“Tòa soạn thông minh” và sứ mệnh giữ hồn báo chí trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo
Mô hình báo chí mới thời công nghệ
Sự phát triển thần tốc của công nghệ số, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) và nền tảng đa phương tiện đã làm thay đổi toàn diện mọi lĩnh vực đời sống, trong đó có báo chí. Báo chí không còn đơn thuần là kênh truyền tải thông tin một chiều, mà đã trở thành một hệ sinh thái nội dung số, nơi thông tin được sản xuất, phân phối, cá nhân hóa và tương tác mạnh mẽ với công chúng trên nhiều nền tảng.

Trong bối cảnh đó, chuyển đổi số không còn là lựa chọn, mà là yêu cầu bắt buộc đối với mọi cơ quan báo chí. Tại hội thảo “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quản trị tòa soạn thông minh” do Báo Kinh tế & Đô thị tổ chức mới đây, các diễn giả đều thống nhất rằng: Cơ quan báo chí nào không chuyển đổi kịp thời sẽ đối mặt với nguy cơ bị loại khỏi cuộc chơi. Điều này càng được khẳng định qua những chính sách lớn mà Đảng và Nhà nước đã ban hành trong thời gian gần đây, đặc biệt là Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị (ban hành ngày 22/12/2024), coi chuyển đổi số là một trong những đột phá chiến lược để đưa đất nước phát triển giàu mạnh, hùng cường.
Cũng theo Quyết định số 348/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2030, 100% cơ quan báo chí phải hoạt động theo mô hình tòa soạn hội tụ, sử dụng nền tảng số, ứng dụng AI và các công nghệ tiên tiến trong sản xuất và phân phối nội dung. Như vậy, chuyển đổi số không chỉ là một xu hướng, mà đã được nâng tầm thành chiến lược quốc gia, trong đó báo chí đóng vai trò tiên phong.
Một trong những nội dung trọng tâm của hội thảo chính là khái niệm “tòa soạn thông minh” - bước phát triển tiếp theo của tòa soạn hội tụ. Nếu tòa soạn hội tụ là sự tích hợp của các loại hình báo chí (báo in, điện tử, truyền hình…) trong một hệ thống tác nghiệp chung, thì tòa soạn thông minh tiến xa hơn bằng việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn vào quản trị toàn diện hoạt động báo chí.
Trong mô hình tòa soạn thông minh, AI đóng vai trò như một “trợ lý đắc lực” cho cả lãnh đạo cơ quan báo chí lẫn đội ngũ phóng viên, biên tập viên. Hệ thống AI có thể: Tự động gợi ý đề tài, theo dõi xu hướng tin tức; Tóm tắt văn bản, chuyển văn bản thành giọng nói; Phân tích hành vi người dùng để tối ưu hóa nội dung theo nhu cầu độc giả; Tự động viết các tin ngắn, tin thường xuyên, từ đó giúp phóng viên có nhiều thời gian hơn để tập trung vào các bài viết điều tra, phân tích chuyên sâu.
Đặc biệt, tòa soạn thông minh còn tích hợp chatbot hỗ trợ biên tập viên trong truy xuất tài liệu, hỗ trợ bạn đọc trong việc tìm kiếm thông tin, cũng như phân tích dữ liệu lớn để đưa ra chiến lược nội dung.
Một ví dụ điển hình là Báo Kinh tế & Đô thị, đơn vị đi đầu trong ứng dụng mô hình này. Sau khi ra mắt tòa soạn hội tụ vào tháng 10/2024, đến nay, báo đang từng bước triển khai đề án tòa soạn thông minh, lấy báo điện tử làm trung tâm, tích hợp các ấn phẩm và dữ liệu, đồng thời vận hành trên một nền tảng kỹ thuật thống nhất.
Tại Hội nghị tổng kết công tác báo chí toàn quốc cuối năm 2024, báo Kinh tế & Đô thị đã được Bộ Thông tin và Truyền thông (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ) chứng nhận là đơn vị báo chí có mức độ chuyển đổi số xuất sắc – một minh chứng cho hướng đi đúng đắn.
Không đánh mất giá trị cốt lõi
Tuy nhiên, chuyển đổi số và ứng dụng trí tuệ nhân tạo không chỉ là bài toán kỹ thuật hay đầu tư công nghệ. Vấn đề lớn hơn và khó hơn chính là làm sao để giữ được "hồn cốt" báo chí, không để máy móc làm lu mờ vai trò con người, nhất là trong những vấn đề liên quan đến đạo đức nghề nghiệp, tư duy phản biện và bản lĩnh chính trị.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi nhận định, tòa soạn không còn là một không gian vật lý cố định, mà trở thành nền tảng số linh hoạt, nơi mọi khâu trong quy trình làm báo - từ thu thập, xử lý, sản xuất đến phân phối nội dung - đều được số hóa, tự động hóa và tối ưu hóa nhờ các công nghệ hiện đại như AI, Big Data, Cloud Computing, Blockchain. IoT. AI không thay thế con người, mà hỗ trợ nhà báo làm việc nhanh hơn, chính xác hơn, sâu sắc hơn và gần gũi hơn với độc giả.
"Bên cạnh việc ứng dụng công nghệ, chúng ta cũng cần quan tâm đến đạo đức nghề nghiệp trong thời đại số. Công nghệ là công cụ, nhưng chính con người mới là chủ thể quyết định cách thức vận hành, kiểm soát và định hướng AI phục vụ lợi ích xã hội và cộng đồng", Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi nhấn mạnh.
Trong thời đại bùng nổ thông tin, báo chí càng cần giữ vững vai trò kiểm chứng, chọn lọc và định hướng dư luận. AI có thể tổng hợp tin nhanh, nhưng không thể điều tra một vụ tiêu cực, không thể hiểu được chiều sâu nhân sinh của một câu chuyện, càng không thể đặt ra vấn đề từ góc nhìn phản biện - vốn là thế mạnh cốt lõi của báo chí chân chính.
Bên cạnh đó, nguy cơ "mất hồn" khi báo chí chạy theo lượt xem, tối ưu hóa bằng thuật toán, để rồi đưa tin giật gân, câu kéo sự chú ý, cũng là một thách thức không nhỏ. Trong kỷ nguyên số, báo chí càng phải nhân văn hơn, chứ không thể trở nên vô cảm như những dòng dữ liệu.
Bài toán “chuyển mình” đúng cách
Thế giới đã có nhiều tòa soạn lớn ứng dụng AI thành công: The Washington Post với hệ thống tự động viết tin Heliograf; The Guardian sử dụng AI để phân tích hành vi người đọc; Reuters ứng dụng AI trong phân tích hình ảnh và video. Tuy nhiên, các hãng truyền thông lớn này đều thống nhất ở một điểm: AI chỉ hỗ trợ, không thay thế phóng viên.

Báo chí Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế ấy. Tuy nhiên, để chuyển mình thành công, các cơ quan báo chí cần: Đầu tư bài bản về hạ tầng công nghệ; Đào tạo lại đội ngũ theo hướng đa nhiệm: nhà báo vừa viết, vừa chụp ảnh, quay video, biết làm nội dung số; Tái cấu trúc quy trình làm việc, phân chia công việc rõ ràng giữa con người và máy móc; Giữ vững các nguyên tắc đạo đức nghề báo trong mọi hoàn cảnh.
Bên cạnh đó, sự đồng hành của các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp công nghệ và sự tự đổi mới từ bên trong các tòa soạn là điều kiện tiên quyết để thành công.
Tòa soạn thông minh không chỉ là bước tiến công nghệ, mà là bước chuyển mình chiến lược của nền báo chí quốc gia. Khi trí tuệ nhân tạo trở thành cánh tay phải hỗ trợ người làm báo, thì người làm báo càng phải vững tay lái, giữ đạo đức, bản lĩnh và tâm huyết với nghề.
Trong hành trình hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào hoạt động báo chí không chỉ là cách để bắt kịp thời đại, mà còn là cách để khẳng định vai trò dẫn dắt của báo chí cách mạng trong xã hội thông tin ngày nay.
Muốn vậy, chuyển đổi số không chỉ là sự chuyển giao công nghệ, mà là một cuộc cách mạng về tư duy, trong đó người làm báo chính là trung tâm. Chỉ khi báo chí làm chủ công nghệ mà không để công nghệ làm chủ mình, chúng ta mới có thể xây dựng một nền báo chí hiện đại mà vẫn đậm đà bản sắc, nhân văn.../.
- Đề xuất tháo gỡ vướng mắc, mở ra kỷ nguyên mới cho báo chí phát triển
- Phát triển bền vững thị trường chứng khoán: Báo chí dữ liệu đóng vai trò then chốt