ISSN-2815-5823
Thứ hai, 05h08 03/06/2019

Hướng dẫn 4544 của Bộ Tài chính có thể làm chậm cổ phần hoá?

(KDPT) – Bộ Tài chính vừa có văn bản số 4544/BTC-TCDN hướng dẫn về phương án sử dụng đất khi cổ phần hoá doanh nghiệp. Một số ý kiến cho rằng văn bản này có khả năng khiến việc cổ phần hóa doanh nghiệp tiếp tục gặp khó.

Kinh doanh và Phát triển đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Gia Cường, Giám đốc Công ty Thẩm định giá và Giám định Việt Nam (VAI).

Ông đánh giá thế nào về các điểm quan trọng và cần chú ý của văn bản hướng dẫn 4544/BTC-TCDN mới được ban hành?

Những điểm cần chú ý đối với văn bản hướng dẫn 4544/BTC-TCDN được tóm tắt như sau:

  • Các doanh nghiệp trong kế hoạch cổ phần hoá phải khẩn trương lập phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, tiến hành kê khai diện tích đất trong doanh nghiệp để thực hiện cổ phần hoá theo Nghị định 167/2017/NĐ-CP (bao gồm toàn bộ diện tích đất của doanh nghiệp có vốn góp của doanh nghiệp thực hiện cổ phần hoá và chưa được sắp xếp theo quy định của Luật Đất đai, Luật Quản lý sử dụng tài sản công).
  • Căn cứ vào phương án được phê duyệt và lộ trình cổ phần hoá doanh nghiệp đã được duyệt, cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định thời điểm cổ phần hoá, thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp cho phù hợp.
  • Ban chỉ đạo cổ phần hoá chỉ đạo Tổ giúp việc phối hợp cùng doanh nghiệp chuẩn bị hồ sơ liên quan gửi đến UBND tỉnh thành phố (nơi có địa điểm đất) đề nghị xin ý kiến đối với toàn bộ diện tích đất doanh nghiệp sẽ tiếp tục sử dụng sau cổ phần hoá và giá đất cụ thể làm cơ sở xác định giá trị doanh nghiệp theo quy định tại Điều 30 Nghị định 126/2017/NĐ-CP.
  • Điểm quan trọng của văn bản là quyết liệt kiểm điểm, xử lý trách nhiệm và bồi thường vật chất các chi phí phát sinh do tổ chức, cá nhân có liên quan làm chậm quá trình cổ phần hoá doanh nghiệp.

TIN LIÊN QUAN:
>>> Việt Nam: Bộ Tài chính rà soát cơ sở pháp lý thu hồi đất của doanh nghiệp cổ phần hóa
>>> Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước: số lượng chưa đạt đến 1/3

Một nội dung của hướng dẫn đang được coi là khó hiểu và khó áp dụng là “giá đất cụ thể là cơ sở xác định giá trị doanh nghiệp”, ý kiến của ông về nội dung này như thế nào?

Đây là một điểm rất đáng lưu ý của hướng dẫn 4544/BTC-TCDN. Tại Tiết a, Khoản 6, Điều 30 của Nghị định 126/2017/NĐ-CP chỉ nêu“Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải có ý kiến chính thức đối với toàn bộ diện tích đất doanh nghiệp sẽ tiếp tục sử dụng sau cổ phần hóa và giá đất cụ thể quy định tại Điều này theo quy định của pháp luật về đất đai”, tức là “giá đất cụ thể” vẫn sẽ được xác định sau cổ phần hóa như trước đây, không phải là căn cứ để xác định giá trị tài sản mà chỉ thuận lợi về công tác quản lý đất đai của doanh nghiệp sau cổ phần hóa, nhưng tại Công văn số 4544/BTC-TCDN Bộ Tài chính có ý hướng dẫn khác: “giá đất cụ thể là cơ sở định giá trị doanh nghiệp” tức là sẽ phải xác định trước, làm cơ sở xác định giá trị tài sản là quyền sử dụng đất trong doanh nghiệp khi cổ phần hóa.

Việc tính “giá đất cụ thể” đối với diện tích đất thuê có thời hạn theo hình thức trả tiền hàng năm chỉ làm căn cứ tính tiền thuê đất trả tiền hàng năm, đây là chi phí thường xuyên, không phải là giá trị tài sản để tính vào giá trị doanh nghiệp nên hướng dẫn “giá đất cụ thể là cơ sở xác định giá trị doanh nghiệp” là rất khó hiểu để, chỉ chuyển thủ tục hành chính vào giai đoạn trước thời điểm CPH chứ không thể áp dụng vào tính giá trị tài sản khi cổ phần hóa.

Ông Ngô Gia Cường, GĐ công ty Thẩm định giá và Giám định Việt Nam

Trước đây, theo Thông tư 146/2007/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần theo quy định tại Nghị định 109/2007/NĐ-CP cũng đã có hướng dẫn về việc đưa “Giá trị lợi thế vị trí địa lý của lô đất để tính vào giá trị doanh nghiệp”. Tài sản là “lợi thế vị trí địa lý” đã gây khó khăn trên thực tế áp dụng. Liệu hướng dẫn lần này với việc quy định “giá đất cụ thể là cơ sở xác định giá trị doanh nghiệp” sẽ gây khó thế nào đối với thực tế triển khai thưa ông?

Thông tư 146/2007/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần theo quy định tại Nghị định 109/2007/NĐ-CP đã từng hướng dẫn tính giá trị “Giá trị lợi thế vị trí địa lý áp dụng đối với doanh nghiệp cổ phần hóa (không phụ thuộc vào ngành nghề và kết quả kinh doanh) sử dụng các lô đất thuộc loại đất đô thị nếu lựa chọn hình thức thuê đất thì phải xác định giá trị lợi thế địa lý của lô đất để tính vào giá trị doanh nghiệp”. Trên thực tế, do phương pháp tính không cụ thể, mỗi địa phương có cách tính khác nhau và “giá đất” tính vào bằng cách này làm giá trị doanh nghiệp tương đối cao nên công cuộc cổ phần hoá bị chững lại. Có thể vì vậy, sau đó Nghị định 59/2011/NĐ-CP, Nghị định 189/2013/NĐ-CP ​và Thông tư số 127/2014/TT-BTC hướng dẫn xử lý tài chính và xác định giá trị doanh nghiệp khi thực hiện chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần đã bỏ cách tính giá trị của loại tài sản này.

Tôi cho rằng, với nội dung hướng dẫn xác định “giá đất cụ thể làm cơ sở xác định giá trị doanh nghiệp” đối với diện tích đất thuê trả tiền hàng năm là rất khó hiểu? Phương pháp cụ thể nào để tính giá trị loại đất này vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hoá? Nội dung này phù hợp để hướng dẫn thực hiện thông tư 59/2018/TT-BTC, hướng dẫn hoạt động thoái vốn Nhà nước hơn là hoạt động cổ phần hóa (IPO).

Nếu hiểu, hướng dẫn này “ám chỉ” việc tính giá trị quyền sử dụng đất thuê trả tiền hàng năm được tính theo Tiêu chuẩn thẩm định giá vào giá trị doanh nghiệp tức là đã hiện thực hóa nguồn lợi sinh ra từ quyền sử dụng đất trong tương lai về thời điểm hiện tại theo hiện trạng sử dụng đất. Cách tính này sẽ làm tăng giá trị doanh nghiệp, giảm độ hấp dẫn đối với nhà đầu tư. Cùng với chủ trương siết chặt quy định phải đấu giá đất khi chuyển mục đích sử dụng đất thì việc thuyết phục nhà đầu tư mua doanh nghiệp không còn tiềm năng phát triển là rất khó.

Đây là vướng mắc đã từng gặp phải khi áp dụng Thông tư 146/2007/TT-BTC. Tuy nhiên giá trị từ đất vẫn thu hút được nhà đầu tư nếu doanh nghiệp đang được quản lý sử dụng “đất vàng” bơi lẽ họ huy vọng sẽ được chuyển mục đích sử dụng đất không qua đấu giá. Tuy nhiên, với áp lực từ nghị trường, dư luận và với kết luận của kiểm toán Nhà nước về kết quả kiểm toán công tác cổ phần hóa giai đoạn 2013 – 2017 của thành phố Hà Nội thì hiện nay khó có địa phương nào dám suy đoán hướng dẫn của Bộ Tài chính. Như vậy sẽ xuất hiện những khó khăn mới khi áp dụng hướng dẫn 4544/BTC-TCDN vào thực tế.

Minh Giác (thực hiện)

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 08/05/2024