Tác giả thăm gian trưng bày gốm Chu Đậu với rất nhiều đồ gốm đa dạng mẫu mã, màu men.
Tác giả thăm gian trưng bày gốm Chu Đậu với rất nhiều đồ gốm đa dạng mẫu mã, màu men.

Độc đáo mẫu mã, hoa văn và men gốm Chu Đậu

Địa danh Chu Đậu theo nghĩa Hán là “Bến thuyền đỗ”, vào thế kỷ XV nơi đây là một xã nhỏ thuộc huyện Thanh Lâm, châu Nam Sách, trấn Hải Dương, nằm liền kề với tả ngạn sông Thái Bình - Một nhánh của sông Lục Đầu, có thể đi về kinh thành Thăng Long, đi ra biển, rất thuận lợi cho giao thương, buôn bán bằng đường thủy lúc bấy giờ. Nghề gốm nơi đây được hình thành, phát triển vào khoảng thế kỷ XII, XIII, tồn tại, phát triển và thịnh vượng, rực rỡ nhất vào thế kỷ XV, XVI, cho đến những năm đầu thế kỷ XVII đã bị tàn lụi dần, mà nguyên nhân được cho rằng, là do các cuộc chiến tranh giữa 2 nhà Trịnh - Mạc tại vùng Nam Sách gây ra. Trải qua nhiều năm, hàng trăm lò gốm bị tàn phá, rồi dần chìm vào lòng đất, nằm sâu dưới ruộng nương, vườn tược, người có nghề cũng mai một, các thế hệ sau đó không còn duy trì được nghề gốm nơi đây.

Nghệ nhân Hạ Bá Định, 83 tuổi chia sẻ với tác giả về bí quyết, nét độc, lạ của gốm Chu Đậu xưa và nay.
Nghệ nhân Hạ Bá Định, 83 tuổi chia sẻ với tác giả về bí quyết, nét độc, lạ của gốm Chu Đậu xưa và nay.

Nghệ nhân Hạ Bá Định (84 tuổi) - Người đã được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú vào năm 2016 cho biết, cái độc đáo làm nên thương hiệu gốm Chu Đậu ngày nay không lẫn với các dòng gốm ở các nơi là, chất liệu gốm, men gốm, họa tiết và kỹ thuật chế tác. Ở các đồ gốm Chu Đậu được tìm thấy đều có các loại men như men ngọc, men nâu, men trắng, men lục, tuy nhiên tiêu biểu nhất là “men trắng trong, hoa văn màu xanh - hay con gọi là men trắng chàm” và “men trắng trong với hoa văn ba màu: vàng, đỏ nâu, xanh lục - men tam thái”, các loại men đó không pha lẫn đâu được, nó khác xa so với men gốm của các lò gốm khác, nhất là các loại men gốm của người Tàu xưa.

Cái độc đáo nữa là gốm Chu Đậu dùng men trắng chàm và men tam thái vẽ ra những hình ảnh rất đời thường, phản ánh đời sống sinh hoạt nông thôn người Việt qua các thế hệ, hình ảnh rất thuần Việt như: Tàu lá chuối, chim sẻ, chim chích chòe, tôm, cá, cóc, rùa, rau muống, hoa cúc, hoa sen… Hình dạng đồ gốm Chu Ðậu rất phong phú như: Bát chân cao, chân thấp, tô, đĩa, chén, tước, bình, ấm, âu, chậu, lu, hũ, bát hương, bát trầm, chân đèn, hộp, lọ, bình vôi, nghiên mực, có cả nghiên mực hình con trâu, con cua, đồ chơi của trẻ em như các hình tượng con gà, con cóc, con lợn, người cưỡi ngựa…, từ các món đồ dùng trong nhà người dân, đình chùa, giới trưởng giả, cho đến đồ xuất cảng. Nhưng có một vật rất đặc biệt, xa lạ với sinh hoạt, đời sống hàng ngày cũng như tâm linh người Việt, đó là “Bình Tỳ Bà - bình có hình dáng giống cây đàn tỳ bà để dựng đứng. Mình thuôn tròn, cổ nhỏ, miệng loe, thân phình to, thường có bốn tầng hoa văn, trong lòng miệng bình cũng có hình vẽ hoa lá”. Đây là vật rất hiếm thấy trong sinh hoạt đời sống người Việt vào thế kỷ XII - XVII, trong khi đó qua khai quật tại Chu Đậu và các tàu đắm cổ lại được tìm thấy loại bình rất đẹp, lạ và ấn tượng này, vì thế các nhà nghiên cứu cho rằng, “Người Nam Sách cách đây 5 - 6 thế kỷ đã biết sản xuất hàng hóa theo đơn đặt hàng riêng cho từng nước”?

: Họa tiết hoa văn cầu kỳ, tinh sảo là nét đặc trưng của gốm Chu Đậu
Họa tiết hoa văn cầu kỳ, tinh xảo là nét đặc trưng của gốm Chu Đậu.

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu còn tìm thấy các mẫu “Tước” là loại ly uống rượu với men ngọc, men xanh trong, được chế tác với kỹ thuật rất cao, điển hình như “Tước thần kim quy”, trong chân tước này là một quả nổi để lộ hình rùa thần kim quy ngồi dưới đáy, khi rượu được rót vào, thì hình thần kim quy từ từ nổi lên theo mực rượu trong lòng tước - Điều rất độc đáo. Bên cạnh đó còn có rất nhiều hồ rượu hoa văn trắng chàm và hoa văn tam thái; hồ rượu hình chim vẹt, hình con gà, các chén uống trà có quai cầm là chim vẹt. Lư hương, chân đèn lớn và đẹp vô cùng…

Chu Đậu - Điểm đến du lịch độc đáo

Sản phẩm gốm Chu Đậu là quà tặng rất ý nghĩa.
Sản phẩm gốm Chu Đậu là quà tặng rất ý nghĩa.

Mấy năm trước, tôi được nhà nghiên cứu Tăng Bá Hoành - Nguyên Giám đốc Bảo tàng Hải Dương khích lệ, “Nhà báo về Chu Đậu đi, ở đó có nhiều cái viết lắm, ngoài gốm, sự nổi tiếng của gốm, người Chu Đậu, thì nơi đây đã trở thành điểm du lịch làng nghề hấp dẫn lắm”. Ấy thế mà bẵng đi cũng mấy năm, dịp cuối năm 2021 này, trong chuyến công tác Hải Dương tôi mới có dịp ghé thăm nơi đây, tham quan quy trình sản xuất, chế tạo gốm, thăm làng gốm cổ với các di chỉ đã khảo cổ, khai quật và gian trưng bày bộ sưu tập gốm cổ nổi tiếng.

Sau hơn 20 năm nghiên cứu, khảo sát, khai quật và dần phục hồi dòng gốm cổ Chu Đâu, các sản phẩm gốm nơi đây đã được các nghệ nhân hồi sinh phát triển rất phong phú, đa dạng. Nhờ thế, dòng gốm nơi đây đã được quảng bá, giới thiệu và được thị trường trong nước đón nhận rất hào hứng, hơn nữa gốm Chu Đậu cũng đã hồi sinh và xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới, như châu Âu, Anh, Pháp, Mỹ, Sigapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…và được các nhà nghiên cứu, sưu tập, người chơi gốm đánh giá rất cao bởi tính nghệ thuật, sự độc đáo và nét rất riêng của dòng gốm Chu Đậu. Điều đó đã tạo nên thương hiệu gốm Chu Đậu, đồng thời biến nơi đây thành điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Ông Phùng Văn Diện - Phó Chủ tịch HĐND huyện Nam Sách cho biết, trong những năm gần đây, tỉnh Hải Dương, huyện Nam Sách đã nhận thấy thế mạnh làng nghề có thể phát triển du lịch, vì thế đã đầu tư xây nhiều tuyến, điểm tham quan như: Đền thờ ông tổ nghề gốm Đặng Huyền Thông; Bảo tàng gốm Chu Đậu; xưởng chế tác gốm, các gian trưng bày gốm cổ, trưng bày sản phẩm gốm thương mại, nơi các nhà nghiên cứu, chuyên gia, các đồng chí Lãnh đạo Đảng, nhà nước về thăm… và nhất là từ cuối năm 2019 khi tỉnh Hải Dương công nhận Di tích Chu Đậu là “Điểm du lịch làng nghề”. Đến nay, làng gốm Chu Đậu đã trở thành điểm đến hấp dẫn du khách tham quan, mua sắm, trải nghiệm. Đã có các gian trưng bày rộng hàng nghìn m2 để giới thiệu các sản phẩm phục chế các mẫu gốm cổ, hay không gian vườn gốm thư pháp, nhà thờ Tổ gốm... Đến với Chu Đậu, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng cảnh quan thiên nhiên thanh bình, yên ả của làng quê đồng bằng châu thổ sông Hồng mà còn có dịp tìm hiểu nghệ thuật làm gốm cổ xưa, trực tiếp tham gia vào quy trình sản xuất, tạo dáng, vẽ, viết chữ, ký tên lên sản phẩm để làm kỷ niệm. Rất nhiều khách du khách trong và ngoài nước, sau khi đến thăm làng gốm Chu Đậu đã thốt lên rằng, “Không nghĩ nơi đây đã từng có nền văn minh gốm cổ rực rỡ đến vậy; sản phẩm gốm đẹp, ấn tượng, mang đậm hồn Việt, hiếm có nôi gốm nào sánh được”.