ISSN-2815-5823
Thiên Anh
Thứ tư, 06h00 28/05/2025

Giữ hồn báo chí trong kỷ nguyên AI: Làm sao cho hiệu quả?

(KDPT) - Trí tuệ nhân tạo đang thay đổi mạnh mẽ cách báo chí vận hành, từ sản xuất nội dung đến phân phối thông tin. Trong bối cảnh đó, người làm báo không chỉ cần thành thạo công nghệ, mà còn phải giữ vững những giá trị cốt lõi của nghề.

AI đã thay đổi nghề báo như thế nào?

Trí tuệ nhân tạo (AI) đang tạo ra bước ngoặt trong hoạt động báo chí, khi ngày càng nhiều công cụ hỗ trợ quy trình làm tin – từ thu thập dữ liệu, xử lý nội dung đến phân phối thông tin cá nhân hóa. Những nền tảng như ChatGPT, Bard hay các phần mềm tự động hóa tin bài, chatbot tin tức, phân tích hành vi độc giả… giúp các tòa soạn tối ưu hóa quy trình làm việc và cải thiện hiệu quả và tốc độ.

Nhờ công cụ AI, một lượng lớn dữ liệu có thể được xử lý trong thời gian ngắn, giúp nhà báo tập trung vào những khâu mang tính sáng tạo và phân tích chuyên sâu hơn. Thay vì mất hàng giờ để sàng lọc thông tin, thống kê số liệu hay biên tập nội dung cơ bản, phóng viên có thể dành nhiều thời gian hơn cho việc khai thác nhân vật, xây dựng góc nhìn riêng, hoặc theo đuổi những đề tài điều tra dài hơi.

Phát biểu tại Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề "Báo chí - truyền thông trong bối cảnh AI phát triển" vừa qua, PGS.TS Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng, AI đang mở ra cả những cơ hội chưa từng có và đặt ra những thách thức mang tính sống còn với lĩnh vực báo chí và truyền thông, từ quy trình sản xuất nội dung, thu thập, xử lý thông tin, đến phân phối, tiếp nhận thông tin và tương tác với công chúng.

PGS.TS Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền
PGS.TS Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền

“AI cần được xem là công cụ đắc lực để nâng cao chất lượng nội dung, tối ưu hóa quy trình sản xuất, mở rộng khả năng tiếp cận công chúng và tăng cường hiệu quả truyền thông chính sách của Đảng và Nhà nước”, ông Sơn nhấn mạnh.

Theo TS. Hà Văn Hậu, Phó trưởng khoa Xuất bản, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, AI đang được ứng dụng rộng rãi, mang lại những lợi ích to lớn đối với báo chí – truyền thông. Chẳng hạn, nhiều cơ quan báo chí đang sử dụng AI để lập báo cáo cổ đông, tài liệu pháp lý, thông cáo báo chí, báo cáo chung và các bài bài báo sơ lược...

Bên cạnh đó, AI đang thay đổi phương thức lãnh đạo, quản lý, sản xuất tin tức; nâng cao chất lượng biên tập, định dạng văn bản, hình ảnh, video; tăng cường các hoạt động tiếp thị quảng bá và nhiều tiện ích khác...

Tuy nhiên, giữa làn sóng công nghệ, cần nhìn nhận rõ rằng AI chỉ là công cụ, không phải là đích đến của báo chí. Công nghệ có thể giúp tăng năng suất, nhưng không thể thay thế hoàn toàn vai trò của con người trong những giá trị cốt lõi như xác minh sự thật, phản biện xã hội, cảm thấu con người và thể hiện trách nhiệm công dân.

PGS.TS. Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhận định, AI đã, đang và sẽ định hình lại cách chúng ta sản xuất, phát hành, sử dụng các ấn phẩm báo chí, cũng như cách thức tổ chức hoạt động của các cơ quan báo chí, truyền thông và vai trò, phương thức tác nghiệp của những người làm báo.

PGS.TS. Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
PGS.TS. Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

AI không chỉ là vấn đề công cụ hay công nghệ - kỹ thuật, mà còn đặt ra những vấn đề về đạo đức, trách nhiệm xã hội, an ninh thông tin và vai trò của báo chí cách mạng trong việc định hướng dư luận, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

“Việc ứng dụng và làm chủ AI trong lĩnh vực báo chí - truyền thông phải phục vụ đắc lực cho công cuộc xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc, góp phần nâng cao hiệu quả truyền thông chính sách của Đảng và Nhà nước”, PGS.TS Dương Trung Ý nhìn nhận.

Giá trị cốt lõi của nghề báo – điều không thể thay thế bằng máy móc

TS. Hà Văn Hậu cho biết, sản phẩm giả tạo do AI thực hiện nếu thiếu sự kiểm soát chặt chẽ của con người sẽ gây ra những rủi ro và hệ lụy khó lường đối với xã hội. Độ tin cậy và tính xác thực là một trong những yếu tố quyết định sự sống còn của báo chí – truyền thông trong thời đại công nghệ số. Do đó, cẩn trọng sử dụng AI trong báo chí – truyền thông sao cho đảm bảo rằng thông tin được cung cấp luôn chính xác, minh bạch và đáng tin cậy.

Bên cạnh đó, việc ứng dụng AI để tạo ra các sản phẩm báo chí – truyền thông tương tự hoặc giống với nội dung có bản quyền mà không có trích dẫn nguồn dẫn đến vấn đề pháp lý về bản quyền và sở hữu trí tuệ.

AI hỗ trợ nhà báo xử lý thông tin nhưng đạo đức và sự thật vẫn là cốt lõi
AI hỗ trợ nhà báo xử lý thông tin nhưng đạo đức và sự thật vẫn là cốt lõi

“AI đang làm thay đổi phương thức sản xuất tin tức và ảnh hưởng tiêu cực đến sự khách quan và sáng tạo của báo chí – truyền thông. AI cung cấp thông tin và dữ liệu tiện lợi, dễ gây nên tâm lý ỷ lại, phụ thuộc quá mức vào công nghệ, giảm thiểu khả năng tư duy độc lập, tư duy phản biện và sự sáng tạo”, ông Hậu chia sẻ.

Nguy cơ xã hội phải đối diện với những vấn đề thiếu tính nhân văn trong sản phẩm báo chí – truyền thông. Mặc dù AI có thế mạnh trong việc xử lý và phân tích dữ liệu, song lại hạn chế trong việc thấu hiểu tâm lý, xã hội và đạo đức, văn hóa của con người. Điều này có thể dẫn đến tình trạng các bài viết trở nên thiếu cảm xúc, thiếu tính nhân văn, gây ra những tác động tiêu cực đến xã hội.

“Ứng dụng AI trong báo chí – truyền thông là xu thế tất yếu hiện nay, song cần được kiểm soát, đảm bảo các chuẩn mực đạo đức, giá trị văn hóa. Hoạt động nghề nghiệp báo chí – truyền thông cần lấy các chuẩn mực đạo đức, văn hóa, nhân văn là thước đo các giá trị phát triển; gắn với sự an toàn, chính xác thông tin, minh bạch, công bằng và trách nhiệm giải trình của báo chí – truyền thông; phát huy tinh thần tự giác, lương tâm, trách nhiệm trong tác nghiệp của người làm báo”, ông Hậu cho hay.

Thực tế rằng, một bản tin do AI tạo ra có thể đúng về mặt ngôn ngữ, cấu trúc, thậm chí cập nhật nhanh, nhưng thường thiếu chiều sâu, không có góc nhìn, và càng không thể thay thế trải nghiệm thực tế của một nhà báo từng bám hiện trường, gặp nhân vật và đặt ra những câu hỏi đúng. Đó là điều máy móc chưa thể làm được – và có thể sẽ rất lâu nữa mới làm được.

Nếu xem AI là một phần trong “bộ đồ nghề” của nhà báo, thì điều quan trọng là người sử dụng phải đủ hiểu biết, đủ bản lĩnh và có đạo đức nghề nghiệp để không đánh đổi tốc độ lấy sự thật. Báo chí không thể vì chạy theo công nghệ mà bỏ quên điều cốt lõi là phục vụ công chúng, phản ánh trung thực xã hội và thúc đẩy sự tiến bộ.

Máy móc có thể hỗ trợ, nhưng không thể thay thế cảm xúc người làm báo
Máy móc có thể hỗ trợ, nhưng không thể thay thế cảm xúc người làm báo

TS. Nguyễn Cẩm Ngọc, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, thách thức về việc duy trì vai trò trung tâm của yếu tố con người và xây dựng niềm tin của công chúng cũng là một bài toán khi AI ngày càng thâm nhập sâu vào quy trình sản xuất nội dung. Dù AI hỗ trợ hiệu quả, sự phụ thuộc quá mức vào AI có thể dẫn đến nguy cơ đồng nhất hóa nội dung và xói mòn kỹ năng nghề nghiệp của nhà báo.

Do đó, việc củng cố niềm tin của độc giả đòi hỏi các tòa soạn phải cam kết mạnh mẽ về tính minh bạch, độ chính xác và chất lượng nội dung, đảm bảo AI phục vụ mục tiêu thông tin trung thực vì lợi ích cộng đồng.

“AI là công cụ mạnh mẽ, đồng minh tiềm năng, nhưng không thể thay thế vai trò trung tâm của con người với các phẩm chất cốt lõi như trí tuệ, tư duy phản biện, sáng tạo và trách nhiệm xã hội. Vì vậy, sự hợp tác hài hòa, trong đó con người định hướng và làm chủ công nghệ, là chìa khóa để báo điện tử Việt Nam khai thác thành công lợi ích từ AI”, bà Ngọc nhấn mạnh.

Công nghệ sẽ còn tiếp tục phát triển, nhưng trong bất kỳ hoàn cảnh nào, người làm báo cũng cần tỉnh táo xác định vai trò của mình là người dẫn dắt thông tin, chứ không phải người chạy theo thuật toán. AI có thể giúp báo chí đi nhanh hơn nhưng dẫn dắt thông tin vẫn cần được quyết định bởi khối óc và trách nhiệm của người cầm bút./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 13/06/2025