Người lao động chịu ảnh hưởng thế nào trước trí tuệ nhân tạo (AI)
Trí tuệ nhân tạo (AI) mang đến sự khác biệt
Theo nghiên cứu mới nhất của một nhóm các chuyên gia kinh tế tại Ngân hàng Thế giới đã phân tích dữ liệu từ 25 quốc gia với dân số 3,5 tỷ người, nhằm đánh giá mức độ tiếp xúc với AI, ghi lại mức độ mà công việc của họ có thể được thực hiện bằng AI.
Theo các chuyên gia, có sự khác biệt đáng kể về mức độ tiếp xúc của việc làm với AI. Một số nghề nghiệp như thợ lợp mái có mức độ tiếp xúc rất thấp, nghĩa là AI không có khả năng ảnh hưởng đến công việc của họ. Trong khi đó, những công việc như nhân viên tính lương phải đối mặt với mức độ tiếp xúc cao, cho thấy AI có thể thay đổi đáng kể cách thức hoạt động của họ.
“Người lao động ở các nước thu nhập thấp có mức độ tiếp xúc với AI thấp hơn đáng kể so với người lao động ở các nước thu nhập cao, trong khi các nước thu nhập trung bình nằm ở giữa. Điều này một phần là do cấu trúc thị trường lao động khác nhau ở các nước đang phát triển, với nhiều công việc liên quan đến lao động chân tay, hoặc tương tác giữa các cá nhân”, các chuyên gia kinh tế cho hay.

Nghiên cứu cũng nêu bật những khác biệt về mặt nhân khẩu học, chẳng hạn như phụ nữ có xu hướng tiếp xúc với AI cao hơn nam giới, nhưng chỉ ở các nước thu nhập cao và trung bình cao. Bên cạnh đó, không giống như ở các nước giàu có hơn, nơi người lao động lớn tuổi dễ bị ảnh hưởng nhất bởi sự gián đoạn của AI, sự khác biệt liên quan đến độ tuổi trong việc tiếp xúc với AI là rất nhỏ ở các nền kinh tế đang phát triển.
AI khiến thị trường lao động thay đổi cấu trúc vận hành
AI đang từng bước làm thay đổi sâu sắc cấu trúc của thị trường lao động toàn cầu. Những ứng dụng tiên tiến của AI không chỉ thúc đẩy hiệu suất lao động mà còn mang lại nhiều thách thức cho các ngành nghề truyền thống, từ đó tái định hình bức tranh việc làm trong kỷ nguyên số.
Theo khảo sát của Công ty nghiên cứu thị trường công nghệ Gartner (Mỹ), thị trường phần mềm AI mang về doanh thu đạt 135 tỉ USD năm 2025, tốc độ tăng trưởng kép từ 14,4% năm 2021 lên 31,1% năm 2025. AI làm tăng năng suất kinh doanh dự kiến từ 2,6 nghìn tỉ USD đến 4,4 nghìn tỉ USD mỗi năm, theo nghiên cứu của McKinsey & Company. Theo báo cáo của McKinsey, tỷ lệ phần trăm thời gian của nhân viên có thể được tự động hóa bằng AI và các công nghệ khác được dự báo tăng lên 60 - 70%, so với tỷ lệ 50% trước đây.

Tuy nhiên, tốc độ phát triển như vũ bão của AI cũng dẫn đến một mặt trái đó là sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường lao động và nguy cơ thay thế ngày càng cao của lao động AI. Nhiều thống kê đã cho thấy, người lao động toàn thế giới đang có cái nhìn khá tiêu cực và bất an về sự thay thế của AI đối với lao động con người ở nhiều ngành nghề trong tương lai.
Thực tế những năm qua cho thấy, trên thế giới, AI đã tạo ra những thay đổi chưa từng có. Tại Mỹ, nhiều ngành nghề lặp lại như nhập liệu hay điều hành kho vận chuyển đã chứng kiến làn sóng tự động hóa mạnh mẽ, khi robot và hệ thống AI được triển khai để thay thế con người. Theo dự đoán của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OCDE) thì 14% ngành nghề hiện nay có khả năng cao sẽ bị thay thế bởi máy móc và 32% ngành nghề khác sẽ phải chịu những thay đổi to lớn dưới tác động của tự động hóa, thông minh hơn, hữu ích hơn nhiều và trở thành một phần trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta.
Đẩy mạnh phát triển AI cũng là nâng cao chất lượng lao động
Để chuẩn bị cho tương lai của AI ở các nước đang phát triển, các chuyên gia cho rằng, mở rộng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và năng lượng; trong đó, điện và truy cập internet đáng tin cậy, đặc biệt là ở các vùng nông thôn sẽ rất quan trọng để cho phép áp dụng AI ở những nơi có thể mang lại lợi ích lớn nhất.
Ngoài ra, cần ưu tiên tăng cường AI hơn là tự động hóa. Khuyến khích các ứng dụng AI giúp nâng cao năng suất của con người thay vì thay thế người lao động, có thể giúp bảo vệ sinh kế và kích thích tăng trưởng kinh tế bao trùm; cũng như tận dụng AI cho chăm sóc sức khỏe và giáo dục.
AI đang chuyển đổi nền kinh tế toàn cầu, nhưng với tác động không đồng đều. Ở nhiều nước đang phát triển, sự gián đoạn sẽ diễn ra chậm hơn, mang đến cơ hội cho các chính phủ và doanh nghiệp định hình vai trò của AI trong lực lượng lao động. Với những chính sách chủ động, các nước này có thể khai thác AI để trao quyền cho người lao động thay vì thay thế họ.
Trong sự phát triển của loài người, với công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xã hội ngày càng phát triển, đi lên, liên tục có những ngành nghề cũ đã “biến mất” khỏi cuộc sống, song song đó luôn có các ngành nghề mới ra đời thay thế. Thay cũ đổi mới là xu thế không thể tránh khỏi của sự tiến bộ.
Thế giới đang thay đổi từng ngày, sự tác động của AI sẽ diễn ra khác nhau ở mỗi một con người, một ngành nghề, mỗi quốc gia và khu vực. Các chuyên gia kinh tế thế giới đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, tác động của AI đến kinh tế và xã hội ở mỗi quốc gia sẽ phụ thuộc rất nhiều vào cách các chính phủ quản lý sự phát triển và ứng dụng của công nghệ này.
Theo báo cáo của Viện nghiên cứu McKinsey Global Institute (Mỹ), ít nhất 14% nhân sự trên toàn cầu sẽ phải thay đổi nghề nghiệp do sự tiến bộ mạnh mẽ của công nghệ, robot và AI. Có thể thấy, trí tuệ nhân tạo không chỉ là thách thức mà còn mở ra những cơ hội mới để người đi làm phát huy và khai thác tiềm năng của mình.
Để thích ứng với sự chuyển dịch nhanh chóng trong thời đại số, việc thường xuyên cập nhật những năng lực mới và không ngừng học hỏi là điều kiện tiên quyết để người đi làm không bị đào thải và tự tin nắm bắt cơ hội./.
- Năm 2025 sẽ là năm đột phá về công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI)
- Mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) mới của DeepSeek tạo nên những tranh cãi trong giới công nghệ