ISSN-2815-5823

Gen Z tận dụng từng khoản tích lũy nhỏ để "tiền phải đẻ ra tiền"

(KDPT) - Thế hệ Gen Z lớn lên trong thời đại số với tình hình kinh tế - xã hội năng động khiến họ có ý thức về việc đầu tư và thường lựa chọn những kênh đầu tư mới mẻ, “trend” hơn.

Tư duy tài chính khác biệt của người trẻ ngày nay

Gen Z (sinh từ năm 1997-2012) đang nổi lên như những nhà đầu tư tiềm năng với quan điểm “tiền đẻ ra tiền”. Khác với thế hệ 7x - 8x, thay vì tích lũy tài sản, họ luôn luôn tìm kiếm các cơ hội để gia tăng thu nhập, hướng tới việc sớm đạt được cột mốc tự do tài chính trong tương lai.

Đối với kênh đầu tư vàng, thời gian gần đây, giá vàng liên tục tăng lên mức kỷ lục mới khiến cả người tiêu dùng bình thường lẫn giới đầu tư đều quan tâm. Tuy nhiên, mức độ yêu thích kim loại quý của giới trẻ so với thế hệ trước có sự khác nhau.

Nếu như Gen Y - thế hệ Millennials (sinh từ năm 1986-1991) trải qua giai đoạn rối ren, đặc biệt là cuộc suy thoái kinh tế năm 2008 đã định hình tư duy bi quan và tâm lý trở ngại khiến nhóm này ít tiếp cận với đầu tư. Ở thế hệ này sẽ chọn những phương án đầu tư an toàn để tích sản, vì thế, vàng vẫn được coi là “báu vật” cho đầu tư dài hạn.

Gen Z không ngừng tìm kiếm cơ hội gia tăng thu nhập để sớm đạt được cột mốc tự do tài chính. (Ảnh minh họa)
Gen Z không ngừng tìm kiếm cơ hội gia tăng thu nhập để sớm đạt được cột mốc tự do tài chính. (Ảnh minh họa)

Trong khi đó, thế hệ Gen Z lớn lên trong thời đại số với tình hình kinh tế - xã hội năng động khiến họ có ý thức về việc đầu tư hơn và thường lựa chọn những kênh đầu tư mới mẻ, “trend” hơn.

"Theo góc nhìn cá nhân thì em thấy việc mua vàng tích lũy không quá hấp dẫn bởi giá thành cao, lợi nhuận thấp”, một bạn trẻ sinh năm 2000 (TP.HCM) nêu quan điểm.

Sinh ra và lớn lên trong thời đại số, người trẻ Gen Z có sự hiểu biết về công nghệ, nắm bắt công nghệ nhanh hơn hẳn so với thế hệ trước. Việc được tiếp cận sớm với Internet, mạng xã hội cũng như nhiều nền tảng trực tuyến khiến thế hệ Gen Z dễ dàng tìm kiếm tri thức về kinh tế, tài chính.

Từ đó, ý định tự chủ tài chính cũng xuất hiện ở thế hệ này sớm hơn. Tuy nhiên, người trẻ Gen Z cũng gặp nhiều mối bận tâm khi bước sang độ tuổi trưởng thành, thậm chí còn nhiều áp lực hơn trước sự thay đổi chóng mặt của xã hội hiện đại.

Chính những áp lực đó khiến người trẻ nắm bắt được ưu thế của xã hội hiện đại để học hỏi những kiến thức, công cụ về tài chính cá nhân, quản lý tiêu dùng và đầu tư thông minh. Việc thế hệ Gen Z sớm phát triển các tư duy hiện đại về tài chính chính là điểm mấu chốt cho việc thế hệ này hình thành tư tưởng kiếm tiền và đầu tư từ sớm.

Khảo sát của SingSaver - một nền tảng nghiên cứu tài chính được công bố hồi tháng 9/2020 cho biết, có đến 85% Gen Z tham gia khảo sát chia sẻ họ đã bắt đầu tiết kiệm và đầu tư từ trước năm 22 tuổi. Trong khi chỉ có 41% Gen Y làm được điều tương tự ở độ tuổi này.

Gen Z năng động, với tư duy tài chính mới mẻ nên họ có rất nhiều kênh đầu tư ở thời điểm hiện tại. Bên cạnh đó, Gen Z có xu hướng đầu tư đa dạng và có phần mạo hiểm vào những kênh đầu tư mới mẻ như cổ phiếu, trái phiếu, crypto... Với hình thức đầu tư tài chính này, người trẻ phải chấp nhận nhiều rủi ro hơn. Do đó, cũng không ít bạn trẻ ưu tiên các phương thức đầu tư an toàn, mang lại lợi nhuận ổn định hơn, rủi ro thấp như gửi tiết kiệm online... Họ tận dụng tối đa số tiền nhàn rỗi để đầu tư sinh lời.

Gen Z có xu hướng đầu tư đa dạng và có phần mạo hiểm vào những kênh đầu tư mới mẻ như cổ phiếu, trái phiếu, crypto... (Ảnh minh họa)
Gen Z có xu hướng đầu tư đa dạng và có phần mạo hiểm vào những kênh đầu tư mới mẻ như cổ phiếu, trái phiếu, crypto... (Ảnh minh họa)

Những kênh đầu tư với cơ hội sinh lời hấp dẫn cho Gen Z

Đầu tư để đạt tự do tài chính, nghỉ hưu sớm là xu hướng của giới trẻ ở nhiều quốc gia hiện nay. Họ sẵn sàng thay đổi để phát triển, Gen Z dần tham gia nhiều kênh đầu tư để thu về lợi nhuận. Theo đó, có rất nhiều kênh đầu tư “màu mỡ” với cơ hội sinh lời hấp dẫn dành cho giới trẻ.

Thứ nhất, gửi tiết kiệm. Đây là hình thức đầu tư đơn giản, an toàn nhất, nhưng đồng nghĩa với lợi nhuận thấp nhất. Với nhiều hình thức tiết kiệm đang có trên thị trường hiện nay, các bạn trẻ có thể dễ dàng tích lũy online với số tiền chỉ từ 50.000 đồng và lãi suất 5%/năm.

Thứ hai, đầu tư chứng khoán. Đây là kênh đầu tư phổ biến và hứa hẹn lợi nhuận cao hiện nay. Với nhiều bạn trẻ, chứng khoán đã trở thành kênh thu nhập thứ 2 với lãi suất kép lên tới 10%/năm.

Có thể nói, đầu tư chứng khoán là xu hướng tất yếu của Gen Z ngày nay. Mặc dù có rủi ro nhưng đây vẫn là một kênh sinh lời hấp dẫn. Chứng khoán rất phù hợp với thế hệ trẻ ưa thích mạo hiểm. Đặc biệt, với ưu điểm không giới hạn vốn, chứng khoán là một lựa chọn lý tưởng với những bạn trẻ chưa có nhiều vốn tích lũy.

Tuy nhiên, khi tham gia vào kênh đầu tư chứng khoán đòi hỏi phải có sự chuẩn bị về kiến thức và tâm lý vững. Các bạn trẻ Gen Z ngày nay có ưu thế về mặt tìm kiếm thông tin hơn so với các thế hệ trước, vì thế việc tìm hiểu các kiến thức về chứng khoán không phải là khó.

Có rất nhiều kênh đầu tư “màu mỡ” với cơ hội sinh lời hấp dẫn dành cho giới trẻ. (Ảnh minh họa)
Có rất nhiều kênh đầu tư “màu mỡ” với cơ hội sinh lời hấp dẫn dành cho giới trẻ. (Ảnh minh họa)

Thứ ba, đầu tư vàng, mặc dù đây là kênh đầu tư nhỏ trong danh mục vì không sinh lời định kỳ, nhưng đầu tư vàng vẫn hấp dẫn vì kim loại quý này không bao giờ mất giá.

Đây là kênh đầu tư an toàn và cực kỳ đơn giản cho mục đích tích lũy sinh lời. Nhưng cần lưu ý rằng vàng thường chỉ tăng giá trong bối cảnh biến động kinh tế khi cầu nhiều hơn cung, lạm phát và suy thoái kinh tế. Do đó, chỉ nên đầu tư một mức vừa đủ cho vàng và để dành vốn cho những kênh đầu tư có đà tăng trưởng tốt hơn.

Tổng kết, thế hệ Gen Z ngày càng chủ động trong việc tìm kiếm cơ hội đầu tư cho bản thân. Với các kênh đầu tư phù hợp như vàng, chứng khoán, gửi tiết kiệm, người trẻ có thể bắt đầu “tích tiểu thành đại” ngay từ bây giờ. Biết cách áp dụng nguyên tắc lãi suất kép và đầu tư sớm, các bạn trẻ Gen Z có thể sớm đạt thành công về tài chính./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 22/11/2024