Theo HoREA, việc Bộ Xây dựng đề xuất quy định sở hữu nhà chung cư; chủ sở hữu chung cư sẽ phải chấm dứt quyền sở hữu khi nhà chung cư thuộc diện bị phá dỡ. Chủ sở hữu được tiếp tục sử dụng phần diện tích đất có nhà chung cư, nhưng phải nộp kinh phí xây dựng lại nhà chung cư mới, áp dụng đối với tất cả nhà chung cư xây dựng mới sẽ làm tăng gánh nặng và độ phức tạp cho công tác quản lý nhà nước của ngành xây dựng.

Tại cuộc họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra vào chiều ngày 17/3/2023 vừa qua, HoREA đề nghị “cần làm rõ, rà soát bản chất của vướng mắc cải tạo, phá dỡ nhà chung cư cũ có phải do quy định về sở hữu nhà chung cư không xác định thời hạn hay không? Có phải nếu chuyển sang hình thức sở hữu nhà chung cư có thời hạn thì sẽ xử lý được hay không?”.

HoREA cũng chỉ ra nguyên nhân chủ yếu dẫn đến vướng mắc, khó khăn trong công tác cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trong các năm qua.

Thứ nhất là do chưa xây dựng các quy định pháp luật đầy đủ, khả thi.

Thứ hai là bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của các quy định pháp luật và cũng chưa tìm được điểm cân bằng về lợi ích, đảm bảo hài hoà quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các chủ sở hữu nhà chung cư và của nhà đầu tư.

Thứ ba là do chưa thực hiện đầy đủ “quy chế dân chủ cơ sở” để các chủ sở hữu nhà chung cư thông suốt và tự giác tham gia vào quá trình thực hiện cải tạo, xây dựng lại.

Dẫn chứng từ thực tiễn của TP Hồ Chí Minh, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA, cho biết, nhiều dự án cải tạo, xây dựng lại đã thành công, nhưng cũng có dự án gặp khó khăn, vướng mắc.

Lấy đơn cử như UBND quận 4 đã chỉ đạo Công ty Dịch vụ công ích quận 4 (doanh nghiệp nhà nước) thực hiện thành công nhiều dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư kết hợp với chỉnh trang đô thị, phát triển hạ tầng giao thông và tái định cư tại chỗ cho các chủ sở hữu nhà chung cư cũ được “đổi đời” và làm thay đổi hẳn diện mạo đô thị của quận 4.

Bên cạnh đó, cũng có trường hợp Nhà nước thu hồi đất, thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng nhà chung cư cũ mà các chủ sở hữu nhà chung cư không được bố trí tái định cư tại chỗ do không phù hợp với quy hoạch, như trường hợp chung cư hỗn hợp Thương xá Eden quận 1 gồm 210 hộ dân và 21 đơn vị, mặc dù được chủ đầu tư dự án giới thiệu các căn hộ để lựa chọn tái định cư trên địa bàn quận 1, quận 2, quận 7 nhưng cũng vẫn có một số hộ dân khiếu kiện mà chính quyền phải mất nhiều thời gian, công sức để giải quyết.

Từ đó, HoREA cho rằng, không phải do quy định “sở hữu nhà chung cư không xác định thời hạn” là nguyên nhân dẫn đến “vướng mắc”, khó khăn trong công tác cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trong các năm qua là do chưa xây dựng các quy định pháp luật đầy đủ, khả thi, chưa bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của các quy định pháp luật.

“Không nên quy định sở hữu nhà chung cư có thời hạn nhằm đẩy nhanh việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, thay vào đó cần tìm được “điểm cân bằng về lợi ích”, đảm bảo hài hoà quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các chủ sở hữu nhà chung cư và của nhà đầu tư”, HoREA kiến nghị.