ISSN-2815-5823

Hơn 1,13 triệu lượt người dân được khám chữa bệnh trực tiếp trong Hành trình Thầy thuốc trẻ

(KDPT) - Hơn 21.000 thầy thuốc trẻ tại các bệnh viện từ Trung ương, địa phương đã tham gia hành trình khám chữa bệnh trực tiếp và trực tuyến. Số lượng người dân được khám bệnh trực tiếp là hơn 1,13 triệu lượt người; số lượng người dân được khám sàng lọc qua nền tảng trí tuệ nhân tạo (AI) là hơn 1 triệu người.

Đó là  kết quả Hành trình Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác, tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng và Chương trình Careme 2024 được Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam công bố chiều 13/11, tại Hà Nội.

Tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng

Hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc Hội liên hiệp thanh niên (LHTN) Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024- 2029, Trung ương Hội LHTN Việt Nam và Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam xây dựng kế hoạch số 106-KH/TWH ngày 03/05/2024 về tổ chức Hành trình Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác, tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng năm 2024 và Chương trình Careme 2024.

Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam Nguyễn Hữu Tú báo cáo tổng kết tại chương trình.
Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam Nguyễn Hữu Tú báo cáo tổng kết tại chương trình.

Chương trình nhằm tăng cường công tác sàng lọc các bệnh mạn tính và ứng dụng chuyển đổi số trong hỗ trợ tăng cường chăm sóc sức khỏe thường xuyên cho người dân. Tổng kết đã có 21.217 Thầy thuốc trẻ tham gia cả trực tiếp và trực tuyến (vượt chỉ tiêu đặt ra của chương trình).

Số lượng người dân được tư vấn, khám bệnh trực tiếp: 1.136.135 lượt người (gấp 11 lần chỉ tiêu); số lượng người dân được sàng lọc bệnh qua nền tảng trí tuệ nhân tạo (AI): hơn 1.000.000 người (105.000 trên suckhoe.net và gần 1 triệu qua các bệnh viện).

2,611,722 triệu lượt thanh niên được tư vấn về bệnh không lây nhiễm và các yếu tố nguy cơ (gấp 2,6 chỉ tiêu); 2.997 người dân, bệnh nhân và thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ tài chính hoặc hỗ trợ y tế miễn phí (gấp 3 chỉ tiêu).

Bên cạnh đó, Hội/Câu lạc bộ doanh nhân trẻ, Thầy thuốc trẻ tại địa phương có ít nhất 01 chương trình hỗ trợ thường xuyên cho người có hoàn cảnh khó khăn; hơn 1 tỉ lượt xem trên các nền tảng tuyên truyền (Facebook, TikTok, Tin thời sự của Trung ương và địa phương).

Hơn 1,13 triệu lượt người dân được khám chữa bệnh trực tiếp trong Hành trình Thầy thuốc trẻ - ảnh 2

Về Chương trình CAREME (khám sàng lọc bệnh tim mạch - thận - chuyển hóa), 7.616 người dân được khám trực tiếp tại các cơ sở y tế và tại 01 chương trình cộng đồng như: Bệnh viện Nội tiết Trung ương, Bệnh viện Thống Nhất, bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đà Nẵng, Sở Y tế tỉnh Bình Dương.

Trong khuôn khổ Hành trình, chương trình "chuyển đổi số vì sức khỏe phổi" cấp Trung ương đã tiến hành khám bệnh trực tiếp cho hơn 10.500 người dân; Chương trình "Vì một Việt Nam khỏe mạnh hơn" đã khám, trao quà, hướng dẫn vệ sinh an toàn thực phẩm cho hơn 15.000 người dân và 15.000 thiếu nhi; Chương trình "Sống khỏe mỗi ngày" khám, sàng lọc bệnh không lây nhiễm và bệnh về đường tiêu hóa, sàng lọc vi khuẩn H.Pylori dạ dày cho hơn 2.000 người dân.

Hành trình Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác, tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng năm 2024 cũng đã hỗ trợ 11 tỉnh bị ảnh hưởng bởi bão Yagi với túi thuốc cơ bản, vật tư, trang thiết bị y tế và quà tặng; khám bệnh tình nguyện cho hơn 14.000 người dân, tổng trị giá hơn 10 tỷ đồng.

“Gánh nặng bệnh mạn tính và tiềm năng ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý bệnh”

Trong khuôn khổ của Hành trình Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác, tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng năm 2024, Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam cũng đã tổ chức tọa đàm "Gánh nặng bệnh mạn tính và tiềm năng ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý bệnh".

Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam Nguyễn Hữu Tú cho biết, các bệnh không lây nhiễm (BKLN) như tim mạch, ung thư, đái tháo đường và bệnh hô hấp mạn tính đang trở thành nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và bệnh tật. Theo số liệu năm 2019, gánh nặng bệnh tật do BKLN chiếm tới 73,7% tổng gánh nặng bệnh tật và tử vong toàn quốc, trong đó bệnh tim mạch chiếm 20,5%, ung thư 13,3%, bệnh hô hấp mạn tính 4% và đái tháo đường 3,9%.

Tọa đàm
Tọa đàm "Gánh nặng bệnh mạn tính và tiềm năng ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý bệnh".

Mỗi năm, Việt Nam ghi nhận hơn 350.000 ca tử vong do BKLN, với bệnh tim mạch chiếm khoảng 70.000 ca, ung thư 66.000 ca và đái tháo đường 13.000 ca. Đáng chú ý, khoảng 41,5% số ca tử vong do BKLN xảy ra trước tuổi 70, gây tổn thất lớn về kinh tế và xã hội.

Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia y tế trẻ đã đánh giá, phân tích tính hiệu quả của việc áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc tăng cường khả năng chẩn đoán và điều trị chính xác; tối ưu hóa quy trình chăm sóc và quản lý y tế, tự động hóa quy trình hành chính; phân tích dữ liệu lớn (Big Data) y tế lớn từ hàng triệu bệnh nhân có thể được phân tích để tìm ra các xu hướng, mẫu bệnh lý và phản ứng của bệnh nhân với các phương pháp điều trị. Việc phân tích này giúp phát triển các loại thuốc mới, cải tiến phác đồ điều trị và nâng cao chất lượng y tế toàn cầu./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 15/11/2024