách hàng hộ sản xuất kinh doanh không có đăng ký kinh doanh.

Ngoài ra, nhấn mạnh rằng trình Quốc hội hủy dự toán, kế hoạch vốn, không huy động nguồn lực và không làm tăng bội chi tương ứng với số vốn này sau khi kết thúc thời gian giải ngân kế hoạch năm 2022 và năm 2023 với số vốn không giải ngân hết của chính sách.

Tại thời điểm 31/12/2023, gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng sẽ hết hiệu lực. Nhiều quan điểm đã kiến nghị cần có những thay đổi từ gói này để chính sách phát huy hiệu quả, giúp nguồn tiền ngân sách được kịp thời sử dụng, hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân hồi phục kinh tế.

Theo nhiều chuyên gia và đại biểu Quốc hội cũng kiến nghị không tiếp tục sửa các điều kiện, tiêu chí để hưởng hỗ trợ lãi suất 2%. Thay vào đó, cơ quan chức năng có thể nghiên cứu và chuyển nguồn ngân sách sang cho các chính sách khác có thể thực hiện, còn dư địa để triển khai.

Người dân, doanh nghiệp muốn hỗ trợ thuế, phí trực tiếp

PGS.TS Trần Hoàng Ngân cho biết việc miễn giảm thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất là các chính sách hỗ trợ rất thiết thực và hiện đang có hiệu quả trong hỗ trợ doanh nghiệp. Qua đó, giúp hồi phục kinh tế hiệu quả nhất hậu đại dịch và trực tiếp ảnh hưởng đến người tiêu dùng.

Khảo sát DN của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết chỉ có 29,5% doanh nghiệp biết đến chính sách này, trong đó có 2% doanh nghiệp đã nhận được khoản vay theo Chương trình hỗ trợ lãi suất 2%, và 56,7% doanh nghiệp gặp khó khi triển khai thủ tục tiếp cận khoản vay theo gói hỗ trợ này. VCCI cho biết, nhu cầu được hỗ trợ có thể thay đổi so với trước, doanh nghiệp muốn được trực tiếp hỗ trợ hay giảm phí, thuế, thay vì là hỗ trợ lãi suất.

Chính phủ vừa qua cũng có Tờ trình trình Quốc hội cân nhắc việc cho phép triển khai chính sách giảm 2% thuế suất thuế VAT với một số nhóm hàng và dịch vụ thêm 6 tháng cuối năm 2024, thay vì chỉ đến hết tháng 6 năm nay.

Người dân, doanh nghiệp muốn hỗ trợ thuế, phí trực tiếp, thay vì lãi suất.
Người dân, doanh nghiệp muốn hỗ trợ thuế, phí trực tiếp, thay vì lãi suất.

Chính phủ cho biết việc quyết liệt tập trung thực hiện và đồng bộ giải pháp về chính sách tài chính thời gian qua đã có ảnh hưởng tích cực trong việc hỗ trợ người dân và doanh nghiệp ổn định tình hình sản xuất, kinh doanh, đời sống của người dân được trở lại bình thường, giúp ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện tốt để hồi phục và tăng trưởng kinh tế.

Việc các chính sách tài khóa, giãn, hoãn nợ, giảm phí, thuế được kéo dài sẽ tạo trợ lực mới đối với tăng trưởng tiêu dùng và xuất khẩu.

Mặt khác, theo ông Nguyễn Như So thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh, cần có biện pháp dài hơi hơn, mạnh hơn, chỉ giảm xuống 8% như vừa qua là chưa đủ mà chỉ nên là 5-6%.

Đó là biện pháp gián tiếp phù hợp với bối cảnh hiện nay và hỗ trợ giải quyết thách thức, khó khăn năm 2024, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh và kích cầu nội địa.

Đối với người tiêu dùng, ở mỗi tờ hóa đơn mua sắm, ăn uống có ghi chi tiết phần giảm thuế VAT còn 8%, qua đó, người tiêu dùng tính toán được số tiền mà mình tiết kiệm được.

Về phía doanh nghiệp, việc giảm thuế này cùng với các giải pháp phí, thuế, lệ phí khác đã tạo điều kiện rất lớn giúp giảm thiểu chi phí sản xuất.  Nhiều nguyên vật liệu đầu vào của doanh nghiệp sản xuất cũng được hưởng lợi từ chính sách thuế này, theo đó giúp tăng khả năng kích cầu và tăng lợi nhuận./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 23/11/2024