Dây chuyền đóng gói các tấm pin năng lượng mặt trời tại Công ty TNHH JA Solar Việt Nam, vốn đầu tư của Hong Kong (Trung Quốc) tại khu công nghiệp Quang Châu (Bắc Giang). Ảnh minh họa: Danh Lam/TTXVN

Theo đó, Nghị định 31/2021/NĐ-CP đã cụ thể hóa một số quy định về bảo đảm đầu tư và chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đối với một số ngành, nghề, địa bàn nhằm tiếp tục củng cố, hoàn thiện cơ chế bảo hộ, khuyến khích đầu tư phù hợp với các cam kết hội nhập của Việt Nam, thu hút dòng vốn đầu tư đang dịch chuyển, đồng thời bảo đảm thu hút đầu tư có chọn lọc và chất lượng.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trước khi Nghị định 31/2021/NĐ-CP được ban hành, một số ý kiến cho rằng, Luật Đầu tư không quy định chi tiết trình tự, thủ tục thực hiện các biện pháp bảo đảm đầu tư, đồng thời chưa làm rõ hình thức, nội dung các hoạt động đầu tư tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế. Điều này dẫn đến vướng mắc đối với cả nhà đầu tư cũng như cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình thực thi Luật Đầu tư.

Để bảo đảm tính khả thi, minh bạch trong quá trình thực hiện Luật Đầu tư, Điều 3, Điều 4 của Nghị định quy định chi tiết về bảo đảm của Nhà nước để thực hiện dự án đầu tư; bảo đảm ưu đãi đầu tư trong trường hợp thay đổi pháp luật đối với các trường hợp được quy định tại Điều 13 Luật Đầu tư. Nghị định cũng quy định cơ chế giải quyết vướng mắc của nhà đầu tư, phòng ngừa tranh chấp giữa Nhà nước và nhà đầu tư. Các quy định này tạo điều kiện cho nhà đầu tư yên tâm đầu tư, kinh doanh, theo đuổi các dự án có thời gian thực hiện lâu dài tại Việt Nam.

Nghị định cũng quy định cụ thể về hoạt động đầu tư tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế. Trong đó có đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng; thực hiện dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.

Ngoài ra, Nghị định 31/2021/NĐ-CP còn quy định chi tiết về ngành, nghề đầu tư kinh doanh; ngành, nghề tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài; ưu đãi, hỗ trợ đầu tư; trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, điều chỉnh dự án; thành lập tổ chức kinh tế; góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế; đầu tư ra nước ngoài; xúc tiến, giám sát và đánh giá đầu tư…

Việc Nghị định quy định chi tiết về nguyên tắc và cách thức áp dụng các quy định về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh; ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; ngành, nghề tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài cũng như cơ chế tập hợp, công bố, giám sát việc soạn thảo, ban hành quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh đã giúp nâng cao tính minh bạch. Qua đó góp phần thực hiện đầy đủ, nhất quán nguyên tắc hiến định về quyền tự do kinh doanh, tuân thủ cam kết về mở cửa thị trường của Việt Nam theo các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Nghị định 31/2021/NĐ-CP gồm 132 điều, có hiệu lực từ ngày ký (26/3/2021), thay thế Nghị định số 118/2015/NĐ-CP. Với nhiều quy định cụ thể, chi tiết, Nghị định đã bảo đảm được tính đồng bộ, thống nhất với quy định của Luật Đầu tư, các luật liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh, đồng thời kế thừa và hoàn thiện những quy định hiện hành còn phù hợp với quy định của các luật này cũng như thực tế triển khai hoạt động đầu tư kinh doanh của nhà đầu tư.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc hoàn thiện cơ chế quản lý và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý tại Nghị định sẽ giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư; bảo đảm an ninh, quốc phòng; góp phần hạn chế tình trạng chuyển giá, trốn thuế, xử lý các trường hợp đầu tư chui, đầu tư núp bóng…; quản lý chặt chẽ các dự án đầu tư ra nước ngoài, đặc biệt là các dự án sử dụng vốn nhà nước, các dự án có quy mô vốn lớn, sử dụng nhiều ngoại tệ…

THÚY HIỀN

Bạn đang đọc bài viết Hoàn thiện cơ chế bảo hộ, khuyến khích đầu tư phù hợp với các cam kết hội nhập tại chuyên mục Thời sự.
Cung cấp thông tin, liên hệ đường dây nóng:
0369452904 – 0977600308.
Hoặc Email: [email protected]
[email protected]