Khơi thông dòng vốn Việt kiều về thị trường bất động sản
Đón dòng vốn Việt kiều về nước
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, tính riêng trong 3 năm qua, Việt Nam đã thu được từ 17-18 tỷ USD kiều hối/năm và dự kiến sẽ tiếp tục tăng, có thể đạt 14,4 tỷ USD đến cuối năm 2024. Lượng kiều hối rót vốn đầu tư về quê hương chiếm nguồn lực lớn trên thị trường.
Trong thời gian qua, dù nền kinh tế toàn cầu còn nhiều khó khăn nhưng dòng vốn Việt kiều về nước vẫn duy trì hết sức ổn định. Nguồn vốn này có ý nghĩa rất quan trọng, bởi nó không chỉ giúp gia tăng lợi nhuận từ các hoạt động dịch vụ của ngân hàng, mà còn giúp tăng dự trữ ngoại hối quốc gia.
TS. Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế nhận định, nguồn vốn của lượng kiều hối về Việt Nam khá ổn định và tăng đều trong các năm qua. Năm 2023, dòng tiền của người Việt ở nước ngoài về Việt Nam vẫn đạt hơn 16 tỷ USD, đây là số lượng cao nhất trong nhiều năm qua.
Thậm chí, giai đoạn 2020-2021 mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng lượng giải ngân vốn đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục tăng. So với năm 2022, lượng giải ngân vốn đầu tư nước ngoài trong năm 2023 cũng tăng gần 4%.
“Điều này cho thấy, dù trong điều kiện kinh tế thế giới khó khăn thì lượng vốn này vẫn hỗ trợ tốt cho quá trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Lượng kiều hối này hướng về đầu tư trong nước sẽ giúp tạo ra việc làm, tạo nguồn lực cực hiếm cho xã hội, từ đó thúc đẩy kinh tế phát triển”, ông Thịnh nói.
Theo ông Peter Hồng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, hiện nay có khoảng 700 nghìn doanh nhân có tri thức, trình độ cao, đặc biệt là những người lớn tuổi từ 60 trở lên đang có mong muốn được trở về quê hương sinh sống và đầu tư kinh doanh. Họ muốn trở về gắn bó với đất nước và có nhu cầu lớn sở hữu căn nhà tại quê hương để làm việc, kinh doanh.
TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh (nguyên Phó Viện trưởng CIEM) cho biết, thị trường bất động sản cho thuê cao cấp trong những năm gần đây có tỷ lệ lấp đầy khá cao, giá thuê liên tục được đẩy tăng giá. Trong đó, đối tượng chủ yếu của phân khúc này là những người nước ngoài đang sống và làm việc tại Việt Nam.
Nhiều điều kiện thuận lợi về mặt chính sách
Mặc dù, nhu cầu mua nhà tại Việt Nam của người Việt định cư tại nước ngoài là rất lớn, nhưng trong quá khứ, họ bị hạn chế rất nhiều trong việc tiếp cận và sở hữu được đất đai, các tài sản gắn liền với đất trong nước.
Đa phần những người nước ngoài muốn đầu tư vào Việt Nam sẽ phải thông qua người thân, họ hàng để đứng tên mua bán, điều này đã dẫn đến một số tranh chấp tài sản không đáng có.
Vừa qua, các Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) đã chính thức được thông qua, tạo điều kiện thông thoáng, bảo đảm cho người Việt Nam định cư tại nước ngoài, vẫn giữ được quốc tịch có quyền sử dụng đất, quyền kinh doanh bất động sản như công dân trong nước.
Trong đó, Luật Đất đai mới quy định công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam có đầy đủ các quyền liên quan đến đất đai, chứ không chỉ quyền đối với đất ở như công dân Việt Nam ở trong nước.
Theo TS. Đinh Trọng Thịnh, hiện nay các quy định, cơ chế mới đã rất “cởi mở” hơn trên mọi mặt, tạo cơ hội cho người Việt Nam tại nước ngoài có khả năng tiếp cận với thị trường bất động sản trong nước một cách dễ dàng, thuận lợi hơn.
“Các luật sửa đổi mới giúp cho kiều bào đang sinh sống tại nước ngoài có nhiều điều kiện thuận lợi để gửi tiền về nước mua bán và đầu tư bất động sản, có quyền sử dụng đất cũng như đầu tư và phát triển các cơ sở hạ tầng, dự án đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế đất nước”, ông Thịnh nói.
Để tăng cường thu hút nguồn lực lớn từ dòng vốn kiều hối, ông Thịnh cho rằng, trong thời gian tới, Chính phủ và các cơ quan quản lý nên tiếp tục tạo ra một môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, cải cách hành chính cùng với những chính sách đầu tư thông thoáng… Bên cạnh đó cần nhanh chóng hoàn thành các thủ tục, giấy tờ, yêu cầu để cho các kiều bào nước ngoài có thể nắm bắt được và chuẩn bị khi muốn sở hữu bất động sản, tài sản tại Việt Nam.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng nhận định, kiều hối đóng vai trò hết sức quan trọng đối với nền kinh tế đất nước. Tuy nhiên, để thu hút được nguồn lực này thì Nhà nước cần có đầy đủ thông tin rõ ràng về cơ hội đầu tư tại Việt Nam đến những người Việt đang sinh sống tại nước ngoài. Hơn nữa, các cơ quan, bộ phận hỗ trợ Việt kiều khi về Việt Nam cũng phải bảo đảm tốt các vấn đề liên quan đến y tế, an ninh, thị thực...
Đối với các chủ đầu tư các dự án cũng nên nghiên cứu những sản phẩm bất động sản phù hợp hơn, nâng cao dịch vụ, chất lượng để đáp ứng những nhu cầu của các Việt kiều, người nước ngoài. Trong đó, các dự án bất động sản sẽ hướng tới các tiêu chí công trình xanh, chất lượng tốt, kiến trúc đẹp. Đây sẽ là động lực để khơi thông mạnh mẽ dòng ngoại hối chảy về thị trường bất động sản.
Các chủ đầu tư cũng cần nghiên cứu sản phẩm phù hợp hơn, nâng cao chất lượng, dịch vụ để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người nước ngoài, Việt kiều. Gần đây có nhiều chủ đầu tư đã cho ra mắt những sản phẩm chất lượng tốt, có kiến trúc đẹp, đạt tiêu chí công trình xanh, đây là động lực để khơi thông mạnh mẽ dòng ngoại hối chảy về thị trường bất động sản./.
- Bất động sản nhà phố, căn hộ thứ cấp hút khách
- 3 tháng đầu năm, vốn ngoại đăng ký vào bất động sản tăng vọt