Khi trí tuệ nhân tạo hòa nhịp cuộc sống
Trong khi đó, Giám đốc điều hành (CEO) của Tesla và Space X, đồng thời là nhà sáng lập OpenAI (một công ty chuyên nghiên cứu về AI) – tỷ phú Elon Musk – cũng cho rằng AI có thể “sẽ dẫn đến Chiến tranh thế giới lần thứ 3”, thậm chí có khả năng thống trị nhân loại vĩnh viễn.
Ở một khía cạnh nào đó, có thể hiểu những lời cảnh báo trên là minh chứng cho sự phát triển không thể cản nổi của AI. Chỉ trong một thời gian ngắn, AI đang từng bước hòa nhịp cùng cuộc sống thường nhật của con người, khi ngày càng có nhiều sản phẩm công nghệ dành cho người dùng phổ thông được tích hợp AI.
Nếu có dịp đến với triển lãm công nghệ quốc tế thường niên lớn nhất châu Âu Internationale Funkausstellung (IFA) đang diễn ra tại thủ đô Berlin của Đức, bạn chắc chắn sẽ choáng ngợp với các sản phẩm điện tử hiện đại, tối ưu, ứng dụng AI một cách triệt để.
Theo ông Hans Joachim Kamp, Chủ tịch công ty thiết bị điện tử, gia dụng và tiêu dùng GFU của Đức – đơn vị đồng tổ chức IFA 2018, ứng dụng AI đang là xu hướng thống trị thiết bị điện tử tiêu dùng trong năm nay, mang lại sự sáng tạo công nghệ ở tất cả lĩnh vực.
Tập đoàn Samsung Electronics của Hàn Quốc đưa tới IFA 2018 loa kết nối Internet Home Galaxy với phần mềm “trợ lý ảo” Bixby để cạnh tranh với các sản phẩm tương tự như Google Assistant, Siri của Apple hay Alexa của Amazon.
Các trợ lý ảo này từng “gây bão” tại các kỳ IFA trước và năm nay tiếp tục là cơ hội để các tập đoàn công nghệ đánh giá sự quan tâm của công chúng đối với sản phẩm này, tiến tới ứng dụng rộng rãi hơn của các trợ lý ảo trong các sản phẩm gia đình. Samsung Electronics tuyên bố sẽ ứng dụng công nghệ AI vào tất cả các trang thiết bị gia đình mà hãng sản xuất vào năm 2020.
Trong khi đó, LG – một tên tuổi khác từ “Xứ Kim chi” và là đối thủ cạnh tranh của Samsung – trình làng tại IFA 2018 siêu phẩm CLOi SuitBot, một khung xương máy đeo bên ngoài cơ thể có khả năng tăng cường sức mạnh đôi chân cho người sử dụng và có thể kết nối với những sản phẩm người máy khác của LG để thực hiện các nhiệm vụ phức tạp hơn so với các khung xương máy thông thường.
Ngoài ra, LG còn gây ấn tượng mạnh cho khách tham quan với một đường hầm kỳ ảo dài gần 28 mét được xây dựng dựa trên 90 màn hình OLED lõm và 146 màn hình OLED lồi nối tiếp nhau, tạo ra hơn 2 tỷ điểm ảnh tự phát sáng – một “đặc sản” không thể thiếu của LG trong những triển lãm công nghệ lớn thường niên. Tại IFA 2018, đường hầm LG này còn đặc biệt hơn khi được kết hợp cùng âm thanh Atmos để tạo nên hiệu ứng nghe nhìn vô cùng độc đáo, từ tiếng nước chảy từ thác nước cho đến khung cảnh vào sáng bình minh ở những khu rừng…
Với các loại mũ và kính thực tế ảo được nâng cấp, IFA 2018 đánh dấu sự xuất hiện của các sản phẩm công nghệ thực tế ảo chất lượng cao và có tính ứng dụng hơn. Ví dụ như một ứng dụng của hãng gia dụng IKEA cho phép người dùng giả lập hình ảnh ảo của các món đồ nội thất trong nhà trước khi quyết định đặt mua. Hoặc thậm chí bạn cũng có thể sắm cho mình một chiếc tủ lạnh thông minh có thể tự đặt mua thực phẩm khi đồ ăn dự trữ sắp hết.
Sharp “trình làng” tại IFA 2018 mẫu TV độ nét 8K đầu tiên trên thế giới. Với kích thước 70 inch, chiếc TV có tên mã LV-70X500E này sẽ có độ phân giải lớn gấp 16 lần chiếc TV full HD. Nếu bạn hâm mộ các chương trình thể thao đỉnh cao, hãy chuẩn bị 14.000 USD ngay từ bây giờ để sắm thiết bị đỉnh cao này.
Tại IFA 2018, đài phát thanh (radio) cũng đã quay trở lại dưới một dạng thức mới. Là “con đẻ” của nhà sáng chế lừng danh người Italy Paolo Novelli, chiếc 4GRadio hội tụ đầy đủ sự tinh tế trong thiết kế và chất lượng âm thanh. Chiếc radio này tích hợp sẵn đầu đọc CD, DVD và là thiết bị kết nối mạng 4G, hỗ trợ đầy đủ các tính năng giải trí bằng âm thanh như tạo playlist, chia sẻ playlist trên mạng xã hội, tra cứu tìm kiếm thông tin ca sĩ, thậm chí cả mua sắm online qua màn hình hiển thị.
Một trong những sản phẩm đồ gia dụng thông minh thu hút sự chú ý tại triển lãm IFA năm nay là robot bluetooth có tên Keecker. Người dùng chỉ cần sử dụng lệnh điều khiển bằng giọng nói trên điện thoại thông minh để yêu cầu robot chiếu video và chơi nhạc. Điểm đặc biệt là robot Keecker có thể kết nối bluetooth cùng lúc với nhiều loa, mang đến trải nghiệm âm thanh vòm tới người dùng.
Bên cạnh đó, hãng sản xuất các dòng xe tự cân bằng Segway đã ra mắt đôi giày trượt tự cân bằng công nghệ cao Drift. Đôi giày trượt tự cân bằng sử dụng công nghệ ổn định để giữ cho người đi thẳng đứng khi họ di chuyển.
Hãng Sony thì đã nâng cấp chú chó robot AIBO sau hơn 10 năm AIBO “chào đời. Theo đó AIBO thế hệ 2.0 được tích hợp cảm biến, camera và hệ thống phần cứng xử lý để giúp AIBO có thể thực hiện một số hành động như sủa, ngồi, quẩy đuôi, bắt tay hay nháy mắt… AIBO cũng được trang bị cặp mắt OLED có thể nhìn và một camera trong mũi có thể dùng như camera an ninh để giám sát giúp chủ nhân khi vắng nhà.
Ngoài ra, IFA 2018 còn là nơi ra mắt rất nhiều sản phẩm ấn tượng khác như loa di động không thấm nước tích hợp trợ lý ảo Google Assistant của Sony, hay tai nghe không dây cao cấp Sennheiser Momentum True Wireless – một thiết bị cho chất lượng âm thanh vòm tuyệt hảo, đối thủ nặng ký của bất kỳ mẫu tai nghe không dây cao cấp nào đang có mặt trên thị trường.
Các nhà sản xuất như Huawei, Motorola, Fitbit, Lenovo, Phillips… cũng nhân dịp này trình làng một loạt các dòng sản phẩm từ smartphone, loa thông minh, vòng đeo tay,… cho tới TV, kính VR, và nhiều công nghệ độc đáo khác.
Một loạt điện thoại thông minh (smartphone) thế hệ mới tích hợp AI đã được giới thiệu tới công chúng như Sony Xperia XZ3, BlackBerry Key2 LE, Huawei Mate 20 Lite hay bộ đôi LG G7 One và LG G7 Fit.
Vậy liệu sự xuất hiện của AI trên hàng loạt sản phẩm gia dụng có đáng để lo ngại? Ông HS Kim – CEO của Samsung Electronics – khẳng định: “Chúng tôi cần giúp cho người dùng cảm nhận được rằng họ hoàn toàn nắm quyền điều khiển tương lai mà chúng tôi đang kiến tạo. Mục đích của chúng tôi là giúp người dùng cởi mở hơn để chấp nhận tiềm năng của AI, và không mang nỗi sợ hãi rằng chúng sẽ thống trị con người trong tương lai”.
Cùng quan điểm với ông HS Kim, Giáo sư Luciano Floridi – chuyên gia nghiên cứu về đạo đức học trong thời đại số – cho rằng: “Nguy cơ thực sự của AI đều nằm ở con người: thiết kế sai lầm, lựa chọn sai lầm, thời điểm sai lầm. Nếu có điều gì xảy ra, con người phải chịu trách nhiệm. Mối nguy duy nhất cho loài người chính là loài người. Tất cả những thứ khác chỉ xảy ra trong tiểu thuyết khoa học mà thôi”
Có thể hiểu rằng với trình độ phát triển hiện nay, AI đã, đang và sẽ “đồng hành” với con người và đây là xu thế không thể đảo ngược. Còn câu hỏi AI sẽ làm “bạn” hay trở thành “thù” thì chính con người sẽ trả lời.