Hoạt động quản lý đất đai và kinh doanh đúng mục đích trong phát triển kinh tế địa phương: Khảo sát thực tiễn tại Phú Thịnh (huyện Yên Bình, Yên Bái)
Khi thực hiện đúng các quy hoạch phân khu, quy hoạch vùng chuyên canh, vùng đô thị, vùng đất ở nông thôn, vùng thương mại dịch vụ... sẽ đảm bảo công tác quản lý nhà nước về đất đai đủ yếu tố phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương được đồng bộ, không chồng chéo, bất cập... Tuy nhiên, hiện nay vấn đề sử dụng đất sai mục đích đặc biệt là đất nông-lâm nghiệp bị sử dụng xây dựng xưởng, lán trại, kinh doanh trái phép đang tồn tại ở một số địa phương, phá vỡ quy hoạch, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của địa phương.
Trên cơ sở đó, Tạp chí điện tử Kinh doanh và Phát triển xây dựng chuyên đề nghiên cứu: “Nhận diện hoạt động quản lý đất đai và kinh doanh đúng mục đích trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương", qua đó đã nghiên cứu chính sách, khảo sát thực tiễn để minh chứng cho Chuyên đề tại xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái.
Hợp tác xã Nông - Lâm nghiệp Bình Minh được phép hoạt động sản xuất đồ gỗ Palet, nhưng thực tế thì tại đây đang có sự “án ngữ” của một nhà xưởng sản xuất ống nhựa |
Trong quá trình thực hiện chuyên đề, ghi nhận thực tiễn tại tại khu vực đất của Hợp tác xã Nông - Lâm nghiệp Bình Minh (xã Phú Thịnh), cho thấy, diện tích đất đơn vị HTX này được cấp phép hoạt động sản xuất đồ gỗ Palet, nhưng thực tế thì tại đây lại đang có sự “án ngữ” của nhà xưởng bằng tôn được dựng lên kiên cố, nhằm phục vụ cho việc sản xuất các loại ống nhựa để cung cấp ra thị trường.
Được biết, để một doanh nghiệp đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, tái chế trong lĩnh vực công nghiệp như nung chảy nhựa, sản xuất ống nhựa mới phải đăng ký dây truyền công nghệ được thẩm định, phải có giấy phép xây dựng xưởng, nhà máy, phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường…
Chủ tịch UBND xã Phú Thịnh cho biết, diện tích đất doanh nghiệp đang xây dựng và hoạt động là do hợp tác xã Bình Minh cho mượn |
Trong khi đó, thực tế ghi nhận tại khu vực Hợp tác xã Bình Minh đang sản xuất ống nhựa, tồn tại một nhà xưởng tôn có diện tích cả nghìn mét vuông, bên trong là các dây chuyền máy móc vẫn đang hoạt động, ống nhựa màu đen thành phẩm chất đống bên ngoài lại được xây dựng trong khu vực không quy hoạch cho sản xuất tái chế công nghiệp.
Trước thực trạng sử dụng đất trái mục đích của đơn vị này, phóng viên Tạp chí điện tử Kinh doanh và Phát triển đã trao đổi với Chủ tịch UBND xã Phú Thịnh - ông Đào Bá Hiệp. Theo ông Hiệp, diện tích đất doanh nghiệp đang xây dựng và hoạt động là do hợp tác xã Bình Minh cho mượn. Nguồn gốc đất là từ đất trường học, sau đó trường chuyển và chỗ đó quy hoạch làm sân thể thao. Thời gian cho mượn từ năm 2017 đến đầu năm 2021 là hết hạn.
Mặc dù đã hết hạn từ năm 2021 nhưng thực tế đến nay đã quá 02 năm nhưng doanh nghiệp vẫn hoạt động và gây ra những ảnh hưởng tới môi trường và sức khỏe người dân mà chính quyền vẫn không có biện pháp xử lý.
Mặc dù đã hết hạn từ năm 2021 nhưng thực tế đến nay đã quá 02 năm nhưng doanh nghiệp vẫn hoạt động |
Căn cứ khoản 8 Điều 3, khoản 2 Điều 17 và Điều 59 Luật Đất đai năm 2013 quy định rõ về việc sử dụng và cho thuê đất công. Ủy ban nhân dân cấp xã cho thuê đất thuộc quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của xã, phường, thị trấn… Từ đó đánh giá, tư vấn phản biện chính sách, cho thấy, việc UBND xã Phú Thịnh cho Hợp tác xã Bình Minh mượn đất từ quỹ đất công của nhà nước nằm trong quy hoạch của địa phương mà không phải là cho thuê và không thông qua đấu giá, với diện tích lên tới hàng nghìn mét vuông như vậy là chưa phù hợp với quy định pháp luật hiện hành.
Trụ sở UBND xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái |
Như vậy, công trình xây dựng trên đất công của UBND xã Phú Thịnh do Hợp tác xã nông – lâm nghiệp Bình Minh sử dụng vào mục đích sản xuất kinh doanh, mà không phải thực hiện nghĩa vụ đóng thuế cho nhà nước, đã có dấu hiệu tạo ra hệ lụy về kinh tế địa phương trong việc gây lãng phí tài nguyên đất, gây thất thoát ngân sách ?
Trên cơ sở triển khai chuyên đề và nhìn nhận khách quan theo góc nhìn thực tiễn, thu thập ý kiến, kiến nghị của nhân dân, tòa soạn Tạp chí điện tử Kinh doanh và Phát triển đưa ra một số nhận định về tình trạng việc UBND xã Bình Minh cho mượn đất, thuê đất công của xã nhưng không thông qua đấu giá, vấn đề tài chính thuê đất này thiếu minh bạch, nguy cơ thất thoát ngân sách nhà nước, thiệt hại tài sản công. Trong khi đó, doanh nghiệp thuê đất có thời hạn đến 2021 nhưng đến nay vẫn hoạt động bình thường và chưa có động thái gì từ phía các cơ quan chức năng trong việc thu hồi đất công.
Trước thực trạng như trên, cùng những hình ảnh chứng minh thực tiễn cho chuyên đề, Tòa soạn Tạp chí điện tư Kinh doanh và Phát triển đưa ra những nhận định, phản biện theo quy định pháp luật như trên, để các cơ quan quản lý nhà nước tỉnh Yên Bái, UBND huyện Yên Bình, UBND xã Phú Thịnh nhìn nhận sự việc, có sự kiểm tra, giám sát, khắc phục những tồn tại, thiếu sót tại vị trí đất công do UBND xã Phú Thịnh quản lý hiện giao cho HTX Bình Minh thực hiện sản xuất, kinh doanh trái quy định; đồng thời trả lại môi trường an toàn cho nhân dân địa phương; cũng như hướng dẫn doanh nghiệp đầu tư đúng hướng, đúng quy hoạch về vị trí, địa điểm, để phát triển lâu dài, đóng góp cho sự phát triển kinh tế của địa phương.