Hiện thực hóa cam kết COP26: “Xanh hóa” năng lượng
Ảnh minh họa. |
Theo Báo cáo quốc gia về khí hậu và Phát triển cho Việt Nam (CCDR) do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố vào tháng 7, Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trên thế giới trước biến đổi khí hậu. Các tác động của biến đổi khí hậu đã và đang làm gián đoạn hoạt động kinh tế và suy yếu sự tăng trưởng của Việt Nam.
Tại Công ước khung của Liên Hợp Quốc (COP26) diễn ra vào tháng 11/2021, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính đã khẳng định: “Việt Nam sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của chính mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ… để đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Thực hiện cam kết này, đến năm 2050, Việt Nam cần thêm nguồn vốn khổng lồ, khoảng 100 tỷ USD cho thích ứng biến đổi khí hậu, 373 tỷ USD để đưa mức phát thải về 0 vào năm 2050”.
Qua tìm hiểu, nguyên nhân khí gây hại cho môi trường sống ở nước ta có thể kể đến các hoạt động bãi chôn lấp chất thải rắn, xử lý chất thải rắn bằng phương pháp sinh học, đốt chất thải, xử lý và xả thải nước thải, tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch, phát tán từ nhiên liệu, khí thải từ lượng phương tiện giao thông khổng lồ. Các nhà máy, khu công nghiệp, khu chế xuất… xả một lượng lớn khí thải gây ô nhiễm môi trường. Phân loại rác của người dân chưa hợp lý, các bãi rác chưa được xử lý hiệu quả cũng là một trong những nguyên nhân khiến môi trường trở nên độc hại.
Để khắc phục, trong 3 năm gần đây, Việt Nam đang cố gắng thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, trong đó đặc biệt là năng lượng điện mặt trời và điện gió, với hơn 16,5 GW công suất điện mặt trời được kết nối vào lưới điện quốc gia, gần 4 GW điện gió trên bờ và gần bờ. Nếu tính cả 20,6 GW thủy điện, nguồn điện từ năng lượng tái tạo ở Việt Nam hiện chiếm đến 52,2% công suất lắp đặt toàn quốc.
Nhờ việc phát triển mạnh mẽ năng lượng tái tạo và chuyển đổi nhiên liệu của các nhà máy nhiệt điện nên lượng phát thải CO2 của phương án phát triển điện lực rà soát sau Hội nghị COP26 đã giảm mạnh. Phát thải C02 sẽ đạt đỉnh vào giai đoạn 2031 đến năm 2035 ở mức 231 triệu tấn, sau đó giảm dần và đến năm 2050 ước tính phát thải C02 từ sản xuất điện còn khoảng 40 triệu tấn/năm, góp phần quan trọng vào việc đáp ứng cam kết của Việt Nam về phát thải ròng bằng 0.
Các nhà máy nhiệt điện than, khí sẽ chuyển dần sang dùng biomass, amoniac hoặc hydrogen khi các công nghệ đã được kiểm chứng và thương mại hóa. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển nguồn điện gió, điện mặt trời, ưu tiên phát triển các dự án điện năng lượng tái tạo cấp điện trực tiếp cho các cơ sở sản xuất công nghiệp và dân sinh, thủy điện tích năng, thủy điện trên các hồ thủy lợi, điện sinh khối,…Việt Nam hiện đang hiện thực hóa mục tiêu chuyển dịch năng lượng xanh và đang thu hút rất nhiều nhà đầu tư điện gió ngoài khơi mở ra nhiều cơ hội phát triển hướng tới một xã hội xanh, sạch, thân thiện với môi trường.