Kinh tế tuần hoàn - Lời giải cho phát triển bền vững
Chiến lược ESG giúp Home Credit đạt giải Global CSR & ESG lần thứ 3 liên tiếp Đẩy mạnh ESG trong lĩnh vực tài chính, thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững |
Xu hướng chuyển đổi hệ thống nói chung khiến các nhà đầu tư, các ngân hàng, định chế tài chính, quỹ đầu tư tư nhân chuyển dịch chiến lược đầu tư trong hiện tại và tương lai thông qua lăng kính ESG thay vì các chỉ tiêu tài chính truyền thống.
"UNDP đang hỗ trợ Việt Nam tính toán ngân sách dành cho Kế hoạch hành động quốc gia về kinh tế tuần hoàn. Nguồn ngân sách này không chỉ bao gồm ngân sách nhà nước mà cần phải huy động từ các nguồn hỗn hợp như trái phiếu xanh và tài chính xanh và cả nguồn tài chính của khu vực tư nhân", bà Ramla Khalidi, Đại diện thường trú, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), cho hay.
ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị) là bộ 3 tiêu chuẩn để đo lường những yếu tố liên quan đến định hướng, hoạt động phát triển bền vững của doanh nghiệp. (Ảnh: Forbes) |
Như vậy thách thức về tài chính không phải là vấn đề đáng ngại, nhưng vấn đề hiện nay nằm ở việc nhiều doanh nghiệp lúng túng khi chưa có tiêu chí rõ ràng về xanh cho từng lĩnh vực, dẫn đến khi doanh nghiệp muốn đổi mới công nghệ, hay chọn nhà cung cấp nguyên liệu đầu vào cũng gặp lúng túng, khó xác định đơn vị nào đủ xanh để áp dụng.
Hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đang hoàn thiện dự thảo về danh mục xanh nhằm tháo gỡ các vướng mắc.
Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn đến năm 2030 đang lấy ý kiến hoàn thiện. Nếu được thông qua vào cuối năm nay, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia đầu tiên trong khu vực ASEAN thiết lập một khung thể chế, pháp luật toàn diện cho kinh tế tuần hoàn.
"Dự thảo hiện nay đề ra 2 hình thức: Một là sẽ có một tổ chức trung gian xác nhận dự án đủ điều kiện cấp trái phiếu xanh, cũng như huy động tín dụng xanh; Hai là Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan xác nhận dự án đó. Sau khi xác nhận, dự án sẽ được triển khai, cấp tín dụng xanh và trái phiếu xanh", bà Trần Thị Thanh Nga, Trưởng phòng Thích ứng biến đổi khí hậu, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết.
"Yêu cầu của kinh tế tuần hoàn hiện nay trong Kế hoạch hành động quốc gia tập trung vào 3 trụ cột: Trụ cột thứ nhất là theo dòng thải, tập trung ưu tiên là rác thải nhựa; Trụ cột thứ hai là theo ngành sản phẩm, ưu tiên đến nhựa sử dụng trong sản xuất lương thực thực phẩm; Cuối cùng là cam kết NDC (đóng góp do quốc gia tự quyết định) tại thỏa thuận Paris 2015 liên quan đến năng lượng, giao thông vận tải, như chuyển từ xe xăng sang xe điện", PGS. TS. Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài Nguyên Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, thông tin.
Doanh nghiệp thực hành tiêu chuẩn ESG để thu hút dòng vốn xanh
Để thực hành ESG đòi hỏi nguồn lực tài chính lớn, nhưng các doanh nghiệp cần nhìn nhận việc tuân theo các yếu tố môi trường, xã hội không phải là gánh nặng về chi phí, mà cần coi đó là khoản đầu tư, đem lại lợi ích dài hạn và giúp tiếp cận nguồn vốn xanh lãi suất thấp.
"Khoảng 82% người trẻ quan tâm đến các sản phẩm về môi trường, chứng tỏ nhận thức của người tiêu dùng nâng cao, đòi hỏi các thương hiệu phải đáp ứng sự quan tâm của họ về môi trường, xã hội, con người", bà Lê Thị Hồng Nhi, Giám đốc Truyền thông đối ngoại và Phát triển bền vững Unilever Việt Nam, đánh giá.
"Chúng tôi làm việc với khách hàng để đưa ra các câu hỏi về ứng dụng ESG. Dựa trên bộ tiêu chí riêng của mình, chúng tôi sẽ xác định doanh nghiệp xanh để cho vay ưu đãi. Hiện chúng tôi áp dụng chuẩn mực toàn cầu. Tôi hy vọng rằng, khi có một khung pháp lý chính thức của Việt Nam, chúng tôi có thể đối chiếu và triển khai, có thể chuẩn hóa cùng nhau khi cấp vốn dự án xanh", bà Michele Wee, Tổng Giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam, cho biết./.
HƯƠNG LAN