Kinh tế tuần hoàn - Khởi nghiệp và kinh doanh bền vững
Kinh tế tuần hoàn - Lời giải cho phát triển bền vững Thúc đẩy tiêu dùng xanh từ kinh tế tuần hoàn |
Kinh tế tuần hoàn là một mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường. Nếu mô hình kinh tế truyền thống chỉ quan tâm đến việc khai thác tài nguyên, sản xuất và loại bỏ sau tiêu thụ, dẫn đến việc tạo ra một lượng phế thải khổng lồ thì mô hình kinh tế tuần hoàn chú trọng việc quản lý và tái tạo tài nguyên theo một vòng khép kín nhằm tránh tạo ra phế thải. Việc chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn là một cơ hội lớn để phát triển bền vững, không chỉ đạt mục tiêu kinh tế - xã hội, môi trường, mà còn để ứng phó với biến đổi khí hậu. |
Kinh tế tuần hoàn - Từ góc nhìn thế giới
Các nguyên tắc cơ bản trong nền kinh tế tuần hoàn
Nền kinh tế tuần hoàn chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo, loại bỏ việc sử dụng các hóa chất độc hại và chất thải gây suy giảm khả năng tái sử dụng thông qua thiết kế ưu việt của vật liệu, sản phẩm, hệ thống.
Kinh tế tuần hoàn biến rác thải đầu ra của ngành này thành nguồn tài nguyên đầu vào của ngành khác, hay tuần hoàn trong nội tại bản thân của một doanh nghiệp. Đây là mô hình kinh tế phát triển tất yếu trên thế giới hướng tới phát triển bền vững.
Kinh tế tuần hoàn góp phần gia tăng giá trị cho doanh nghiệp, giảm khai thác tài nguyên, giảm chi phí xử lý chất thải, giảm ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, nền kinh tế tuần hoàn giúp các quốc gia tiết kiệm chi phí, giảm thiểu sự biến động giá và rủi ro đến từ các nhà cung cấp, gia tăng tính đổi mới sáng tạo bằng việc thay thế các sản phẩm.
Kinh tế tuần hoàn phát triển kinh tế bền vững. (Ảnh minh họa) |
Nền kinh tế tuần hoàn đảm bảo các nguyên tắc cơ bản sau:
(i) Thiết kế tái sử dụng: Rác thải sẽ không tồn tại nếu các thành phần sinh học và hóa học trong sản phẩm được thiết kế sao cho có thể đưa chúng vào tái sử dụng trong một chu trình mới. Điều này đồng nghĩa với việc có thể phân tách và tái sử dụng các thành phần này.
(ii) Khả năng linh động nhờ sự đa dạng: Các hệ thống có sự kết nối nội bộ đa dạng thường có sức chịu đựng cao và linh động trước những tác động bất ngờ từ ngoại cảnh. Trong nền kinh tế, để có được những linh động đó, cần phải có sự đa dạng các loại hình doanh nghiệp, mô hình kinh doanh và hệ thống sản suất. Đồng thời, các mạng lưới kinh doanh cũng phải có mối quan hệ tương hỗ lẫn nhau, cũng như với nhiều nhà cung cấp và khách hàng khác nhau. Các hệ sinh thái tự nhiên là những ví dụ minh họa sống động nhất cho những hệ thống sản xuất linh động như thế này.
(iii) Sử dụng năng lượng từ các nguồn vô tận: Để giảm tải những tổn thất về sản phẩm (bằng cách tái chế nâng cấp) cần phải sử dụng thêm năng lượng. Có hai nguồn năng lượng chính luôn sẵn có là năng lượng tái chế và 2 sức lao động. Sử dụng nguồn năng lượng tái chế mới có thể đáp ứng được các yêu cầu của nền kinh tế tuần hoàn.
(iv) Tư duy hệ thống: Tư duy hệ thống tập trung vào các hệ thống phi tuyến tính, đặc biệt là các vòng lặp phản hồi. Trong các hệ thống này, sự kết hợp giữa các nhân tố môi trường không chắc chắn với sự phản hồi trước các nhân tố đó thường mang lại những kết quả khó dự đoán trước. Tuy nhiên, để tìm hiểu cách tối ưu hóa các hệ thống này, cần phải cân nhắc đến những mối quan hệ giữa chúng và đường đi của các nguyên liệu trong chu trình sản xuất. Tại nhiều cấp độ và quy mô khác nhau trong nền kinh tế tuần hoàn, các hệ thống hoạt động trong đó tác động lẫn nhau, từ đó xuất hiện những mối quan hệ phụ thuộc và tạo nên những vòng lặp phản hồi giúp củng cố cho tính linh động của nền kinh tế tuần hoàn.
(v) Nền tảng sinh học: Ngày càng có nhiều hàng hóa tiêu dùng được tạo nên từ nguyên liệu sinh học và quá trình sử dụng dựa trên quy tắc “phân tầng” (các thành phần sinh học này được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau trước khi quay trở về các chu trình sinh quyển).
Kinh tế tuần hoàn dưới góc nhìn quốc tế
Theo Cơ quan phát triển Liên Hợp Quốc, đến năm 2030, lợi ích của nền kinh tế tuần hoàn sẽ đem lại 4,5 nghìn tỷ USD và hỗ trợ 10/17 chỉ tiêu về phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.
Mô hình kinh tế tuần hoàn được một số quốc gia thuộc khu vực Liên minh Châu Âu (EU), Trung Quốc, Nhật Bản, Anh, Pháp, Canada, Hà Lan, Thụy Sĩ và Phần Lan đề xuất. Trong đó, Trung Quốc là quốc gia đầu tiên thông qua dự luật liên quan đến nền kinh tế tuần hoàn trong năm 2009.
Thụy Điển là quốc gia thuộc khu vực Bắc Âu, có nền kinh tế phát triển cao, duy trì một hệ thống phúc lợi xã hội rộng rãi, GDP bình quân đầu người tính theo giá năm 2017 là 51.603 USD/người, xếp thứ 11 trên thế giới.
Thụy Điển phấn đấu đến năm 2040 không sử dụng nguyên liệu hóa thạch và nền kinh tế tuần hoàn (với rác thải carbon thấp dựa trên nền tảng sinh học) là một trong những chìa khóa để đạt được mục tiêu này. Tuy nhiên, trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế tuyến tính sang nền kinh tế tuần hoàn, Thụy Điển cũng gặp phải nhiều khó khăn do sự phối hợp giữa nhà nước, doanh nghiệp và các cấp, ngành. Kinh nghiệm xây dựng nền kinh tế tuần hoàn với phát thải carbon thấp của Thụy Điển được bắt đầu từ việc thay đổi tư duy sản xuất tiêu dùng, xây dựng kế hoạch triển khai, tiến đến áp dụng khoa học công nghệ vào các ngành sản xuất và xử lý rác thải với sự tham gia của cả nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Tại Trung Quốc, trước các vấn đề cấp bách về môi trường, nước này đã ban hành Luật Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn có hiệu lực từ ngày 1/1/2009 với mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế tuần hoàn, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, bảo vệ và cải thiện môi trường, hiện thực hóa sự phát triển bền vững.
Sự phát triển của nền kinh tế tuần hoàn phải tuân theo nguyên tắc ưu tiên với điều kiện tiên quyết là khả thi về mặt 3 kỹ thuật, hợp lý về kinh tế và tốt cho tiết kiệm tài nguyên. Trong quá trình tái sử dụng và tái chế chất thải, phải đảm bảo an toàn sản xuất để chất lượng sản phẩm đó đáp ứng các tiêu chuẩn của nhà nước và ngăn ngừa ô nhiễm thứ cấp.
Trung Quốc cũng đưa ra các chính sách hỗ trợ về ưu đãi thuế, tín dụng và trợ cấp chuyển đổi cho doanh nghiệp từ kinh tế truyền thống sang kinh tế tuần hoàn. Ngoài ra, Hội đồng Nhà nước và chính quyền nhân dân các tỉnh, khu tự trị và các đô thị trực thuộc Trung ương sẽ thành lập các quỹ đặc biệt để hỗ trợ nghiên cứu và phát triển khoa học và công nghệ liên quan đến nền kinh tế tuần hoàn.
Ở Nhật Bản, việc thiếu không gian cho rác thác, cùng với địa hình đá, nguồn tài nguyên khoáng sản và kim loại trong nước hạn chế là nguyên nhân chính thúc đẩy kinh tế tuần hoàn. Việc chuyển sang kinh tế tuần hoàn bắt đầu từ năm 1870, nhưng chỉ mang lại kết quả khi luật sử dụng tái chế được thực hiện vào năm 1991.
Nhật Bản trở thành quốc gia đầu tiên ban hành Luật Kinh tế tuần hoàn. Kinh tế tuần hoàn tại Nhật Bản được phát triển theo cách thu thập các vật liệu hoặc sản phẩm cũ; tất cả các công ty buộc phải tái chế sản phẩm của họ. Các hệ thống tái chế với mục tiêu phát thải bằng 0 đã được phát triển, bao gồm hệ thống đánh giá vòng đời sản phẩm của người dùng, hệ thống giảm thiểu chất thải, hệ thống tái chế tài nguyên, chuỗi công nghiệp tái chế chất thải và hệ thống tái chế, vận chuyển, thương mại của rác thải.
Việt Nam đang dần tiếp cận với kinh tế tuần hoàn
Cơ hội và thách thức
Tại Việt Nam, sau một thời gian dài phát triển dựa vào các nguồn tài nguyên, lao động giá rẻ, đã đạt được nhiều thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang phải đối diện với nhiều thách thức nghiêm trọng trước nguy cơ cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu.
Việt Nam hiện đứng thứ tư thế giới về rác thải nhựa với 1,83 triệu tấn/năm. Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam nằm trong số 10 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi ô nhiễm không khí và điều này làm cho Việt Nam mất đi khoảng 3,5% GDP vào năm 2035.
Việt Nam đã có một số mô hình tiếp cận của kinh tế tuần hoàn như mô hình thu gom tái chế sắt vụn, thu gom tái chế giấy…; trong nông nghiệp có mô hình vườn - ao - chuồng, vườn - rừng - ao - chuồng, thu hồi gas từ chất thải vật nuôi…; các mô hình sản xuất sạch hơn trong sản xuất công nghiệp quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ…
Bên cạnh đó, vấn đề quản lý, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu đã được toàn xã hội nhận thức đầy đủ hơn. Các chiến dịch về bảo vệ môi trường như chống rác thải nhựa đã được cộng đồng doanh nghiệp và người dân trên cả nước tích cực hưởng ứng và tham gia.
Đồng thời, Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế tuần hoàn (ICED) thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM được thành lập với vài trò một trung tâm nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và chuyển giao giải pháp khoa học - công nghệ, chính sách trong phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam trên nền tảng một hệ sinh thái doanh nghiệp - Chính phủ - đại học, giữ vai trò kết nối nền kinh tế tuần hoàn của thế giới với Việt Nam và ngược lại.
Việt Nam hiện nay có nhiều cơ hội để tiếp cận kinh tế tuần hoàn như: [1] Hiện nay trên thế giới nhiều nước đã triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn như EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Anh, Pháp, Canada, Hà Lan, Thụy Sĩ, Phần Lan… Việt Nam sẽ học hỏi được nhiều kinh nghiệm của các nước đi trước và phù hợp với xu hướng chung của thế giới. [2] Trong xu hướng diễn ra cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện phát triển kinh tế tuần hoàn gắn với công nghệ cao, chuyển từ thế giới thực sang thế giới số sẽ là cơ hội lớn nhằm nâng cao hiệu quả tăng trưởng so với cách thức tăng trưởng trước đây. [3] Việt Nam đang thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) và ứng phó với biến đổi khí hậu. Phát triển kinh tế tuần hoàn giúp giảm thiểu “rác thải đầu ra”, khi mà các “rác thải của khâu sản xuất này” lại là “nguyên liệu đầu vào” của khâu sản xuất tiếp theo. Các chất gây hiệu ứng nhà kính sẽ được hạn chế do được thu hồi gần như triệt để, không phát thải ra môi trường.
Bên cạnh những cơ hội thì việc phát triển và triển khai kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam cũng gặp phải không ít thách thức. [1] Việt Nam chưa có hành lang pháp lý cho phát triển kinh tế tuần hoàn. Các chính sách thể chế mới chỉ dừng lại ở tăng trưởng xanh và tăng trưởng bền vững. [2] Nhận thức của người dân cũng như doanh nghiệp về kinh tế tuần hoàn còn hạn chế. Ý thức về vòng đời của “rác” cũng như nhận thức “rác là một tài nguyên quý giá” còn chưa cao. Kinh tế tuần hoàn đòi hỏi một sự phối hợp chia sẻ thực sự gắn với lợi ích kinh tế, do vậy việc sử dụng động lực kinh tế, cơ chế thị trường để gắn kết các bên liên quan nhằm thực hiện kinh tế tuần hoàn là thách thức lớn, khi mục tiêu quan trọng nhất của doanh nghiệp là hướng tới “lợi nhuận”. [3] Kinh tế tuần hoàn đòi hỏi phải triển khai một cách đồng bộ và hệ thống giữa các thực thể trong nền kinh tế. Đơn cử như tại Trung Quốc, sau khi phân loại rác thì rác lại được gom chung để phân hủy sẽ trở lên không có ý nghĩa. 5 [4] Kinh tế tuần hoàn đòi hỏi chi phí lớn và ứng dụng khoa học công nghệ cao. Các doanh nghiệp phải đầu tư để mua máy móc, thiết bị mới theo tiêu chuẩn tiết kiệm năng lượng hoặc sử dụng nguyên liệu sạch, gây ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của doanh nghiệp. [5] Cần có hệ thống tiêu chuẩn chất lượng cho các sản phẩm tái chế riêng. Các sản phẩm tái chế thường sẽ không đạt được tiêu chuẩn so với một sản phẩm mới, gây bất lợi cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm tái chế.
Khuyến nghị cho Việt Nam
Trong bài đăng trên Thông tin phục vụ lãnh đạo số 21-202, tác giả Nguyễn Thị Thu cho rằng để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn cần phải có một kế hoạch rõ ràng các mục tiêu cụ thể để thực hiện kỹ lưỡng và có sự đồng thuận lớn của toàn xã hội. Đồng thời phải có một hành lang pháp lý rõ ràng cho việc hình thành, phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn gắn với trách nhiệm của các thành phần trong nền kinh tế (Chính phủ, người dân và doanh nghiệp).
Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, các tổ chức và từng người dân tham gia thực hiện. Trong đó, Bộ Tài chính đóng góp các khung về thuế, phí đối với việc bảo vệ môi trường, giảm thải rác thải, tăng cường hiệu quả sử dụng tài nguyên...
Việt Nam có thể xem xét nâng thuế đối với việc tiêu thụ các nguồn lực không thể tái chế và ban hành thuế carbon nhằm hạn chế phát thải ra môi trường. Đối với doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp sản xuất theo hướng sạch và tăng cường tái chế thông qua các chính sách ưu đãi thuế, tín dụng, hỗ trợ tài chính, cũng như tăng cường trách nhiệm đối với doanh nghiệp trong việc xử lý bao bì, sản phẩm thải ra sau khi sử dụng.
Bộ Tài chính có thể xây dựng các chế tài tài chính buộc doanh nghiệp phải có trách nhiệm với sẩn phẩm của mình. Bộ Tài chính cần phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, bộ ngành liên quan tích cực thực hiện những chiến lược truyền thông và thông tin để nâng cao nhận thức của các nhà sản xuất, công chúng về kinh tế tuần hoàn.
Kinh tế tuần hoàn đòi hỏi phải có các nghiên cứu phát triển về công nghệ, vật liệu, thiết kế sản phẩm. Vì vậy cần có các biện pháp hỗ trợ khuyến khích nghiên cứu, phát triển hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có thể thành lập các quỹ để khuyến khích nghiên cứu phát triển.
Bộ Tài chính có thể xem xét đưa ra cơ chế quản lý quỹ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, trong đó tham khảo kinh nghiệm quản lý quỹ ở Singapore là tương đối minh bạch và hiệu quả.
Kinh tế tuần hoàn sẽ không thành công nếu chỉ dừng lại ở phía sản xuất tuần hoàn, mà đòi hỏi cả ở phía tiêu dùng. Vai trò của Bộ Tài chính rất quan trọng trong việc thúc đẩy tiêu dùng xanh. Nhật Bản và Trung Quốc đều đưa ra Luật Mua sắm xanh, trong đó đơn vị sử dụng ngân sách cũng như người dân được khuyến khích sử dụng các sản phẩm tái chế.
Kinh tế tuần hoàn - xu thế khởi nghiệp và kinh doanh bền vững
Theo tác giả Hà Anh đăng trên Báo điện tử Đảng Cộng sản, kinh tế tuần hoàn được đánh giá là sẽ tạo tác động xã hội và mang lại các lợi ích kinh tế, kinh doanh bền vững cho doanh nghiệp.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, trong bối cảnh hiện tại, sự phát triển của khoa học - công nghệ đã mang đến những lợi ích to lớn, giúp cuộc sống của con người tốt hơn, tiện lợi và dễ dàng hơn. Tuy nhiên, điều này cũng đồng thời khiến chúng ta phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng về cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và thay đổi khí hậu. Trong bối cảnh nền kinh tế yêu cầu sự phục hồi, đồng thời kết hợp thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, sự quan trọng của “kinh tế tuần hoàn” được đề cao, đặc biệt với các mô hình khởi nghiệp và kinh doanh bền vững.
Vài năm trở lại đây, Đảng và Nhà nước ta cũng đang ưu tiên hướng tới phát triển kinh tế tuần hoàn và khẳng định trong định hướng chiến lược phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, kinh tế tuần hoàn là một chủ chốt và đặc biệt quan tâm tới các công nghệ thực phẩm, nông nghiệp thông minh, công nghệ bảo vệ môi trường, các ứng dụng AI… vừa tạo đòn bẩy kinh tế vừa đóng góp cho sự phát triển bền vững.
Thực tế cho thấy, kinh tế tuần hoàn đơn giản là việc kéo dài cuộc sống, đồng thời có thể đem lại cuộc sống thứ hai cho các nguyên vật liệu vốn sẽ bị coi là rác thải. Đây là một quá trình yêu cầu sự áp dụng các biện pháp thiết kế, sử dụng hợp lý, tái chế, tái sử dụng... nhằm sử dụng nguyên liệu một cách thông minh. Trong bối cảnh cộng đồng đang phải đối mặt với những thách thức về môi trường và cạn kiệt tài nguyên ngày càng nghiêm trọng, mô hình kinh tế tuần hoàn mang đến một giải pháp tầm nhìn có thể biến đổi xã hội và nền kinh tế.
Cũng theo các chuyên gia kinh tế, để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, chúng ta phải phá vỡ các hiểu lầm về kinh tế tuần hoàn như hiểu đây là 1 quy trình tái chế hay 1 trào lưu xa vời tạm thời, thậm chí để “làm màu" chỉ dành cho các doanh nghiệp lớn làm thương hiệu chứ không phải các doanh nghiệp khởi nghiệp. Thực chất, kinh tế tuần hoàn không chỉ là một cách để tái chế, mà còn là cơ hội để doanh nghiệp phát triển bền vững, tạo giá trị và phát triển thông qua việc sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả.
Đồng thời, chúng ta cũng nên nhìn thấy kinh tế tuần hoàn không chỉ dành riêng cho doanh nghiệp lớn mà còn là một xu hướng phổ biến và thực tế trong thời đại mới, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư và người tiêu dùng. Sự đổi mới sáng tạo mở và kinh tế tuần hoàn đều hỗ trợ nhau trong việc xây dựng một tương lai bền vững và thịnh vượng, giúp giảm thiểu lãng phí và ô nhiễm môi trường, đồng thời tạo ra giá trị và phát triển bền vững cho xã hội và doanh nghiệp.
Hiện, Đề án Phát triển Kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 07/06/2022, khẳng định việc chủ động phát triển kinh tế tuần hoàn là tất yếu, phù hợp với xu hướng, yêu cầu tạo đột phá trong phục hồi kinh tế và thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam. Ngoài ra, đề án cũng đề cao tầm quan trọng của việc phát triển nền kinh tế tuần hoàn trong việc thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng hiện đại, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chủ động thích ứng, chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài, hiện thực hóa Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Việt Nam đang chứng kiến xu hướng thúc đẩy khởi nghiệp và kinh doanh theo hướng kinh tế tuần hoàn, có nhiều thuận lợi và cũng không kém phần thách thức. Kinh tế tuần hoàn gặp các thách thức khi triển khai vì lợi ích về kinh tế đang bị áp đặt trong quá trình áp dụng kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, kinh tế tuần hoàn mang tới nhiều lợi ích cho cộng đồng: nhiệt độ tăng trên toàn cầu tạo khó khăn đối với cuộc sống hiện tại, nên chúng ta đều thấy phải thay đổi. Phát triển xanh góp phần tăng độ hài lòng trong cuộc sống hàng ngày. Mỗi sự thay đổi đều bắt đầu bằng những hành động nhỏ, chúng ta cần tin vào nó và làm cho các bên liên quan, ủng hộ cùng tin theo. Kinh tế tuần hoàn còn khó hơn đổi mới sáng tạo vì đổi mới sáng tạo chỉ mới tập trung vào phát triển kinh tế còn kinh tế tuần hoàn vừa cân bằng kinh doanh vừa bảo vệ, cải tạo môi trường, chính vì vậy đó không chỉ là quá trình kinh doanh, huy động đầu tư mà còn là quá trình chiến lược và đỏi hỏi sự tham gia của tất cả các bên liên quan.
Có thể thấy, sự đoàn kết, hợp tác đa phương đa ngành, tinh thần đổi mới sáng tạo mở xã hội theo xu hướng kinh tế tuần hoàn sẽ là tiền đề tiên quyết để giải quyết các thách thức vì sự phát triển bền vững./.
HƯƠNG LAN