Thi công đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 thuộc Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Thi công đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 thuộc Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Nhu cầu cao, áp lực lớn

Kết thúc năm 2022, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của cả nước ước đạt trên 80,6% kế hoạch, tương ứng gần 540.000 tỷ đồng, đạt chưa đến 93% kế hoạch Thủ tướng giao và thấp hơn năm 2021. Cũng vì lý do đó mà Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi tự hạ một bậc thi đua, vì tỷ lệ giải ngân đầu tư công năm 2022 của Thành phố này chỉ đạt 68% (thấp hơn chỉ tiêu 95% được giao).

Theo Bộ Tài chính, tổng nguồn vốn kế hoạch đầu tư công từ nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2023 là 756.111,862 tỷ đồng. Trong đó, vốn trong nước là 727.111,86 tỷ đồng, vốn nước ngoài là 29.000 tỷ đồng và Giao thông vận tải là lĩnh vực được giao vốn đầu tư công nhiều nhất từ trước tới nay với hơn 94.100 tỷ đồng, gấp 1,7 lần năm 2022; tổng vốn đầu tư công của TP. Hồ Chí Minh là hơn 70.000 tỷ đồng bao gồm cả vốn trung ương và vốn địa phương, cao gần gấp 2 lần so với năm 2022.

Việc giải ngân tổng vốn đầu tư công 700.000 tỷ đồng của năm 2023 có ý nghĩa quan trọng trong duy trì động lực tăng trưởng và tạo tác động lan tỏa cho các hoạt động kinh tế chung của cả nước, nâng cao hiệu quả đầu tư công.

Theo dự kiến, một trong những ưu tiên hàng đầu của ngân sách đầu tư năm nay sẽ được dành cho các dự án nằm trong Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội. Sau đó, mới được dành cho các ưu tiên khác, như để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản (nếu có); bố trí đủ vốn để thu hồi vốn ứng trước; bố trí đủ vốn cho các dự án phải hoàn thành trong năm 2023… Các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm có tính kết nối, tác động lan tỏa tới phát triển liên vùng, vùng và địa phương… cũng sẽ được tập trung đầu tư trong năm tới.

Tuy nhiên, nhu cầu cao, vốn kế hoạch lớn cũng kèm theo áp lực phải giải ngân lớn. Bởi vậy, thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội một mặt cho rằng, việc tổng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước dự kiến tăng khoảng 34% so với năm 2022, đáp ứng được 93% nhu cầu vốn của các bộ, ngành, địa phương là “khá tích cực”, song mặt khác cũng nhấn mạnh về mức tăng khá cao so với năm trước, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn để có thể đảm bảo nguồn thu và khả năng giải ngân vốn để tránh lãng phí nguồn lực.

Dự án đầu tư xây dựng nút giao thông phía Tây Nam thành phố Bắc Ninh sử dụng nguồn vốn đầu tư công, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế- xã hội.
Dự án đầu tư xây dựng nút giao thông phía Tây Nam thành phố Bắc Ninh sử dụng nguồn vốn đầu tư công, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế- xã hội.

Cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ giải ngân số vốn kỷ lục và vốn còn lại của năm 2022 chuyển sang, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp theo tinh thần Nghị quyết số 01/NQ-CP năm 2023. Theo đó, cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân ngay từ đầu năm, tập trung vào tăng cường quản lý chặt chẽ, kỷ luật, kỷ cương, đoàn kết, thống nhất, chung sức, đồng lòng, đề cao tinh thần gương mẫu và chủ động sáng tạo của người đứng đầu, thúc đẩy tiến độ dự án lớn, quan trọng, có tính lan tỏa cao, nhất là công trình giao thông trọng điểm. Các Bộ, ngành và địa phương khẩn trương phân bổ chi tiết toàn bộ kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2023 theo đúng nguyên tắc, tiêu chí quy định; làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án, kiểm tra, rà soát từng dự án, bố trí kế hoạch vốn năm 2023.

Cùng với việc rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách; điều chỉnh quy định pháp lý, giảm thủ tục hành chính quản lý và sử dụng vốn đầu tư công…, các đơn vị và cơ quan chức năng cần thực hiện cơ chế phân công, phối hợp rõ ràng, cụ thể về thẩm quyền, trách nhiệm giữa các cơ quan, đơn vị trong việc hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án; tập trung xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể, có kế hoạch giải ngân từng tháng cho từng dự án, phân công các cán bộ có trách nhiệm bám sát, vừa bám sát kế hoạch, vừa bám sát trên công trường, vừa bám sát công việc cụ thể, thường xuyên kiểm tra giám sát cũng như nắm bắt các vướng mắc, khó khăn có thẩm quyền của các chủ đầu tư để kịp thời giải quyết, đẩy nhanh tiến độ từ hoàn thiện các thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư các dự án khởi công mới; đẩy nhanh tiến độ công tác đấu thầu lựa chọn nhà thầu, tư vấn; thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán; thủ tục quyết toán các dự án; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hiện trường, đôn đốc các nhà thầu, tư vấn đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án đang triển khai bảo đảm tiến độ, chất lượng yêu cầu; phối hợp, làm việc với các địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng, vật liệu xây dựng...

Trong nửa đầu tháng 3/2023, Thủ tướng Chính phủ đã liên tục có các văn bản chỉ đạo hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án dự kiến bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội; đốc thúc phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công năm 2023...

Có thể thấy, các nỗ lực thúc đẩy nguồn vốn đầu tư công đều đã chạy trên mọi mặt trận. Và vì vậy, mục tiêu giải ngân ít nhất 95% trong tổng số hơn 711.000 tỷ đồng vốn đầu tư công năm 2023 mà Thủ tướng Chính phủ đặt ra tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về Đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 và thực hiện Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội hồi cuối tháng 2/2023 dù được xác định là nhiệm vụ rất nặng nề, nhưng sẽ không có đường lui.

Với khối lượng giải ngân rất lớn, sức nóng từ những chỉ đạo người đứng đầu Chính phủ ngay từ đầu năm được kỳ vọng sẽ tiếp tục lan truyền đến các bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp, tạo động lực để hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công của cả năm, để việc giải ngân vốn đầu tư công không còn là "nỗi trăn trở" mỗi khi nhắc đến.