ISSN-2815-5823

Kiên quyết xử lý hàng Trung Quốc đội lốt “made in Vietnam”

(KDPT) – Bộ Công thương vừa công bố dự thảo Thông tư Quy định về cách xác định sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam. Tuy nhiên, trong khi đang chờ lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân, người dân và doanh nghiệp về nội dung dự thảo, thì nhiều lô hàng Trung Quốc đã tuồn vào Việt Nam, sau đó dán mác “made in Vietnam”, đưa ra thị trường tiêu thụ.

Cách đây ít ngày, Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Hải Phòng khu vực III phát hiện, bắt giữ một container chứa hàng nghìn phụ kiện điện thoại di động, được nhập khẩu từ Trung Quốc, nhưng trên bao bì và hàng hóa lại gắn sẵn dòng chữ “made in Vietnam”.

Bao bì, sản phẩm tên tuổi, địa chỉ và cả trung tâm bảo hành của Công ty cổ phần Thương mại TITAN Việt Nam.

Lô sản phẩm phụ kiện điện thoại trên được Công ty TNHH MTV Hoàng Bảo Phát IMEX (Hoàng Bảo Phát IMEX, trụ sở tại Phường Tam Thanh, TP Lạng Sơn) nhập khẩu ủy thác cho một doanh nghiệp có trụ sở tại Hà Nội.

Đáng chú ý, khi làm thủ tục nhập khẩu, Hoàng Bảo Phát IMEX xuất trình cho cơ quan Hải quan Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) mẫu E (xuất xứ Trung Quốc). Tuy nhiên khi khám xét container, lực lượng Hải quan phát hiện nhiều phụ kiện điện thoại được in sẵn trên bao bì, sản phẩm tên tuổi, địa chỉ và cả trung tâm bảo hành của một doanh nghiệp trong nước. Bên cạnh đó, trên nhiều sản phẩm còn in sẵn dòng chữ “made in Việt Nam” và cả ký hiệu mã vạch của Việt Nam (đầu mã 893).

Do khi làm thủ tục, doanh nghiệp xuất trình C/O Form E của Trung Quốc, nên lô hàng được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 0%. Ngoài ra, trong sản phẩm lại thể hiện xuất xứ Việt Nam nên trường hợp doanh nghiệp bán hết lô hàng lại được hoàn thuế giá trị gia tăng 10%.

Vụ việc này nếu không được cơ quan hải quan kịp thời phát hiện, ngăn chặn thì doanh nghiệp đã chiếm dụng hàng trăm triệu đồng tiền thuế của nhà nước.

Cũng liên quan hàng hóa Trung Quốc nhập lậu vào Việt Nam, trước đó, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 24 thuộc Cục QLTT Hà Nội phối hợp Công an huyện Hoài Đức, phát hiện và thu giữ lô hàng máy bơm nước xuất xứ Trung Quốc, bị bóc tem dán nhãn “made in Viet Nam” chưa kịp lưu thông ra thị trường.

Lô hàng máy bơm nước gắn nhãn gian lận về nguồn gốc xuất xứ bị tạm giữ. Ảnh: QL

Đoàn kiểm tra đã phát hiện 166 máy bơm nước nhãn hiệu SUMOEL model LPCP60 có dán nhãn “made in Vietnam”, 297 máy bơm nhãn hiệu SUMOEL có nhãn nước ngoài sản xuất.

Ngoài lượng lớn máy bơm, đoàn kiểm tra còn phát hiện 3.500 bóng chíp điện tử và 43kg nhãn mác có chữ “made in Vietnam”. Toàn bộ sản phẩm đều là hàng mới, chưa qua sử dụng.

Đại diện Công ty cổ phần Thiết bị điện 368 cho biết, sau khi nhập khẩu trực tiếp lô máy bơm có xuất xứ từ Trung Quốc, doanh nghiệp này đã thay đổi nhãn dán của 166 máy bơm nước, thành máy bơm nước thông minh model SMTN 220A, sau đó dán nhãn “made in Vietnam”.

Sau khi cải biến sản phẩm thành hàng Việt Nam, doanh nghiệp này đóng toàn bộ lô hàng vào thùng carton do công ty đặt in có nội dung: Công ty cổ phần Thiết bị điện 368, địa chỉ An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội, Việt Nam.

Qua các sự việc trên, cho thấy thị trường Việt Nam đang trở thành mảnh đất màu mỡ đối với các sản phẩm hàng hóa Trung Quốc. Do ảnh hưởng bởi thuế quan và cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, nên một số doanh nghiệp Trung Quốc đã chọn Việt Nam là thị trường tiêu thụ sản phẩm, dùng chiêu trò “lách” luật hoặc cố tình vi phạm để né thuế.

Được biết, tại cuộc họp báo của Ban Chỉ đạo quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) vừa qua, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Đàm Thanh Thế đã trao đổi về tình hình đấu tranh với những thủ đoạn buôn lậu hàng cấm, hàng giả, gian lận xuất xứ, nhãn hiệu… Để ngăn chặn tình trạng gian lận xuất xứ, bảo vệ người tiêu dùng trong nước, Tổng cục Hải quan cũng có công văn yêu cầu cục trưởng cục hải quan các tỉnh, thành phố chỉ đạo các chi cục hải quan tăng cường kiểm tra xuất xứ đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, nhưng trên nhãn lại thể hiện “made in Vietnam”.

Đối với hàng hóa nhập từ Trung Quốc, khi kiểm tra hồ sơ lô hàng, kiểm tra thực tế hàng hóa (nếu có), công chức hải quan phải thực hiện kiểm tra cụ thể tên hàng, mã số HS, xuất xứ hàng hóa, nhãn hàng hóa phải phù hợp với tên hàng, mã số HS, xuất xứ hàng hóa trong bộ hồ sơ lô hàng nhập khẩu, giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (nếu có).

Trường hợp phát hiện hàng hóa nhập khẩu ghi nhãn “made in Vietnam”, cục hải quan các tỉnh, thành phố xác minh làm rõ; nếu hàng hóa nhập khẩu có chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc thì tùy theo hành vi vi phạm cụ thể, tính chất, mức độ để xử lý theo thủ tục tố tụng hình sự hoặc xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Nghị định 185/2013.

Trường Minh (tổng hợp)

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 19/05/2024