Dòng tiền vào chứng khoán không bị ảnh hưởng khi lãi suất tăng
Một số ngân hàng tăng lãi suất
SSI Research công bố dữ liệu cho thấy, lãi suất trên thị trường 2 tăng mạnh trong tháng vừa qua, khi bình quân kỳ hạn qua đêm lên đến 4,13% so với mức 0,88% vào tháng 3. Lãi suất tăng mạnh trong bối cảnh thanh khoản toàn hệ thống trở nên căng thẳng sau khi Ngân hàng Nhà nước hút bớt thanh khoản tạm thời trên hệ thống.
Còn ở thị trường 1, lãi suất huy động cũng tăng cục bộ từ 20-50 điểm cơ bản tại một số ngân hàng thương mại. Lãi suất trong kỳ hạn 12 tháng cho khách hàng tổ chức vẫn ở mức khá thấp, chỉ 4,2% tại 4 ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước, 4,3% tại các ngân hàng thương mại cổ phần lớn và 4,6% tại các ngân hàng thương mại khác.
Qua trao đổi, một chuyên gia trong ngành cho rằng, lãi suất huy động ở một số ngân hàng nhỏ trên thị trường đã rục rịch tăng trong thời gian qua. Kể từ đầu tháng 5 đến nay, một số ngân hàng áp dụng mức lãi suất huy động mới như Techcombank, ACB, VIB, NCB, Sacombank, GPBank, BVBank, CBBank, BacABank...
Theo giải thích của chuyên gia, việc lãi suất huy động tăng một phần vì nhu cầu tín dụng vẫn trong xu hướng tăng mạnh hơn từ giữa năm 2024 khi sản xuất và đầu tư bắt đầu tăng mạnh hơn vào các tháng cuối năm nay.
Đồng thời, lạm phát trong 4 tháng đầu năm đã tăng 3,93% so với hồi đầu năm và tiến sát với mức mục tiêu mà Quốc hội đề ra dưới 4,5%. Đây là yếu tố khiến lãi suất huy động đổi chiều tăng.
Ngoài ra, dự kiến từ ngày 1/7/2024 sẽ áp dụng mức tăng lương tối thiểu vùng, đây cũng là một trong những nhân tố tác động tới lạm phát và gây sức ép lên lãi suất huy động. Vị chuyên gia này còn cho hay, một yếu tố khác cũng liên quan tới việc thúc đẩy các ngân hàng tăng lãi suất huy động là câu chuyện về tỷ giá.
“Tôi dự phóng lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại lớn có thể nhích thêm 50-70 điểm cơ bản, trở về mức 5,1%-5,3% trong nửa cuối năm 2024. Nhưng chúng tôi cho rằng lãi suất đầu ra vẫn duy trì ở mặt bằng hiện nay trong bối cảnh các cơ quan quản lý và ngân hàng thương mại nỗ lực hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận tín dụng” - Chuyên gia này dự báo.
Mới đây, NHNN công khai bán can thiệp ngoại tệ cho tổ chức tín dụng có trạng thái ngoại tệ âm để chuyển trạng thái ngoại tệ về 0. Để giải quyết bài toán về tỷ giá, một số ý kiến cho rằng cơ quan điều hành có thể tính đến phương án tăng lãi suất VND. Song, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, NHNN ở thời điểm này không đặt ra vấn đề điều chỉnh lãi suất điều hành bởi việc tăng giảm lãi suất phải phù hợp với kinh tế vĩ mô.
Theo dự báo của Chuyên gia của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), lãi suất huy động tiếp tục tăng từ 70-100 điểm cơ bản từ nay đến cuối năm 2024 trong bối cảnh nhu cầu tín dụng kỳ vọng tiếp tục phục hồi.
“Chúng tôi cho rằng, đây vẫn là mức tăng nằm trong chừng mực kiểm soát và chưa thể tác động làm tăng lãi suất cho vay. Các ngân hàng tiếp tục tập trung đi theo định hướng hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ. Việc giữ mặt bằng lãi suất cho vay thấp cũng giúp đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng - vấn đề được các ngân hàng ưu tiên ở thời điểm này” - Chuyên gia của KBSV cho biết.
Lãi suất tăng chưa tác động tới thị trường chứng khoán
Phó Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI) - Ông Đỗ Bảo Ngọc cho rằng, thị trường chứng khoán giảm tương đối trong tháng 4 khi chịu tác động từ nhiều yếu tố. Tuy nhiên, thị trường cũng phục hồi khá tốt trong giai đoạn đầu tháng 5 nhờ các yếu tố rủi ro đã dịu bớt.
Ông Đỗ Bảo Ngọc nhận định: “Ngắn hạn VN-Index có vùng hỗ trợ mạnh ở vùng 1.180-1.200 điểm. Những đợt điều chỉnh ngắn hạn về vùng hỗ trợ mạnh này có thể tạo ra nhiều cơ hội mua mới cho nhà đầu tư cùng kỳ vọng kinh tế phục hồi tích cực hơn, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết khả quan và kỳ vọng FED sớm giảm lãi suất trong nửa cuối năm nay. Cùng với đó là khả năng nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam khả quan hơn”.
Vị chuyên gia cũng cho rằng, khi lãi suất tăng vừa phải sẽ tác động tiêu cực ngắn hạn đối với những thị trường tài sản như chứng khoán, bất động sản… Có thể xuất hiện quá trình định giá lại do lãi suất tăng, tạo điều chỉnh ngắn hạn với thị trường chứng khoán là có thể, nhưng việc ổn định được cân đối vĩ mô là điều kiện quan trọng để thị trường tăng trưởng lại trong trung và dài hạn.
“Có thể mức độ điều chỉnh của thị trường sẽ không lớn khi một phần tác động tiêu cực của việc lãi suất liên ngân hàng và lãi suất huy động tăng đã phản ánh vào thị trường chứng khoán tháng 4. Khả năng tăng lãi suất sẽ không lớn vì NHNN phải cân đối lại mục tiêu tăng trưởng, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, ổn định vĩ mô để thu hút vốn đầu tư nước ngoài” - Ông Ngọc nhấn mạnh.
Theo một chuyên gia khác, việc lãi suất huy động nhích tăng đáng kể từ nay đến cuối năm sẽ không gây tác động lớn đối với thị trường chứng khoán, vì mặt bằng lãi suất hiện vẫn ở mức thấp trong vài chục năm qua. Dòng tiền chứng khoán vẫn khá dồi dào, khi thống kê thanh khoản bình quân 4 tháng đầu năm 2024 vẫn đạt ngưỡng tỷ đô (khoảng 24.048 tỷ đồng/phiên), tăng 37% so với trung bình năm 2023 và tăng gấp 2 lần cùng kỳ./.
- Chuyên gia phân tích ảnh hưởng của tỷ giá đối với thị trường chứng khoán
- Chứng khoán MBS: Quý II/2024, lãi suất đầu vào sẽ “tạo đáy”