ISSN-2815-5823

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng nhẹ trong tháng đầu năm 2019

(KDPT) – Tháng đầu tiên của năm 2019 trùng với tháng giáp Tết Âm lịch, nhu cầu nhập khẩu hàng hóa tăng cao phục vụ cho sản xuất hàng Tết. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam cũng tăng nhẹ trong tháng này.

Xuất khẩu tăng nhẹ

Theo Bộ Công Thương, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tháng 1 đạt 40,8 tỷ USD, tăng 1,8% so với tháng 12/2018 và tăng 0,89% so với tháng 1/2018. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 20 tỷ USD, tăng 1,9% so với tháng 12/2018. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 20,8 tỷ USD, tăng 1,7% so với tháng 12/2018 và tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2018.

Về xuất khẩu, kim ngạch của khu vực 100% vốn trong nước ước đạt 6,42 tỷ USD, tăng 7,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 13,58 tỷ USD, giảm 5,1% so với cùng kỳ năm 2018.

Hầu hết các nhóm ngành hàng chủ lực đều có kim ngạch xuất khẩu tăng nhẹ so với tháng trước. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu nhóm nông, lâm, thuỷ sản ước đạt 2,26 tỷ USD, tăng 3,1% so với tháng 12/2018. Trong nhóm này, hầu hết các mặt hàng đều đạt mức tăng trưởng cao so với tháng 12/2018 như: rau quả ước đạt kim ngạch 380 triệu USD, tăng 30,3%; sắn và các sản phẩm từ sắn ước đạt 124 triệu USD, tăng 58,8%; cà phê ước đạt 305 triệu USD, tăng 10,8%; hạt tiêu ước đạt 46 triệu USD, tăng 12,7%…

Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 16,42 tỷ USD, tăng 1,6% so với tháng 12/2018 và chiếm tỷ trọng khoảng 82,1% tổng kim ngạch xuất khẩu. Các mặt hàng có đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu trong tháng 1 là điện thoại các loại và linh kiện ước đạt 2,85 tỷ USD; hàng dệt và may mặc ước đạt 2,65 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt 2,25 tỷ USD; giày dép các loại ước đạt 1,6 tỷ USD; máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng ước đạt 1,4 tỷ USD…

Riêng kim ngạch xuất khẩu nhóm nhiên liệu và khoáng sản ước đạt gần 0,361 tỷ USD, giảm 2,1% so với tháng 12/2018 và giảm 12,5% so với cùng kỳ.

So với tháng 12 năm 2018, kim ngạch xuất khẩu sang hầu hết các khu vực thị trường tiếp tục duy trì mức tăng trưởng dương. Hoa Kỳ vẫn giữ vững vị thế là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong tháng 1 với kim ngạch đạt 4,05 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu sang thị trường châu Á ước đạt 10,98 tỷ USD, tăng 2,9%; trong đó xuất khẩu sang ASEAN ước đạt 1,99 tỷ USD, tăng 0,4%; xuất khẩu sang Nhật Bản ước đạt 1,63 tỷ USD, tăng 3,9%; xuất khẩu sang Hàn Quốc ước đạt 1,53 tỷ USD, tăng 3,8%… Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam trong tháng 1 với kim ngạch đạt 3,77 tỷ USD, tăng 3,3% so với tháng 12/2018 và tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu sang châu Âu ước đạt 3,46 tỷ USD, tăng 6% so với tháng 12/2018… Như vậy, trong tháng đầu năm 2019, một số thị trường truyền thống của Việt Nam vẫn được giữ vững và tiếp tục phát huy hiệu quả, cũng như từng bước tận dụng các lợi thế của các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết.

Trong tháng 1/2019, có 5 mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD. Tuy nhiên, chỉ nhóm hàng dệt may đạt được sự tăng trưởng về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2018 với 2,65 tỷ USD, tăng 6,7%.

Nhập khẩu tăng cao phục vụ sản xuất

Giai đoạn cận Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, hoạt động nhập khẩu hàng hóa của nước ta diễn ra khá sôi động nhằm mục đích phục vụ hàng hóa dịp Tết. Thêm vào đó, các doanh nghiệp cũng triển khai các hoạt động nhập máy móc thiết bị, nguyên vật liệu phục vụ chiến lược đầu tư mở rộng, dự trữ nguyên liệu sản xuất, xuất khẩu sau tết.

Ảnh: Internet

Theo đó, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 1 ước đạt 20,8 tỷ USD, tăng 1,7% so với tháng 12/2018. Trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 9,05 tỷ USD, tăng 3,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 11,75 tỷ USD, tăng 0,7%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 1/2019 ước tính tăng 3,1%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 9,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 1,3%. Tháng 1/2019, có 4 mặt hàng nhập khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD. Tuy giá các nhóm hàng là nguyên liệu đầu vào cho sản xuất trên thị trường thế giới không thấp, nhưng các doanh nghiệp tranh thủ nhập khẩu hàng hóa phục vụ sản xuất, tiêu dùng tăng cao vào tháng giáp Tết, do vậy đã góp phần làm kim ngạch nhập khẩu tháng 1 cao hơn so với cùng kỳ.

Với kim ngạch xuất nhập khẩu như vậy, tháng 1/2019, ước nhập siêu hàng hóa đạt 800 triệu USD, bằng 4% kim ngạch xuất khẩu. Trong đó: khu vực doanh nghiệp trong nước nhập siêu 2,6 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 1,8 tỷ USD.

Cũng theo Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng điện tử, đặc biệt là điện thoại được dự báo sẽ tăng trong những tháng tới bởi theo dự kiến, bộ đôi smartphone màn hình gập và Galaxy S10 của Samsung sẽ được hãng này giới thiệu vào ngày 20/2 tại San Francisco và London, nhân kỷ niệm 10 năm ra mắt dòng Galaxy S. Ngoài ra, khả năng công suất của nhà máy Samsung ở Việt Nam sẽ được tận dụng tối đa trong năm 2019 sau khi Samsung Electronics đã đóng cửa nhà máy sản xuất điện thoại tại Thành phố Thiên Tân, Đông Bắc Trung Quốc và gặp khó khăn về sản xuất tại Ấn Độ.

Chưa kể, năm 2019, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực, sẽ giúp hàng hóa Việt Nam mở rộng thị phần tại một số nước đang có thuế suất cao như Canada, New Zealand, Australia… giúp kim ngạch hàng hóa xuất khẩu có khả năng tăng cao trong năm 2019.

Theo Báo Công Thương Điện Tử



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 23/11/2024