ISSN-2815-5823

Giới thiệu du lịch đa văn hóa Quảng Tây (Trung Quốc) tại Hà Nội

(KDPT) - Ngày 21/5, tại Hà Nội đã diễn ra "Hội thảo văn hóa: Trà và thế giới" và hội thảo xúc tiến du lịch văn hóa Quảng Tây (Trung Quốc).

Sự kiện do Trung tâm văn hóa Trung Quốc tại Hà Nội phối hợp cùng Sở Văn hóa và Du lịch Quảng Tây tổ chức. Chương trình, nhằm giới thiệu các loại trà, cùng nét văn hóa du lịch đặc sắc của tỉnh Quảng Tây đến các doanh nghiệp lữ hành, người dân và du khách Việt Nam. Qua đó, thu hút thêm nhiều bạn bè Việt Nam đến thăm, du lịch trải nghiệm tại Quảng Tây và các địa điểm khác của Trung Quốc.

Ông Vương Quần - Công sứ Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam phát biểu tại sự kiện.
Ông Vương Quần - Công sứ Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam phát biểu tại sự kiện.

Phát biểu tại sự kiện, ông Vương Quần - Công sứ Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam cho biết, Trung Quốc là quê hương của trà. Người Trung Quốc đã lấy trà làm thuốc và cả thức ăn có đến hơn bốn nghìn năm lịch sử. Người Trung Quốc cũng đã dùng trà để kể chuyện, bày tỏ cảm xúc qua trà, gửi gắm cảm xúc về mưu cầu cuộc sống, tình cảm với bạn bè, người thân và đất nước vào các tác phẩm văn học, hội họa, âm nhạc, để lại nhiều tác phẩm xuất sắc và những câu chuyện cảm động. Ngày nay, trà Trung Quốc vô cùng đa dạng phong phú; quá trình làm trà cũng rất cầu kỳ. Các khu vực và dân tộc khác nhau đã tạo nên rất nhiều phong tục và cách thưởng trà đặc sắc.

Ông Vương Quần khẳng định: “Trà là một bộ phận trong cuộc sống của người dân Trung Quốc. Người Trung Quốc thường nói, “mở cửa ra phải lo bảy việc: Củi, gạo, dầu, muối, tương, giấm, trà”. Trà không chỉ là thứ không thể thiếu trong cuộc sống của người dân nơi đây, hơn nữa còn là một thói quen, một lối sống. Trong những bữa tiệc với bạn bè, hội họp, đón tiếp hay các ngày lễ lớn, trà có tác dụng như một nghi lễ, từ đó tạo nên văn hóa trà đa dạng: Các nghi thức với trà, phong tục uống trà, nghệ thuật trà, ẩm thực trà, hay trà đạo”.

Phát biểu tại sự kiện, ông Hà Văn Siêu - Phó cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cho biết, năm 2023, Việt Nam đón hơn 1,7 triệu lượt khách Trung Quốc, khôi phục 30% so với thời điểm 2019. 4 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đón gần 1,25 triệu lượt khách Trung Quốc, khôi phục hơn 73% so với cùng kỳ 2019. Việt Nam cũng gửi nhiều đoàn khách du lịch tới Trung Quốc. Lượng trao đổi khách giữa hai bên thời gian qua đã có sự phục hồi đáng kể nhưng vẫn chưa tương xứng với tình hữu nghị và quan hệ tốt đẹp giữa hai bên. Tuy nhiên, tiềm năng phát triển du lịch của cả hai bên còn rất lớn và cần được đẩy mạnh khai thác.

Các đại biểu trải nghiệm văn hóa trà Quảng Tây tại sự kiện.
Các đại biểu trải nghiệm văn hóa trà Quảng Tây tại sự kiện.

Cũng theo ông Hà Văn Siêu, Quảng Tây với những cảnh đẹp tự nhiên kỳ vĩ, di sản văn hóa, đặc sản lâu đời và ẩm thực độc đáo, luôn là điểm đến lý tưởng cho du khách Việt Nam mong muốn khám phá và trải nghiệm sự đa dạng văn hóa. “Sự kiện hôm nay không chỉ là dịp để quảng bá, xúc tiến du lịch Quảng Tây, mà còn là cơ hội để thúc đẩy trao đổi khách giữa hai nước, tăng cường sự giao lưu, hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trong việc phát triển du lịch bền vững.

Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, giao lưu du lịch văn hóa giữa Việt nam và tỉnh Quảng Tây nói riêng, cũng như Trung Quốc nói chung, nhằm thúc đẩy phát triển bền vững cho ngành du lịch trong tương lai”, ông Hà Văn Siêu nhấn mạnh.

Tại sự kiện, đại diện phía Quảng Tây Trung Quốc đã giới thiệu về những điểm đến tiềm năng, thế mạnh của du lịch Quảng Tây; giới thiệu các tuyệt tác thiên nhiên của Quảng Tây qua hình ảnh; giới thiệu các tour tham khảo hấp dẫn cho du khách đang muốn tham quan Quảng Tây. Đại diện phía Quảng Tây cũng giới thiệu về những điệu múa truyền thống, không gian văn hóa trà và mời đại biểu trải nghiệm văn hóa trà Quảng Tây.

Các đại biểu tham dự hội thảo.
Các đại biểu tham dự hội thảo.

Ông Hoàng Diệu Lâm - Trưởng đoàn đại biểu Quảng Tây, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Du lịch Quảng Tây khẳng định “Núi tốt, nước tốt, ra trà ngon”. Trung Quốc và Việt Nam đều có văn hóa thưởng trà lâu đời. Trà của hai nước có nét đặc sắc riêng, hương vị độc đáo, phong tục đa đắc màu. Đặc biệt, Quảng Tây và Việt Nam là điểm đến du lịch quan trọng của nhau; ngành văn hóa du lịch hai bên đã hợp tác chặt chẽ, tích cực thúc đẩy chính sách cùng có lợi, trao đổi nguồn khách, quảng bá lẫn nhau về sản phẩm du lịch, nhằm hiện thực hóa dòng khách du lịch “hai chiều”.

“Chúng tôi sẵn sàng chào đón bạn bè Việt Nam đến thăm Quảng Tây, du ngoạn cảnh sắc non xanh nước biếc, trải nghiệm phong tục tập quán dân tộc, thưởng thức ẩm thực, và rượu ngon của Quảng Tây”, ông Hoàng Diệu Lâm chia sẻ./.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine