ISSN-2815-5823

Kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa: Thực tiễn xóa tan nỗi lo “như nước với lửa”

(KDPT) – Cho đến nay, vẫn còn đó những quan điểm lo lắng, băn khoăn, đặt ra câu hỏi: liệu rằng kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa “triệt tiêu nhau”, “như nước với lửa”, “đầu Ngô mình Sở”, “không thể dung hòa”? Chúng tôi xin giới thiệu bài viết của Giảng viên Vũ Văn Long, Học viện chính trị, Bộ Quốc phòng, tháo gỡ thắc mắc này của nhiều doanh nhân hiện nay.

Phù hợp với Việt Nam

Trước hết, cần hiểu sâu sắc về thị trường, về lịch sử kinh tế thị trường. Thị trường và kinh tế thị trường ra đời cách đây 1.300 năm. Từ khi giai cấp tư sản xuất hiện, giai cấp này đã tận dụng nó để đẩy nhanh kinh tế phát triển đến mức người ta lầm tưởng nó là của riêng chủ nghĩa tư bản, thậm chí có người đồng nhất kinh tế thị trường với chính chủ nghĩa tư bản. Khi quá trình toàn cầu hóa tư bản chủ nghĩa diễn ra cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, kinh tế thị trường phát triển mạnh mẽ với quy mô, tính chất. Đó chính là kinh tế thị trường tự do để giới tư sản chiếm đoạt càng nhiều lợi nhuận càng tốt. Như vậy, kinh tế thị trường không phải riêng của chủ nghĩa tư bản mà là thành tựu của văn minh nhân loại, tồn tại và phát triển qua các phương thức sản xuất khác nhau.

Ảnh: Internet

Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được hình thành cũng với quá trình đổi mới tư duy kinh tế, là sự tìm tòi sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một kiểu tổ chức nền kinh tế vừa dựa trên những nguyên tắc và quy luật vận động của kinh tế thị trường (đó là sự phát triển của kinh tế hàng hóa, của quan hệ hàng hóa – tiền tệ) vừa được chi phối bởi các nguyên tắc và tính chất xã hội chủ nghĩa, thể hiện một cách toàn vẹn trên cả 3 mặt: sở hữu, tổ chức quản lý và phân phối. Chúng ta chỉ coi kinh tế thị trường là phương tiện, là cách thức để xây dựng chủ nghĩa xã hội gắn chặt với việc không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, chứ không phải vì mục đích là bóc lột giá trị thặng dư, thu về lợi nhuận tối đa bằng mọi giá như chủ nghĩa tư bản.

Thực tiễn chứng minh

Thực tiễn đất nước qua hơn 30 năm đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng là minh chứng rõ nét cho tính đúng đắn của sự phát triển tư duy kinh tế của Đảng về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Từ chỗ khẳng định có sản xuất hàng hóa trong chủ nghĩa xã hội (Đại hội VI), Đảng đã nhận thức rõ vai trò của kinh tế hàng hóa, kinh tế thị trường và nâng thành mô hình kinh tế tổng quát của nước ta trong thời kỳ quá độ: kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Điều này đã góp phần quan trọng đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, trở thành quốc gia có thu nhập trung bình. Nếu như năm 1988, quy mô của nước ta chưa tới 5,5 tỉ USD, GDP đầu người/năm là 86USD thì đến năm 2016, GDP đạt 205,32 tỉ USD và GDP đầu người/năm đạt 2.215 (tăng 37 lần GDP và tăng 27 lần GDP/người). So sánh với các nước trong khu vực và trên thế giới, chúng ta cũng có quyền tự hào về thành tựu kinh tế – xã hội mà kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đem lại. Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB), năm 1990, GDP bình quân đầu người của Thái Lan là 1.508 USD, con số của Việt Nam chỉ là 98 USD (khoảng cách chênh lệch là 15,3 lần) thì đến năm 2015, GDP bình quân đầu người của Thái Lan là 5.815 USD, con số của Việt Nam là 2.111 USD (khoảng cách rút ngắn còn 2,7 lần). Với Philippin, năm 1990, GDP bình quân đầu người là 715 USD (cao gấp 7,3 lần so với Việt Nam), đến năm 2015 GDP bình quân đầu người là 2.904 (khoảng cách 1,4 lần). Việt Nam từ chỗ thấp hơn Ấn Độ về GDP bình quân đầu người (năm 1990, 375 USD với 98 USD) thì đến năm 2015, Việt Nam đã vượt Ấn Độ (2.111USD với 1.593 USD).

Đất nước ra khỏi tình trạng kém phát triển, trở thành quốc gia có thu nhập trung bình. Ảnh: Internet

Cùng với phát triển kinh tế, Đảng chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân. Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB),Việt Nam đã đạt được những kỳ tích về xóa đói giảm nghèo. Năm 1993, tỷ lệ hộ nghèo trong cả nước chiếm tới 58%, đến cuối năm 2016 đã giảm còn 8,38% (theo chuẩn nghèo mới). Con số này thấp hơn nhiều tỷ lệ người nghèo so với các nước trong khu vực: Philippin (25,2%), Ấn Độ (21,9%), Thái Lan (12,6%), Indonesia (11,3%)… Năm 2014, chỉ số HDI của Việt Nam là 0,638, thuộc nhóm có chỉ số HDI trung bình. Như thế có thể thấy rằng, mặc dù kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn nhưng Đảng đặc biệt quan tâm đến những chính sách xã hội, văn hoá, giáo dục, y tế, thể dục thể thao…. Đời sống vật chất và tinh thần được nâng cao. Năm 2015, tuổi thọ trung bình của dân số nước ta đạt 73,5 tuổi. Cả nước đã phổ cập tiểu học vào năm 2010.

Sự phát triển của Việt Nam được cộng đồng quốc tế ghi nhận, và đánh giá cao. Tổng thư ký Liên Hiệp quốc đã nhấn mạnh: “Nếu tất cả các nước đều nỗ lực như Việt Nam, chắc chắn thế giới sẽ thực hiện thành công các mục tiêu phát triển trong giai đoạn mới.” Ngân hàng Thế giới (World Bank) coi Việt Nam là một câu chuyện thành công về quá trình phát triển. Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) gọi Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất kể từ năm 1990 đến nay. Hãng tin Bloomberg cho rằng Việt Nam có tiềm năng để trở thành “con hổ” châu Á. Đó chứng là những minh chứng hùng hồn khẳng định tính đúng đắn, phù hợp của kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay.

Vũ Văn Long



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 19/09/2024