ISSN-2815-5823

Kinh tế toàn cầu ổn định lần đầu tiên sau ba năm

(KDPT) - Năm 2024, nền kinh tế toàn cầu dự kiến đạt ngưỡng ổn định lần đầu tiên sau ba năm - theo báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB).

Kinh tế Mỹ đón nhận những tín hiệu rất lạc quan

Nền kinh tế Mỹ đón nhận những tín hiệu rất lạc quan. (Ảnh: Getty Images)
Nền kinh tế Mỹ đón nhận những tín hiệu rất lạc quan. (Ảnh: Getty Images)

Reuters đưa tin, trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu công bố ngày 11/6, World Bank dự báo nền kinh tế toàn cầu duy trì mức tăng trưởng ổn định 2,6% vào năm 2024, không thay đổi so với năm 2023. Con số này tăng 0,2 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 1 của World Bank, phần lớn nhờ vào tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ.

Cuối tuần qua, bên cạnh báo cáo tương đối sáng sủa của World Bank về GDP toàn cầu thì ở nền kinh tế Mỹ cũng đón nhận những tín hiệu rất lạc quan. Trước hết, CPI tháng 5 - chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ chỉ tăng có 3,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiểu đơn giản là giá cả hàng hoá chi tiêu sinh hoạt tại Mỹ không tăng thêm nữa đã hạ nhiệt. Chỉ số giá sản xuất PPI tháng 5 của Mỹ cũng giảm 0,2% so với tháng trước, trái ngược hoàn toàn với dự báo tăng 0,1% từ các chuyên gia kinh tế.

Không nằm ngoài dự đoán của thị trường, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp ngay sau đó. Chứng khoán Phố Wall đương nhiên đón nhận những dữ liệu này một cách rất tích cực. Tính đến đêm thứ 5 sáng thứ 6, chỉ số và Nasdaq Composite S&P 500 đã phá kỷ lục 4 phiên liên tiếp. Tất nhiên, đà tăng này một phần cũng nhờ các chỉ số này có nhiều mã công nghệ có màn thể hiện rất tốt tuần qua. Nhưng động lực chính chắc chắn là những báo cáo kinh tế mới cho thấy dấu hiệu suy yếu của lạm phát. 

Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết cơ quan này vẫn đang "thận trọng" về triển vọng lạm phát. "Dù số liệu gần nhất cho thấy giá hạ nhiệt phần nào, nhưng nó mới là số của một tháng và chưa đủ để chúng tôi thêm tự tin lạm phát đang giảm tốc bền vững về mục tiêu 2%", ông giải thích.

Quan chức FED dự báo lạm phát cuối năm nay là 2,6%, nhỉnh hơn so với ước tính hồi đầu năm. Lạm phát nền kinh tế lớn nhất thế giới hiện chậm lại đáng kể so với đỉnh 40 năm vào hè 2022, nhờ 11 lần nhà điều hành nâng lãi kể từ tháng 3 năm đó.

Kinh tế Mỹ năm nay được dự báo tăng trưởng cao hơn trung bình, với 2,1%, bất chấp quý I trì trệ. Tỷ lệ thất nghiệp có thể vẫn duy trì ở mức 4% hiện tại.

"Các số liệu gần đây cho thấy hoạt động kinh tế đang tăng trưởng với tốc độ vững chắc. Số việc làm được tạo ra nhiều, tỷ lệ thất nghiệp thấp", FED nhận định.

Những thách thức đối với kinh tế toàn cầu 

Trong báo cáo của World Bank cũng chỉ ra rằng chúng ta đang phục hồi nhưng rất chậm. Con số tăng trưởng GDP toàn cầu 2,6% thấp hơn nhiều so với mức trung bình 3,1% trong thập kỷ trước đại dịch COVID-19. Báo cáo lưu ý, trong giai đoạn 2024-2026, các quốc gia chiếm tổng cộng hơn 80% dân số thế giới và GDP toàn cầu vẫn sẽ tăng trưởng chậm hơn so với thập kỷ trước đại dịch COVID-19.

Nhìn chung, các nền kinh tế đang phát triển được dự đoán sẽ tăng trưởng trung bình 4% trong giai đoạn 2024-2025, chậm hơn một chút so với năm 2023. Tăng trưởng ở các nền kinh tế có thu nhập thấp dự kiến sẽ tăng lên 5% vào năm 2024 từ mức 3,8% năm 2023. Các nền kinh tế khác nhau cũng sẽ có tốc độ phục hồi khác nhau. Ở các nền kinh tế tiên tiến, tăng trưởng được dự đoán sẽ duy trì ổn định ở mức 1,5% vào năm 2024 trước khi tăng lên 1,7% vào năm 2025. 

World Bank dự báo nền kinh tế Ấn Độ sẽ tăng trưởng 6,6% trong năm nay, giảm từ mức 8,2% vào năm 2023. Mặc dù tăng trưởng kinh tế Ấn Độ được dự đoán sẽ chậm lại, nhưng quốc gia này vẫn tiếp tục là nền kinh tế lớn tăng tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

Báo cáo của World Bank chỉ ra rằng, tăng trưởng kinh tế ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương – bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, các quốc gia ASEAN và các quốc đảo Thái Bình Dương – dự kiến sẽ giảm từ mức 4,2% xuống 4% trong năm nay.

Đối với nền kinh tế Trung Quốc, World Bank nâng mức dự báo tăng trưởng năm 2024 của quốc gia này từ mức 4,5% trong tháng 1 lên mức 4,8%, phần lớn là nhờ xuất khẩu tăng bù đắp cho nhu cầu trong nước yếu. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc được dự báo sẽ giảm xuống còn 4,1% vào năm 2025, trong bối cảnh niềm tin đầu tư và tiêu dùng yếu kém cũng như tình trạng suy thoái trong lĩnh vực bất động sản đang diễn ra.

Trong khi đó, Việt Nam và Indonesia được World Bank coi là điểm sáng trong số các nền kinh tế lớn trong khu vực, với dự báo tăng trưởng lần lượt là 5,5% và 5%. Trong số các nền kinh tế tiên tiến, Nhật Bản – với tốc độ tăng trưởng tiêu dùng và xuất khẩu chậm lại, được dự báo sẽ tăng trưởng ở mức 0,7% vào năm 2024, so với mức 1,9% của năm ngoái.

Ngoài ra, còn một mối nguy cơ nữa mang tên cuộc chiến thương mại, mà mới nhất có thể là nổ ra giữa Trung Quốc và EU. Đây đang là những cơn gió ngược lớn nhất đối với đà phục hồi của kinh tế thế giới.

Cuộc chiến thương mại là những cơn gió ngược lớn nhất đối với đà phục hồi của kinh tế thế giới. (Ảnh: Getty Images)
Cuộc chiến thương mại là những cơn gió ngược lớn nhất đối với đà phục hồi của kinh tế thế giới. (Ảnh: Getty Images)

Theo dự báo mới nhất của World Bank, lạm phát toàn cầu dự kiến sẽ giảm xuống mức 3,5% trong năm nay và 2,9% vào năm 2025. Tuy nhiên, tốc độ giảm là không đều và chậm hơn so với dự báo đưa ra cách đây 6 tháng, cản trở đáng kể nỗ lực cắt giảm lãi suất của các ngân hàng trung ương.

Ông Ayhan Kose - Phó chuyên gia kinh tế trưởng tại World Bank, nhận định có dấu hiệu cho thấy nền kinh tế toàn cầu “hạ cánh mềm”. Ông lưu ý rằng lãi suất tăng mạnh đã làm giảm lạm phát nhưng không gây ra tình trạng mất việc làm lớn và các gián đoạn khác ở Mỹ hoặc các nền kinh tế lớn. “Đó là tin tốt. Nhưng tin không tốt là chúng ta có thể bị mắc kẹt trong làn đường chậm,” ông nói.

Một thách thức lớn khác là căng thẳng thương mại ngày càng gia tăng. Chính phủ Mỹ hồi tháng trước đã tuyên bố tăng thuế đối với 18 tỷ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc. Ngay trong tuần qua, đến lượt Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố áp dụng các mức thuế bổ sung lên tới 38,1% đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc. Các động thái này nhiều khả năng sẽ kéo theo các biện pháp trả đũa từ phía Bắc Kinh.

Ông Simon Schutz - Phát ngôn viên Hiệp hội Công nghiệp ô tô Đức (VDA) cho biết: "Thuế quan có thể là khởi đầu cho xung đột thương mại. Và một điều rõ ràng là xung đột thương mại chỉ khiến cả hai bên đều là kẻ thua cuộc".

Nhiều ý kiến lo ngại, các lĩnh vực công nghệ xanh, có vai trò quan trọng với cả nền kinh tế lẫn các nỗ lực chống biến đổi khí hậu sẽ là đối tượng chịu tác động lớn hơn cả.

"Các rào cản thuế quan sẽ được dựng lên tại một số thị trường có khả năng là khu vực tăng trưởng cao của các ngành công nghiệp năng lượng xanh. Điều này sẽ gây ra những tác động tiêu cực, ngay cả với những quốc gia áp dụng thuế quan", ông Heron Lim - Chuyên gia phân tích, Moody's Analytics đánh giá.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), sự gia tăng các biện pháp hạn chế thương mại, đặc biệt là giữa Mỹ, Trung Quốc và EU sẽ gây tổn hại lớn cho kinh tế toàn cầu. Trong trường hợp xấu nhất, xung đột thương mại có thể khiến kinh tế thế giới thiệt hại 7% GDP./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 27/12/2024