ISSN-2815-5823
Thứ ba, 07h07 05/01/2021

Khát vọng phát triển nhìn từ Nghị quyết 01

(KDPT) – Như thường lệ, trong ngày làm việc đầu tiên của một năm mới, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 01, nghị quyết mang tính xương sống, kim chỉ nam cho việc chỉ đạo, điều hành kinh tế – xã hội của một năm, hay có thể ví von như “tiếng trống trận”, thúc giục Chính phủ hành động.

Nếu như năm 2020, Chính phủ xác định phương châm hành động là “Kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả” với 6 trọng tâm chỉ đạo, điều hành, năm 2021 này phương châm hành động được xác định: Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển. Có thể thấy, “Kỷ cương” và “Sáng tạo” là phương châm hành động xuyên suốt của Chính phủ trong hai năm qua. Điều đặc biệt của năm 2021 trong phương châm hành động của Chính phủ nằm ở bốn chữ “khát vọng phát triển”.

Doanh nghiệp Việt Nam lạc quan trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế

Có thể nói, năm nay, câu chuyện có phần đặc biệt hơn. Không phải chỉ vì 2021 là năm đầu tiên thực hiện Chiến lược 10 năm và Kế hoạch 5 năm mới, mà còn vì chúng ta đang ở thời điểm rất đặc biệt. Covid-19 đã khiến kinh tế thế giới và Việt Nam điêu đứng. Mức tăng trưởng 2,91% của năm 2020 tuy là kết quả tích cực trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái, song không thể phủ nhận đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua. Hơn nữa, nền kinh tế sắp bước vào năm 2021 với rất nhiều yếu tố bất định, khó dự báo, khi Covid-19 chưa có dấu hiệu được ngăn chặn trên toàn cầu, thậm chí còn lan rộng, bất chấp các nỗ lực của các nước trong việc đưa các loại vắc-xin vào thử nghiệm.

Giống như “không thể dự báo hoa sữa nở vào tháng Năm”, không ai có thể dự báo những biến động trong năm 2021 một cách chính xác. Do đó, một bản Nghị quyết đầu năm nhằm hoạch định những việc cần phải làm, dự báo những điều có thể xảy ra và cách ứng phó là điều cần thiết, để không bị bất ngờ trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Và thực tế đã chứng minh, Việt Nam đã không bị bất ngờ với Covid-19 và cả những hệ quả mà nó mang tới. Do đó, với bản nghị quyết 01, chúng ta có thể tin tưởng rằng Chính phủ đã lường được những khó khăn, và cả cơ hội cho năm đặc biệt này.

Trong bối cảnh đó, Quốc hội mới đây đã quyết nghị nhiều mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội quan trọng trong năm 2021, theo đó tăng trưởng GDP ở mức 6%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng từ 45 đến 47%… Nhưng trong Nghị quyết 01, Chính phủ đề ra mục tiêu cao hơn: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP): Khoảng 6,5%; GDP bình quân đầu người: Khoảng 3.700 USD.

Để đạt được mục tiêu này không hề dễ, nếu xét bối cảnh trong nước và quốc tế hiện nay. Hơn thế, tính khó dự báo của nền kinh tế khiến việc xây dựng các kịch bản tăng trưởng trở nên khó khăn hơn. Điều này đòi hỏi phải có các biện pháp điều hành đặc biệt hơn, quyết liệt hơn, chủ động hơn và sẵn sàng thích ứng với bất kỳ cú sốc hay sự xoay chuyển nhanh chóng nào của nền kinh tế nếu điều đó xảy ra.

“Quyết liệt” cũng là cụm từ được nhắc tới ở điều 2 trong 8 trọng tâm điều hành, chỉ đạo của Nghị quyết 01. Đó là hai lĩnh vực quan trọng: Thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội trong trạng thái bình thường mới. Chữ “quyết liệt” còn lại dành cho thực hiện cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính.

Năm 2020, doanh nghiệp và người dân đã được thấy Chính phủ thể hiện sự quyết liệt trong phòng, chống dịch bệnh một cách rõ nét, hiệu quả. Chúng ta là một trong số ít quốc gia trên thế giới có thể “Thẳng lưng mà bước, ngẩng đầu mà bay!” – (Bài ca mùa xuân 1961 – Tố Hữu) trước đại dịch Covid-19. Thành công này đã được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá, chúng ta không tự nhận.

Song song với đó, 2020 cũng là năm các thủ tục hành chính được quyết liệt đơn giản hóa, giảm nhanh, nhiều. Tính từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV đến nay, đã cắt, giảm, đơn giản hóa gần 4.000 điều kiện kinh doanh, gần 7.000 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành, 30/120 thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành… Chính phủ quyết liệt, các Bộ không thể ngồi im, từ đó doanh nghiệp và người dân đã được hưởng lợi. Theo tính toán sơ bộ thì tổng số tiền có thể tiết kiệm được khi thực hiện các phương án đổi mới về cải cách thủ tục hành chính khoảng trên 8.800 tỉ đồng/năm.

Nỗ lực, quyết tâm, thậm chí quyết liệt của Chính phủ đã mang lại niềm tin trong nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Thông tin Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) hay đại diện các doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam “rất lạc quan” về triển vọng hợp tác thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ; 86% doanh nghiệp Việt Nam kỳ vọng doanh số bán hàng sẽ tăng trong năm 2021, cao hơn so với mức trung bình toàn cầu và châu Á – Thái Bình Dương (lần lượt 64% và 60%)… hay việc các công ty của Nhật Bản chuyển dịch dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam là minh chứng rõ nét cho chính sách đúng đắn, và sự nỗ lực của Chính phủ.

Khi những khát vọng, niềm tin của mỗi người dân được khơi dậy, đứng vững, kết thành sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, thì chắc chắn mọi khó khăn trên con đường thực hiện những mục tiêu đó sẽ bị loại bỏ. Với hướng đi đúng đắn, khát vọng phát triển mãnh liệt và quyết tâm chính trị cao, đất nước Việt Nam sẽ lập nên kỳ tích phát triển mới, thực sự phồn vinh, cường thịnh.

2021 cũng là năm đặc biệt, với Đại hội Đảng lần thứ XIII, bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp và là năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021-2030, Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025 và các kế hoạch 5 năm trên các lĩnh vực theo các nghị quyết của Đảng, Quốc hội. Nghị quyết 01 của Chính phủ cũng chỉ ra, các xu hướng mới về dịch chuyển đầu tư, thương mại, chuyển đổi số, cùng với sự thay đổi nhanh chóng của các mô hình kinh doanh, phương thức sản xuất, tiêu dùng, giao tiếp xã hội, khoa học công nghệ… vừa là cơ hội, vừa là thách thức, đòi hỏi Chính phủ tuyệt đối không chủ quan, tiếp tục đổi mới tư duy phát triển, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn, biến thách thức thành cơ hội… để hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước, như Thủ tướng đã nói trong một cuộc họp: “khát vọng đó không nằm trong phòng họp mà chính là hành động trong cuộc sống”.

DUY KHÁNH

Bạn đang đọc bài viết Khát vọng phát triển nhìn từ Nghị quyết 01
tại chuyên mục Góc nhìn.
Cung cấp thông tin, liên hệ đường dây nóng:
03694529040977600308.
Hoặc Email: [email protected]
[email protected]



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 19/04/2025