Giới trẻ chi tiền khủng để tăng giá trị bản thân: Chăm sóc sức khỏe, đầu tư ngoại hình, kiến thức tài chính
Gia tăng giá trị bản thân để thích ứng trong thời đại mới
Hồng Anh - sinh viên năm cuối tại Hà Nội đã dành ra 15 triệu đồng trong thời gian 4 tháng để học lái xe ô tô. Cô nàng chia sẻ, người trẻ hiện đại ngày càng độc lập, biết lái ô tô thì có thể chủ động, linh hoạt khi cần di chuyển xa, nhiều doanh nghiệp cũng ưu tiên ứng viên biết lái xe.
Cũng đang là sinh viên tại Hà Nội, Vũ Hiếu dành tới 6 tháng với số tiền hơn 10 triệu đồng để học tập và ôn thi CFA - Chứng chỉ nghề nghiệp toàn cầu về lĩnh vực tài chính. Hiếu đã phải bỏ nhiều thời gian, tiền bạc và công sức để theo đuổi mục tiêu và tin rằng đây là khoản đầu tư giúp anh chàng gia tăng lợi thế cho sự nghiệp sau này.
“Chứng chỉ quốc tế sẽ cho mình cơ hội để gia nhập vào các tập đoàn đa quốc gia. Khi đi học, em được tiếp xúc với các anh chị đã thành công trong sự nghiệp và cho em nhiều kinh nghiệm. Từ đó, em học hỏi được ở họ những bài học sâu sắc ngoài kiến thức trong lĩnh vực mà chứng chỉ này mang lại” - Hiếu chia sẻ.
Việc có thêm một vài chứng chỉ bên cạnh tấm bằng cử nhân là mục tiêu của nhiều sinh viên hiện nay, trong đó có Cao Trung - sinh viên năm 3 Đại học Kinh tế Quốc dân. Chàng trai này đã sở hữu chứng chỉ ngoại ngữ tiếng Anh Ielts 7.0, sau đó tiếp tục ôn tập để lấy chứng chỉ quốc tế MOS và học thêm tiếng Trung.
Đầu tư cho bản thân ngay từ khi còn đang ngồi trên giảng đường là cách mà Gen Z ngày nay lựa chọn để gia tăng giá trị bản thân, khả năng thích ứng với các yêu cầu ngày một khắt khe của thị trường lao động.
Th.sỹ Bùi Thanh Xuân - Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho hay, việc thế hệ trẻ tích cực đầu tư cho bản thân sẽ đem lại nhiều lợi ích. Một là mang tới sự tự tin và hài lòng khi có thêm các kỹ năng, kiến thức mới. Hai là tạo ra một hồ sơ cá nhân đẹp, tăng khả năng xin được việc với mức lương tương xứng. Khi có nhiều kiến thức, kỹ năng hơn cũng sẽ giúp các bạn trẻ dễ dàng hòa nhập với môi trường đa dạng toàn cầu.
Theo PSG.TS Phạm Mạnh Hà - Giám đốc Trung tâm Hợp tác Đào tạo Bồi dưỡng, Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, trong bối cảnh thị trường lao động đang rất cạnh tranh và khắt khe, việc học và lấy thêm những chứng chỉ, kỹ năng là điều tất yếu.
Kể cả khi có trong tay tấm bằng của trường đại học top đầu thế giới thì việc ra trường đi làm cũng cần có quá trình học hỏi, rèn luyện thêm các kỹ năng, kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ. Đây là một trong những điều kiện quan trọng để mỗi cá nhân có thể thích ứng với yêu cầu từ vị trí làm việc và của thị trường lao động.
Lợi ích khi đầu tư vào bản thân
Th.sỹ Bùi Thanh Xuân cho rằng, thứ quan trọng nhất chính là đầu tư vào sức khỏe. Người trẻ thường không quá quan tâm tới vấn đề này, mặc nhiên là bản thân mình có sẵn. Nhưng thực tế, nếu không có sức khỏe thì mọi thứ khác đều vô nghĩa. Việc đầu tư cho sức khỏe đòi hỏi sự kiên trì, cần kiên nhẫn và một quan niệm đúng, thái độ tôn trọng cơ thể mình.
Tiếp theo là đầu tư vào giá trị bản thân như học thêm những kỹ năng, củng cố năng lực. “Ngoài việc có thêm các chứng chỉ, bằng cấp thì một điều cũng quan trọng không kém là chúng ta phải rèn luyện phẩm chất, tính cách và thói quen tốt, lối sống lành mạnh để trở thành những người mà đi đâu cũng được tôn trọng, hòa nhập tốt” - Th.sỹ Thanh Xuân nhấn mạnh.
Ba là nên đầu tư cho ngoại hình. Khi có ngoại hình tươi sáng, chỉn chu thì chắc chắn bạn sẽ tự tin hơn nhiều, cũng sẽ có xu hướng làm tốt mọi việc, có động lực làm việc, tự tin tham gia các nhóm, cộng động.
Thứ tư là đầu tư cho đam mê. Làm việc với đam mê của bản thân thì con người sẽ luôn thấy vui vẻ, khiến cuộc sống có ý nghĩa hơn. Tuy nhiên, những đam mê đấy nên trùng với mục tiêu học tập, với sở thích công việc hoặc trùng với những việc có ý nghĩa đóng góp cho cộng đồng.
Năm là đầu tư vào tài chính cá nhân. Th.sỹ Thanh Xuân khẳng định, giới trẻ ngày này cần có tư duy sớm hơn về tài chính cá nhân, đầu tư vào sự hiểu biết, như hiểu biết về tiền, về sự vận động của dòng tiền trong xã hội.
“Nếu chúng ta không tỉnh táo thì rất dễ rơi vào cảnh tiền mất tật mang hoặc nó không có hiệu quả, hoặc làm lãng phí tiền bạc” - PSG. TS Phạm Mạnh lưu ý các bạn trẻ và đưa ra lời khuyên hãy tìm hiểu thật kỹ lĩnh vực mình muốn theo đuổi, xem xét lại bản thân đang thiếu những kỹ năng hay chuyên môn gì. Khi đó thì bắt đầu đi học những thứ có thể bù đắp cho những thiếu hụt mà ở đại học mình chưa được trang bị. Như vậy thì việc học tập sẽ hiệu quả và đỡ được thời gian và chi phí không đáng mất.
Thị trường lao động sẽ luôn biến động, yêu cầu công việc cũng ngày càng khắt khe hơn, trong khi các chương trình đào tạo ở bậc đại học, cao đẳng lại mang tính ổn định. Việc đầu tư vào bản thân ngay từ khi còn đang đi học là cơ hội giúp bạn nâng cao kiến thức, tích lũy thêm kinh nghiệm, gặp gỡ nhiều người đã thành công và gia tăng khả năng thích ứng với những yêu cầu mới của thời đại.
Đầu tư cho kỹ năng, năng lực, phẩm chất để gia tăng giá trị bản thân chính là việc các bạn trẻ có được trong tay một số vốn chắc chắn, vững vàng để bắt đầu một sự nghiệp tươi sáng./.
- Thế hệ Gen Z theo đuổi phong cách tài chính phóng khoáng nhưng vẫn tự chủ
- Gen Z đã làm thế nào để có khoản tiết kiệm 300 triệu đồng trước tuổi 25?