ISSN-2815-5823
Huyền Ngọc
Thứ tư, 16h27 21/02/2024

Hà Nội xác định 4 trụ cột kinh tế số trong năm 2024

Kế hoạch xác định chủ đề chung năm 2024 của Hà Nội là “Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột”, bao gồm: Công nghiệp công nghệ thông tin; số hóa các ngành kinh tế; quản trị số; dữ liệu số” với trọng tâm là “Quản trị dựa trên dữ liệu số”.

Tại một Hội nghị diễn ra trong năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã nêu chủ đề chuyển đổi số trong năm 2024 là: Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột: Công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

Thủ tướng nêu rõ quan điểm chỉ đạo, phải luôn có tư duy đổi mới, nhận thức phải chín, tư tưởng phải thông, quyết tâm lớn, nỗ lực cao, hành động quyết liệt với phương pháp khoa học, hiệu quả và bám sát thực tiễn.

Theo đó, phát triển kinh tế số phải lấy tri thức và dữ liệu số làm yếu tố sản xuất chủ chốt, động lực cốt lõi là công nghệ số, hạ tầng hiện đại là nền tảng quan trọng. Cần phải chủ động, sáng tạo hơn; Huy động mọi nguồn lực, sự tham gia của mọi đối tượng, gồm cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp, người dân để phát triển kinh tế số. Phát triển một cách tổng thể, toàn diện nhưng ưu tiên chất lượng hơn số lượng.

"Mô hình tăng trưởng kinh tế truyền thống cần có vốn, lao động, tài nguyên. Chuyển sang phát triển nền kinh tế số, chúng ta phải có vốn mới (công nghệ tài chính), lao động mới (robot thông minh, in 3D…), tài nguyên mới (dữ liệu số, điện toán đám mây, công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, ý tưởng mới như chuỗi khối)", Thủ tướng phân tích.

Vừa qua, ông Trần Sỹ Thành - Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã ký ban hành Kế hoạch số 57/KH-UBND về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh năm 2024. Cụ thể, 4 trụ cột phát triển kinh tế số của Hà Nội trong năm nay là: Công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thành

Để thực hiện tốt mục tiêu trên, Hà Nội cũng đặt ra 3 nhóm nhiệm vụ, gồm: Phát triển chính quyền số; phát triển kinh tế số; phát triển xã hội số.

Đối với việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế và chính sách, TP. Hà Nội sẽ xây dựng quy chế khai thác, chia sẻ dữ liệu trong khu vực; Quy chế sử dụng hạ tầng lưu trữ dữ liệu; Kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước, tổ chức triển khai chuyển đổi số trong thành phố và tại các cơ quan, đơn vị; Bổ sung kịp thời nhân lực đáp ứng yêu cầu triển khai nhiệm vụ.

Đồng thời, rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, xây dựng quy chế, quy định của Hà Nội về xây dựng, phát triển, quản lý, vận hành, khai thác hệ thống thông tin phục vụ Chính quyền điện tử dựa trên định hướng của Chính phủ và phù hợp hướng dẫn của các Bộ, ngành cũng như tình hình triển khai thực tế của thành phố.

Rà soát, xây dựng cơ chế chính sách dưới sự quản lý, kiểm soát của thành phố để đảm bảo thi hành Luật Giao dịch điện tử. Cập nhật danh mục cơ sở dữ liệu trên địa bàn Hà Nội (khi có điều chỉnh, phát sinh); Triển khai mở dữ liệu của Hà Nội theo lộ trình. Thành phố cũng ban hành quy chế về quản lý, vận hành các hệ thống thông tin bảo đảm phù hợp với tiến độ triển khai các hệ thống.

Tập trung hoàn thành và tổ chức triển khai Đề án “Xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Để phát triển hạ tầng số trên địa bàn Hà Nội, thành phố triển khai Trung tâm dữ liệu chính phục vụ triển khai Chính quyền số theo hướng sử dụng công nghệ hiện đại, có thể kết nối, chia sẻ theo quy định; Trung tâm dữ liệu Nhà nước (số 185 Giảng Võ) tiếp tục duy trì hoạt động.

Bên cạnh đó, hình thành một số thành phần cơ bản của Trung tâm điều hành thông minh của Hà Nội trên cơ sở Đề án trên được phê duyệt. Ngoài ra, cần nghiên cứu, đề xuất Đề án tổng thể về quản lý hệ thống camera giám sát tập trung trên địa bàn.

Để phát triển kinh tế số, thành phố đẩy mạnh phát triển bốn loại hình doanh nghiệp công nghệ số, tập trung đẩy mạnh những doanh nghiệp khởi nghiệp ứng dụng công nghệ số nhằm đưa ra thị trường các sản phẩm, dịch vụ mới trong các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội; Xây dựng cơ chế đặc thù nhằm thu hút đầu tư, đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng các dự án khu công nghệ thông tin trên địa bàn Hà Nội đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt thực hiện.

Ba thành phần của kinh tế số bao gồm: Kinh tế số ICT, kinh tế số nền tảng, kinh tế số ngành, trong đó tương lai “kinh tế số nền tảng” và “kinh tế số ngành” sẽ là 2 thành phần có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất, đóng góp lớn vào tỷ trọng kinh tế số trong GRDP của Hà Nội thời gian tới. Kinh tế số nền tảng được xem là động lực chính thúc đẩy phát triển kinh tế số ngành.

Để thực hiện nhiệm vụ phát triển xã hội số, tới đây, thành phố sẽ tổ chức những chương trình đào tạo kỹ năng số cơ bản đến nâng cao, kỹ năng kỹ thuật cho những đối tượng là cán bộ lãnh đạo, cán bộ kỹ thuật, cán bộ công nghệ thông tin, chuyên trách chuyển đổi số, công nhân viên chức trong cơ quan tại Hà Nội.

Tích cực tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến khích người dân sử dụng và khai thác Internet.

Đồng thời, tích cực tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến khích người dân sử dụng Internet, đăng ký tài khoản và các dịch vụ số. Trọng tâm là các dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ y tế, giáo dục số,mua bán trực tuyến, thanh toán điện tử, sử dụng mạng xã hội, khai thác tiện ích, tài nguyên số trên không gian mạng.

Cơ quan có thẩm quyền phải hướng dẫn người dân về những kỹ năng bảo mật, an toàn thông tin cơ bản để người dân chủ động bảo vệ tài khoản, dữ liệu cá nhân trên không gian số./.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 09/05/2024