1

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sức mạnh nội sinh của dân tộc, đã chứng minh rằng, Việt Nam là quốc gia đang đi tới tầm vóc của một nước “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, viết tiếp những trang sử vàng chói lọi của chiều dài binh lửa bão giông, kiến thiết dựng xây, thịnh vượng hùng cường. Năm 2022 qua đi, sau đại dịch Covid-19, bản lĩnh, sức sáng tạo của đất nước đã được khẳng định. Công cuộc thực hiện mục tiêu kép, vừa quyết liệt phòng chống khống chế dịch bệnh, vừa tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, nỗ lực phấn đấu cao nhất mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra và đạt được những kết quả đầy ấn tượng. Những thành quả này nhận được sự ủng hộ của nhân dân trong nước và các tổ chức quốc tế công nhận. Tại Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ: “Tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước là một yêu cầu tất yếu khách quan trong tình hình mới; là nhiệm vụ trung tâm của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước; là sự nghiệp của toàn dân và của cả hệ thống chính trị; lấy con người là trung tâm, doanh nghiệp là chủ thể; bảo đảm sự hài hoà giữa mục tiêu phát triển kinh tế đi đôi với yêu cầu giữ gìn tiến bộ và công bằng xã hội, bồi đắp và phát huy giá trị văn hoá của dân tộc, bảo vệ tài nguyên, môi trường; gắn kết chặt chẽ và đồng bộ với quá trình đô thị hoá, xây dựng nông thôn mới, đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển dịch cơ cấu lao động. Cần phải khai thác và phát huy tốt nhất tiềm năng, lợi thế của đất nước, của từng vùng, từng địa phương trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá; tận dụng và phát huy lợi thế của nước đi sau và đang trong thời kỳ “dân số vàng”; kết hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả giữa phát triển tuần tự với đi tắt đón đầu, thúc đẩy chuyển dịch nhanh từ gia công, lắp ráp sang sáng tạo, thiết kế và sản xuất tại Việt Nam; công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn là một nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu; chú trọng “dịch vụ hoá” các ngành công nghiệp. Coi chuyển đổi số là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá phải trên cơ sở nhận thức đầy đủ, tôn trọng và vận dụng đúng đắn các quy luật khách quan của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; có lộ trình và bước đi cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm; ưu tiên nguồn lực và có các cơ chế, chính sách đột phá, đặc thù để phát triển các cực tăng trưởng, các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên gắn với công nghệ thông minh, các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao; tăng cường liên kết ngành và liên kết vùng để tạo không gian phát triển mới; coi nguồn lực trong nước là cơ bản, chiến lược, lâu dài và quyết định; nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá; doanh nghiệp trong nước (bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân) là động lực chính, chủ đạo; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có vai trò quan trọng. Trong quá trình tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phải chú ý bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, hiệu quả; khơi dậy khát vọng phát triển, tinh thần khởi nghiệp quốc gia, đổi mới sáng tạo; phát huy giá trị văn hoá, bản lĩnh con người Việt Nam; vai trò xung kích, đi đầu của lực lượng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân và đội ngũ trí thức, giai cấp công nhân hiện đại”. Bên cạnh đó, Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh, Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 phải xác định rõ và đúng những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo; những mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu cần phấn đấu để đạt được; và các định hướng lớn về phát triển và phân bố không gian phát triển các ngành, lĩnh vực chủ yếu; định hướng tổ chức không gian phát triển theo vùng, lãnh thổ; định hướng phát triển hệ thống đô thị, nông thôn; định hướng phát triển hệ thống cửa khẩu biên giới đất liền quốc gia... Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế và còn dư địa lớn, gắn với không gian phát triển mới. Phát triển các vùng động lực, cực tăng trưởng quốc gia quan trọng để hình thành các “đầu tàu” lôi cuốn sự phát triển của quốc gia. Hình thành và phát triển các hành lang kinh tế theo trục Bắc - Nam và trục Đông - Tây; kết nối các cảng biển, cửa khẩu quốc tế, đầu mối giao thương lớn, các đô thị, trung tâm kinh tế, cực tăng trưởng. Lời phát biểu quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đưa ra những quan điểm, định hướng, chiến lược của Đảng ta để đưa thế và lực của Việt Nam có một tầm vóc mới trên bản đồ thế giới.

2

Tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV đã đưa ra kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2023: Mục tiêu tổng quát là tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và các dịch bệnh mới phát sinh. Đẩy mạnh cơ cấu lại, nâng cao năng lực nội tại, tính tự lực, tự chủ, khả năng chống chịu và thích ứng của nền kinh tế; quyết tâm thực hiện hiệu quả với nỗ lực cao nhất Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng trưởng xanh, chuyển đổi số. Về các chỉ tiêu chủ yếu, tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6,5%. GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.400 USD. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 25,4-25,8%. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân khoảng 5-6%. Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội đạt 26,2%.... Đây là một kế hoạch được khẳng định trên nền tảng của những kết quả đạt được của Việt Nam trong năm 2022. Những kế hoạch về kinh tế - xã hội của Việt Nam năm 2023 được Quốc hội thông qua đã khẳng định về quyết tâm mạnh mẽ, quyết liệt vượt khó mà Đảng, nhà nước cùng toàn thể dân tộc Việt Nam với niềm tin kiến tạo cho những bước phát triển mới của một Việt Nam ở thời kỳ mới. Song chúng ta còn phải vượt qua những thách thức không nhỏ, như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhận định tại Lễ kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam và tôn vinh Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu 2022: “Thời gian tới, tình hình thế giới dự báo phức tạp, khó lường hơn. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gia tăng; chuỗi cung ứng, lao động, sản xuất đứt gãy cục bộ; giá cả nguyên vật liệu đầu vào, lạm phát tăng cao ở nhiều nước; thị trường quốc tế thu hẹp. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu có thể khó lường hơn; thiên tai, dịch bệnh có thể nhiều hơn. Trong nước, chúng ta có cả thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn đặc biệt do tác động của tình hình địa chính trị, khó khăn của kinh tế toàn cầu. Đồng thời, khi xử lý những bất cập, tồn tại của thị trường tài chính nhất là trái phiếu, chứng khoán, tiền tệ sẽ có thể ảnh hưởng đến tâm lý xã hội, nhà đầu tư. Trong bối cảnh như vậy, để phục hồi nhanh và phát triển bền vững, chúng ta cần cùng nhau giải quyết với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, kịp thời, hiệu quả. Và tôi tin với tinh thần đại đoàn kết dân tộc, những kinh nghiệm đã tích lũy được, cùng sự cần cù, thông minh, sáng tạo của người Việt Nam, chúng ta sẽ làm được, sẽ chiến thắng”.

3

Để đi đến đài vinh quang, ngay từ hôm nay chúng ta cần kiến tạo một nền móng vững chắc. Điều này đã được chứng minh trong những năm qua, được thế giới công nhận. Với một niềm tin chắc chắn, với một khát vọng cháy bỏng vì một Việt Nam hưng thịnh hùng cường và hạnh phúc. Chúng ta tin tưởng rằng dưới sự lãnh đạo của Đảng sự điều hành sáng tạo quyết liệt của Chính phủ và sự đồng thuận, đồng lòng của toàn dân Việt Nam đã và đang kiến tạo nên những mùa xuân rạng ngời của đất nước “con rồng cháu tiên” và “đường lớn đã mở đi tới tương lai. Ngày mai đang bắt đầu từ ngày hôm nay”. Với khí thế đó, khát vọng đó Việt Nam sẽ thắng lợi. Bởi dân tộc ta với “hồn” Việt Nam đã tạo ra những sức mạnh vô biên để đi tới những bến bờ hạnh phúc đích thực. Như nhà thơ Lê Cảnh Nhạc đã viết: “Hồn Việt linh thiêng hạc trắng Văn Lang/ Khát vọng phồn vinh dẫn đường vận nước/ Hồn Việt khoan dung nghĩa tình sau trước/ Văn hóa soi đường cho quốc dân đi/ Hồn Việt tắm trong xanh ngát bóng tre/ Chắt chiu tinh hoa tự cường dân tộc/ Bốn ngàn năm non sông gấm vóc/ Kết tinh trong Hồn Việt hôm nay”.